TP.HCM tìm mô hình của đặc khu kinh tế




TP.HCM tìm mô hình của đặc khu kinh tế

Đề án thành lập các đặc khu kinh tế (ĐKKT), trong đó có (dự án) Đặc khu kinh tế Tp.HCM, được kỳ vọng là mô hình mới của Thành phố, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại cùng các hoạt động kinh tế gắn với hệ thống cảng biển, các dịch vụ đa phương thức, du lịch sinh thái… Song vấn đề là làm thế nào để những ĐKKT thành công khi hơn một nửa các khu kinh tế trên thế giới có khả năng thất bại.

Xuân Thái

 

Theo kế hoạch hiện tại đang được Chính phủ xây dựng, 3 ĐKKT sẽ được thành lập tại 3 miền Bắc, Trung và Nam. Đó là các ĐKKT Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Với Tp.HCM, theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế TƯ, TP cần tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ hơn; đặc biệt cũng cần tính đến xây dựng Tp.HCM trở thành ĐKKT của cả nước.

 

Trở thành Đặc khu kinh tế – Tp.HCM sẽ cất cánh?

Từ nhiều năm trước, Tp.HCM đã xin TƯ cơ chế chính quyền đô thị, theo đó có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thậm chí cần thiết phải có luật riêng nhằm tạo động lực cho TP phát triển mạnh.

Tuy nhiên, để có động lực phát triển và trở thành động lực phát triển chung cho toàn vùng, vừa qua Chính quyền TP đã giao Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) chủ trì, nghiên cứu và sớm hoàn thành đề cương chi tiết đề án thành lập ĐKKT của TP (hạn đến trước ngày 30/9/2015). Trong đó xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên, đóng vai trò động lực phát triển của đặc khu kinh tế; đề xuất mô hình, nhiệm vụ, giải pháp phát triển và phương án huy động vốn đầu tư xây dựng đặc khu kinh tế từ khu vực tư nhân, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế… ĐKKT được hình thành trên địa bàn quận 7 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. Theo nhận định của Bộ KH&ĐT, việc phát triển thành công ĐKKT tại Tp.HCM sẽ khai thác được tối đa tiềm năng của TP.

Theo ông Vương Đình Huệ, ĐKKT sẽ là nơi thử nghiệm thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước. Đồng quan điểm này, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Việt Nam (FETP), cũng cho rằng: Yếu tố chính của ĐKKT là tạo ra môi trường để thử nghiệm chính sách, tức là nghiên cứu tạo ra một chính sách mới, sau đó nhân rộng ra. Nói cách khác, ĐKKT là nơi ươm tạo áp dụng chính sách để phát triển những hướng tốt hơn.

 

 

 

Nhưng có cần thiết thành lập đặc khu?

Đề án thành lập ĐKKT đã vấp phải sự phản ứng nhiều chiều từ phía các chuyên gia, nhà khoa học. Nên hay không nên? TP có cần thiết thành lập ĐKKT hay không khi câu chuyện thành lập ĐKKT ở Việt Nam đang có một vài nghịch lý.

Ông Huỳnh Thế Du đã chỉ rõ cái nghịch lý đó: “Cái mà chúng ta gọi là khu kinh tế, ĐKKT hầu như chưa có cái nào thành công một cách đúng nghĩa, nhưng những cái không gọi khu kinh tế hay ĐKKT thì lại rất thành công. Ví dụ như khu Nam Sài Gòn và TP mới Bình Dương, ở một khía cạnh nào đó nó mang dáng dấp của những ĐKKT”. Có nên thành lập ĐKKT ở Tp.HCM nữa hay không khi cả 3 khu kia (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc – NV) còn chưa thể triển khai, nói theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam là “còn trầy trật trong triển khai”? Ông Thiên băn khoăn: “Thay vì thành lập đặc khu riêng của Tp.HCM thì nên đặt vấn đề thành lập “Vùng Tp.HCM”, với sự tham gia của Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, và với các đề xuất về thể chế vượt trội!”

