Góp đời bất hạnh dệt thành bài ca
Những đứa trẻ khuyết tật ở Thiên Phước
và đôi tay người mẹ hiền
Đó là những đứa trẻ chậm phát triển, bại
não, não úng thủy, xương thủy tinh, hội chứng down, tự kỷ, câm điếc, bại liệt
toàn thân hay tứ chi, đau tim, mù lòa, mồ côi, tật nguyền bị bỏ rơi, bệnh do
nhiễm chất khai quang Dioxin,… Họ còn là những người cha đầy lòng trắc ẩn, người mẹ giàu lòng nhân ái thuộc Hội dòng Mẹ Nhân Ái (Giáo phận Phú Cường), Hội dòng
Mến Thánh Giá Khiết
Tâm (Gò Vấp), cùng những mẹ, những cô,
những dì đã yêu tha nhân hơn chính bản thân, gắn cuộc đời mình vào những nỗi
đau của người khác, để tất cả cùng dệt thành một bài ca: Bài ca tình thương.
Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ
em khuyết tật Thiên Phước được xây dựng tại ấp Lô 6, xã An Nhơn Tây, Củ Chi, Tp.HCM
ngày 30/12/1999 do Linh mục (Lm) Phan Khắc Từ, Chính xứ Vườn Xoài sáng lập, và được
tài trợ kinh phí ban đầu của một nhóm Lm người Hàn Quốc đứng đầu là Lm. Dong Il
Kim. Đây là cơ sở từ
thiện phi chính phủ, tự trang trải kinh phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, trực
thuộc Ủy ban Đoàn kết Công giáo Tp.HCM mà Lm. Phan Khắc Từ là Phó chủ tịch UB. Sau
10 năm hoạt động, đến nay Thiên Phước đã thiết lập được 2 cơ sở nuôi dưỡng tập
trung với tổng số trên 131 trẻ. Cơ sở 1 (75 trẻ) tại Củ Chi và cơ sở 2 (55 trẻ)
đặt tại phường An Phú Đông, Q.12.
Nhớ mãi một lần đến Thiên Phước…
Vào một đêm se
lạnh, tiết trời sắp sang Đông, cách nay 6 năm (cuối tháng 11/2003), một trẻ thơ
chưa đầy 1 tuổi đã bị “quăng” vào bồn cỏ giữa sân Cơ sở Thiên Phước. Mãi đến gần
sáng, các Sr. mới phát hiện một hài nhi được bọc trong một tấm khăn, lạnh lẽo,
trần trụi. Em được mang vào sơ cứu và chăm sóc tận tình. Bẵng đi một thời gian,
một người phụ nữ trạc ngoại tứ tuần xuất hiện, xưng là dì họ của một người mẹ
bất hạnh, từ Tây Ninh đến gặp các Sr. để thuật lại câu chuyện đau thương.
Các bé mừng rỡ khi thấy có người lạ đến thăm
Mẹ của bé bị
bệnh tâm thần rất nặng, lại bị cưỡng hiếp. Khi phát hiện, gia đình có ý định
“bỏ” đi cái bào thai tai ác ấy; nhưng đã kịp nghĩ, biết đâu lại là một mầm sống
bình thường. Để lại, vừa không phải mang tội với Trời Đất vừa có cháu con ẵm
bồng. Rồi bào thai lớn dần lên, đứa bé được chào đời trong tận cùng nỗi đau của
người thân: một hài nhi thực vật! Đau thương và tủi nhục, những người thân gia đình
đành phải cưu mang đứa trẻ “con-hơn-người” ấy cho đến lúc bé trạc gần 1 tuổi
thì xuôi tay “liệng” vào Thiên Phước với hy vọng còn cơ hội không phải chết.
Còn người mẹ đáng thương kia, cho đến bây giờ vẫn còn bị xiềng cả 2 chân tại
nhà do không làm chủ được mọi hành vi của mình. Em được đặt tên khai sinh là
Nguyễn Thành Hưng….
Rồi cách nay
khoảng một tuần, vào cái ngày cuối cùng của năm 2009 vừa qua, khi tôi vừa đặt
chân đến đây, một bé gái độ 4 tuổi lại được các cô, các dì nhặt lên ngay trước
cổng của Cơ sở Thiên Phước 2 ở An Phú Đông, quận 12. Không ai biết được tên của
bé, và cũng chưa biết em từ đâu bị quẳng tới; bởi toàn thân em luôn gồng cứng, cử
động liên tục, hình hài trông như một chiếc bánh… quai chèo. Em không thể nằm
yên quá 1 phút, vì căn bệnh qua chẩn đoán sơ bộ là bại não thể nặng, bại liệt
toàn thân đã cướp đi sự bình an tối thiểu mà em cần có. Mắt em nhìn chăm chăm
vào tôi khi biết tôi đang muốn hỏi thăm gì đó, nhưng đành bất lực. Miệng há
hốc, thều thào một hơi thở yếu ớt không thành tiếng, có lẽ em muốn nói tên của
em là gì.
Đó là 2 trong
số nhiều trường hợp những đứa trẻ vốn bất hạnh lại bị người thân bỏ rơi, trong vô
số những trường hợp bệnh khác nhau, hoàn cảnh khác nhau; trong đó, bại não, úng
thủy não, chậm phát triển trí tuệ là những bệnh chiếm tỷ lệ nhiều nhất ở Thiên
Phước. Họ hầu hết sống một đời sống thực vật, hay khá hơn là vô thức. Có những
em do Thiên Phước “sưu tầm” mang về, có những trẻ do cha mẹ, người thân mang
đến “ký gửi”, cũng có những mảnh đời bị quẳng ra bên ngoài xã hội bởi sự bất hạnh
của em cũng là nỗi đau tột cùng của người thân, khi một gia đình 4 người hết 3
người bại não, rồi ai đó chạnh lòng thương “nhặt” về tặng cho Thiên Phước!… Mỗi
hoàn cảnh là một cuộc đời, mỗi mảnh đời là một nỗi đau không thể đau được hơn.
Có đến với Thiên Phước trong những ngày này mới cảm nhận được một bé Thoa 10
tuổi bị động kinh vào bất kỳ lúc nào, nhất là mỗi sáng trời se se lạnh; mới
hình dung được một bé Sang 10 tuổi hay đập đầu liên hồi vào bất cứ vật cứng nào
có thể đập được: tường, sàn,… đến độ chiếc mũ bảo hiểm phải bị xiềng thật chặt
suốt ngày đến lúc đi ngủ thì xích tay chân vào giường mới an toàn. Lúc trước,
khi chưa xích chiếc mũ bảo hiểm vào, da đầu của Sang thường úng dập và cái mũi
thì nát bét, máu me bê bết. Không đến một lần với Thiên Phước, sẽ không chứng
kiến được sự “lễ phép” đến… thừa mứa khi những bé An, bé Yến, bé Long, bé Tuấn cứ
chạy đến cười cười nói nói, khoanh tay “Em chào chú ạ! Con chào anh ạ!” không
ngớt khiến khách như tôi cũng buộc phải gật đầu lia lịa mà đáp lễ. Đến với Thiên
Phước một lần, để kiên nhẫn lắng nghe bé Đỗ Hoàng Minh 11 tuổi, nằm bất động,
nghe và hiểu hết những câu hỏi của khách, nhưng cả đến 10 phút vẫn không thể
diễn đạt được nổi cái tên của mình, bằng lưỡi hay bằng động tác. Em Hoàng bị
bại não thể nặng dẫn đến bại liệt tứ chi hoàn toàn. Em vẫn còn cha mẹ nhưng không
thấy họ một lần đến thăm. Hoàng thật khó khăn để cười một nụ cười đau khổ đáp
lễ vị khách lạ… Và còn nhiều, nhiều nữa những Huy, Kiều, Thuận, Lộc… chỉ biết
nằm “án binh bất động”, đang trải qua nỗi đau mà không biết khóc…
Nhiều cháu khi
tôi gặp, đã vừa trải qua một cơn cực hình ghê gớm. Có cháu 4 tuổi bị bệnh não úng
thủy, động kinh. Cháu nằm trên tấm thảm lâu lâu gồng cả hai tay. Khi cháu gồng,
toàn cơ thể như căng ra, cố gắng để chịu đựng sự đau đớn đang hành hạ. Sau cơn
co giật, cháu trở lại nằm yên. Đôi mắt nhợt nhạt, toàn thân mệt mỏi, rã rời. Chỉ
một lát sau, lại gồng mình tiếp. Cái điệp khúc buồn đau ấy cứ lặp đi, lặp lại,
bám riết cháu và lan truyền sang tôi. Con bé đã làm cho tôi có cảm giác như cái
gì đó cay cay nơi sống mũi, và cảm nhận được một nỗi đau, cái đau của người
đáng bậc cha chú hơn là cái buồn của đời làm báo mà tôi từng trải nghiệm. Ở cái
tuổi quá bé bỏng của Quỳnh, tên gọi của bé lẽ ra được trong vòng tay ôm ấp của
mẹ cha và… Hàng trăm mũi kim đang châm vào da thịt tôi. Xốn xang thấu ruột!
Bao la tấm lòng người Mẹ hiền
Những mảnh đời
bé bỏng, bất hạnh ấy đang từng ngày, từng giờ đánh vật với cuộc sống và “đánh
mất” thân phận làm người một cách đường hoàng. Nhưng tôi lại cảm nhận nơi đây
một tình thương bao la, một trái tim ngập tràn hạnh phúc, một tấm lòng mở ra
với trẻ bất hạnh. Bất giác, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, hèn mọn trong cái
bao la của tình thương, lòng trắc ẩn từ tấm lòng và đôi bàn tay những người mẹ
nhân ái, những người đã cưu mang và nâng đỡ các em.
Sr. Nguyễn Thị
Tý, Phó phụ trách Cơ
sở Thiên Phước Củ Chi,
đôi mắt nhân từ phảng phất chút nỗi buồn, đã chia sẽ tận đáy lòng: “Dù gì thì
chị em chúng tôi cũng vẫn là những con người bình thường như mọi người. Nhưng
chúng tôi có Đấng nâng đỡ và phù trợ”. Tôi biết điều mà Sr. Tý và các Sr., các
mẹ, các cô ở đây nói là gì. Bởi có những điều Sr. Tý, Sr. Huyên, Sr. Thuận, mẹ
Mai, mẹ Sơn… không nói ra; nhưng lòng tôi chợt cảm nhận được: con người thật
yếu đuối, mỏng dòn. Vì vậy, để dấn thân và phục vụ, không chỉ có trái tim và
tấm lòng, mà phải còn có một niềm tin, đức tin. Vâng! Họ có một niềm tin, để
“Phục vụ những người đau khổ và bất hạnh”.
Có thấy những
cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm chăm chút cho từng trẻ trở tính trở trời của các Sr.,
các dì, các mẹ ở đây mới hiểu được vì sao hầu hết các em đều ngoan ngoãn. Bởi
theo lời kể của một Lm, nhiều cháu bị loạn trí, thần kinh, bại não ở một vài
trung tâm khác, trong lúc đánh nhau đã móc mắt của nhau mà ăn…Tôi không nghĩ mình
có nhiều hơn một lần sự nhẫn nhục, chịu đựng để có thể đút cháo cho những con
người-thực vật ấy, khi cháo ngậm vào miệng lại cứ trào ra, trào ra…
Vì là những
bệnh thể nặng và cần sự chăm sóc đặc biệt, nên mỗi Sr., mỗi nhân viên ở đây chỉ
có thể trông được 4 cháu. 75 cháu với 22 nhân viên, trong đó có 12 Sr. phải là
những nỗ lực phi thường mới có thể chịu đựng được các em. Tại Cơ sở 2 ở An Phú Đông,
quận 12 cũng vậy, 56 trẻ với 12 nhân viên chăm sóc, trong đó có 2 Sr. thuộc Dòng
Mến Thánh Giá Khiết Tâm, Gò Vấp. Để nuôi 75 con người này, theo Sr. Tý, mỗi ngày
Cơ sở phải bỏ ra 500 – 600 nghìn đồng chưa kể thuốc uống. Có những lúc hủ gạo đã
vơi, sữa, bột cũng không còn. Lm. Phan Khắc Từ phải chạy vạy, gõ cửa khắp nơi,
các Sr. chỉ còn biết nhắm mắt, chắp tay cầu nguyện. Rồi như một phép mầu, lại có
ân nhân tìm đếm, bố thí, giúp đỡ. Ngày qua ngày, năm đi rồi năm đến, chuyện cứ
như vậy. Người dân địa phương thì quá nghèo, lo cái ăn còn chưa xong.
Tôi đến bên những
chiếc “giường – chuồng” trói chặt các bé Kiều 6 tuổi, Huy 4 tuổi, Thuận 4
tuổi,… nằm trên lầu 1 của Cơ sở Thiên Phước, Củ Chi là những đứa trẻ bị bệnh
thể nặng. Gần hết trong số vài mươi em ở khu vực này là sống đời sống thực vật:
bất động, không cười, không nói, có em bị trói 2 tay và 1 chân, 1 chân còn lại
để “nói chuyện”. Đặc biệt có bé Trần Thị Lộc 11 tuổi, bị bệnh xương thủy tinh,
rất dễ vỡ. Lộc quê tận Nghệ An, được mẹ dứt bỏ vào đây từ 7 năm, chưa một lần
trở lại. Sr. Nguyễn Thị Tý xúc động, chia sẻ với tôi: “Có nhiều trường hợp rất
tội nghiệp. Cha hay mẹ đến bảo gửi cháu rồi một đi không trở lại. Trong số đó
có nhiều gia đình nghèo khổ đến cùng tận, lại nhiều con cùng bị bệnh. Đôi lúc
chị em chúng tôi cũng cảm nhận được sự yếu đuối của mình khi đối diện hằng ngày
hằng giờ với những nỗi đau của tha nhân. Nhưng chúng tôi có Ơn trợ lực…”. Sr. Tý
ngập ngừng, không nói nữa nhưng tôi hiểu các Sr, các mẹ, các cô đang đau nỗi
đau của các bé, cười cùng nụ cười hồn nhiên của các em.
Tôi không thể
kể hết những gì mình đã trông thấy, bởi không thể để mua vui chuyện lạ, chuyện
ly kỳ hầu bạn đọc. Tôi cũng không thể nói hết những gì mình đang trải qua đó là
nỗi đau của những con-người này, vì không được quyền làm đau thêm nỗi đau không
thể còn đau được hơn. Những gì tôi kể chỉ là phần nổi của một câu chuyện buồn dài
tập nhưng đầy triết lý sống. Các em đã mang đến cho cuộc đời một cơ hội, để mở
lòng mình ra mà chia sớt, làm vơi đi nỗi đau mà một phần lịch sử của dân tộc này
đã phải gánh chịu - nỗi đau Dioxin. Một bài toán hóc búa, nhức nhối đang từng
giờ từng phút làm đau thêm vết thương của xã hội, làm thao thức lương tri mọi
người. Tôi đã chứng kiến những người đầu tiên đón nhận cơ hội mà những trẻ bất
hạnh ấy mang lại, đó là những bậc chân tu đầy lòng trắc ẩn, những mẹ những cô
thừa lòng nhân ái. Nhưng những con người ấy, dù thừa nghị lực và niềm tin, vẫn
còn thiếu quá nhiều điều kiện vật chất và tinh thần để được phục vụ tha nhân thật
tốt hơn. Hãy đến với họ một lần đi, để mở rộng lòng mình!
Nhận xét
Đăng nhận xét