 

 

Trong khi đó, TS Nguyễn Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng Tp.HCM cho rằng, Tp.HCM có truyền thống năng động trong phát triển, là một trong những nơi đã mạnh dạn “xé rào” để tạo nên những bứt phá cho công cuộc đổi mới đất nước suốt 30 năm qua. Ngày nay, cái áo cơ chế đã quá chật chội nhưng lại khó xé, cũng không ai dám xé. TP chỉ còn cách tiếp tục kiến nghị đổi mới cơ chế, tăng cường phân cấp quản lý cho đô thị đặc biệt phù hợp với tầm vóc của mình, và đề xuất thành lập ĐKKT để hưởng cơ chế chính sách đặc biệt đối với loại mô hình phát triển này.

Vấn đề đặt ra là, nếu thành lập ĐKKT Tp.HCM, thì việc xác định trọng tâm vùng, mục tiêu, mục đích và hướng đi như thế nào để khai thác tối đa lợi thế sẵn có? Hay chỉ như một nơi được bao quanh bởi “bốn bức tường rào” với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù được thụ hưởng trong đó, như một “con gà đẻ trứng vàng”? Được biết, mục tiêu của Đề án là nghiên cứu thế mạnh phát triển của ĐKKT gắn với quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước, theo đó khai thác lợi thế mạnh của vị trí địa lý, đất đai, nguồn nhân lực và cảng biển Hiệp Phước để tạo ra bứt phá phát triển mới của TP.

 

 

Là người rất ủng hộ việc thành lập ĐKKT Tp.HCM, Chuyên gia về Động lực học biển và công trình thềm lục địa, cha để của các cảng biển nước sâu trải dài từ Bắc chí Nam của cả nước, trong đó có khu kinh tế - cảng biển Dung Quất, TS. Trương Đình Hiển nhận định: “Không thể so sánh lợi thế của Tp.HCM với Vân Đồn, Bắc Vân Phong, hay Phú Quốc được! Những nơi đó chưa khởi động được vì chưa có những điều kiện cần thiết nhất định trong khi tại Tp.HCM, tất cả đã chín muồi!”. Tuy nhiên, khoa học gia này cũng cho rằng, sẽ là một sai lầm lớn nếu chọn khu đô thị - cảng Hiệp Phước làm trung tâm vùng của đặc khu. TS. Trương Đình Hiển phân tích: “Tôi cùng các cộng sự ngay từ hàng thập kỷ về trước đã rất tán thành việc thành lập ĐKKT cho Tp.HCM. Và chúng tôi đã đề xuất chọn khu vực Gò Gia – Giồng Chùa thuộc huyện Cần Giờ làm tổ hợp khu kinh tế - cảng biển nước sâu – trung tâm logistics; bởi chúng có đầy đủ các yếu tố tự nhiên thích hợp để xây dựng một cụm kinh tế biển, một cảng biển nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế”. TS. Hiển thêm rằng, trong khi Hiệp Phước là một vùng đất trũng, nền yếu, đáy bùn luôn bồi đắp (sông Lòng Tàu…), được nhiều chuyên gia khuyến cáo xem là vùng đệm chứa nước của TP, nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề ngập nước của TP; thì Gò Gia đã hội đủ tất cả các yếu tốt thiên thời, địa lợi. Đó là: nền tảng đá có cao trình trung bình từ 1,5 – 3 m so mặt đất, có khu vực cao từ 15 – 20 m so mặt đất là Giồng Chùa. Về độ sâu thấp nhất là 18 mét, tối đa 46 mét (cực kỳ lý tưởng), chiều rộng trung bình từ 500 mét đến 1.500 mét, đạt chuẩn cho tàu 100.000 tấn lưu thông và cập cảng. Gò Gia - Giồng Chùa nằm về phía đông bắc huyện Cần Giờ, có những yếu tố thuận lợi như: toàn khu vực có diện tích khoảng hơn 8.000 ha (gấp 10 lần khu Thủ Thiêm, Q.2); cách trung tâm Tp.HCM 40 km, trung tâm Tp. Vũng Tàu 79 km, cách (dự án) sân bay Long 40 km, có các tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây,…

“Nếu không bắt tay làm ngay bây giờ thì Sài Gòn – Tp.HCM sẽ tự vuột mất đi một cơ hội thế kỷ đó là vươn lên xứng tầm là Hòn ngọc Viễn Đông, kéo cả vùng Tp.HCM cùng vượt lên phía trước. Tuy nhiên, để đề án có giá trị khoa học và thực tiễn, nhất thiết phải có sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu, các chuyên gia giàu kinh nghiệm ngay từ đầu, vì mục đích chung cho cả cộng đồng và đất nước”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước