Công ty Việt Sơn của TS. Hoàng Mạnh Bình tố cáo Cục Thuế Bình Phước
Việc một doanh nghiệp hàng đầu Bình Phước
tố cáo Cục Thuế tỉnh
Cần đối thoại để cùng nhau phát triển
Là một trong hơn 500 DN còn sót lại của tỉnh Bình Phước, vẫn đang cầm cự
sống, vẫn đang tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho hơn 300 công nhân mà
sau lưng họ là vài nghìn người trong gia đình của họ. Tổng quỹ lương hàng tháng
của họ là khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện nay, lo cho chừng đó con người
có thu nhập ổn định, chưa bao giờ thiếu nợ lương của họ đã là một chiến công. Ngăn
chặn dòng tiền, phong tỏa tài khoản đẩy chúng tôi vào chỗ chết, hàng nghìn con
người đó sẽ ăn bằng gì, sống bằng gì, thu nhập ở đâu khi Bình Phước nói riêng
và cả nước nói chung đều đang vô cùng khó khăn?
Xuân Thái
Đó là lời kêu cứu khẩn cấp trong lá đơn tố cáo đề ngày 17/7/2013 số
578/VS-TC của Công ty TNHH Việt Sơn, một DN hàng đầu của tỉnh Bình Phước, có trụ
sở tại Ấp 3 xã Tiến Hưng, TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, do TS. Hoàng Mạnh
Bình, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc ký, gửi đến Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn
Tấn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Nguyễn
Văn Lợi; đồng thời lá đơn cũng gửi đến một số cơ quan báo chí TƯ: Thời báo Kinh
tế Việt Nam, báo Thanh tra, báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Mời gọi đầu tư: Có còn trải “thảm
đỏ”?
Năm 1997, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Bình Phước, TS.Hoàng
Mạnh Bình từ Hà Nội vào Bình Phước lập dự án đầu tư và thành lập Công ty TNHH
Việt Sơn, với chức năng sản xuất kinh doanh và chế biến hạt điều. Đến ngày
8/3/2000, công ty Việt Sơn chính thức đi vào hoạt động. Số lượng lao động trong
nhà máy có lúc lên đến 1.200 người, mang lại đời sống và thu nhập ổn định cho
hàng nghìn người dân địa phương trên vùng đất ban sơ của tỉnh mới tái lập.
Theo ông Hoàng Mạnh Bình, trong thời gian vừa qua công ty ông cùng một
số DN khác trong Hiệp hội DNNVV đã gặp không ít khó khăn, ngoài yếu tố khó khăn
chung của nền kinh tế, khó khăn mà ông cùng nhiều DN khác phải đương đầu là đến
từ phía Cục Thuế tỉnh.
Cụ thể ngày 25/3/2009, Cục Thuế tỉnh Bình Phước ban hành Thông báo số
137a/TB-CT về việc thu tiền chuyển nhượng quyền SDĐ đối với Công ty Việt Sơn với
số tiền 1,2 tỷ VND (làm tròn số) mà không được áp dụng hình thức miễn trừ theo
quy định của pháp luật. Sau khi nhận quyết định này, Công ty Việt Sơn đã phản ứng
nhưng được cán bộ Cục Thuế giải thích: anh chị cứ nộp tiền vào Kho bạc nhà nước
cho xong việc của anh chị đã, sau này sẽ được xem xét. Ông BÌnh cho biết, để kịp
hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, ngày 10/4/2009, Việt Sơn đã phải nộp ngay 100% số tiền
1,2 tỷ vào KBNN tỉnh Bình Phước. Nhưng từ đó đến nay, “dù đã nhiều lần đặt vấn
đề “xem xét lại”, chúng tôi vẫn chỉ nhận được sự im lặng”, ông Bình chia sẻ.
Bức xúc vì vấn đề của mình không được giải quyết sau nhiều lần gửi công
văn và gọi điện thoại trực tiếp, ngày 14/5/2013 ông Hoàng Mạnh Bình đã tiến
hành khởi kiện quyết định đó của Cục Thuế tỉnh Bình Phước nhằm đòi lại số tiền
đã phải nộp. Sau khi xem xét hồ sơ, TAND
tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Công ty Việt Sơn gửi hồ sơ lên UBND tỉnh với giải
thích: “Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Bình Phước, căn cứ vào đó, tòa mới có
thể xem xét thụ lý”. Ông Bình cho biết, “Vì yêu cầu này, ngày 24/5/2013, chúng tôi
đã chuyển hồ sơ này cho ông Phạm Văn Tòng, Phó chủ tịch UBND tỉnh xem xét”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong khi đang chờ đợi ý kiến trả lời của
UBND tỉnh thì liên tục trong những ngày vừa qua, “chúng tôi nhận được các quyết
định cưỡng chế thu nợ thuế của Cục Thuế tỉnh Bình Phước”, ông Bình tường trình.
Một hành động trả đủa?
Theo lý giải của ông Bình, cơ sở của các quyết định cưỡng chế này là
món tiền nợ thuế VAT và thuế TNDN, khi Công ty Việt Sơn bị Thanh tra Cục Thuế làm
việc từ tháng 3 đến hết tháng 5/2012, xuất toán từ nhiều năm trước cộng dồn lại,
tổng cộng khoảng hơn 100 triệu.
“Chúng tôi không chấp nhận nhưng vì thời gian thanh tra kéo dài đã hơn 3
tháng làm chúng tôi quá mệt mỏi nên cuối cùng phải ký đồng ý, nhưng “xin để từ
từ sẽ nộp vì hiện DN đang rất khó khăn. Đó không phải là một số tiền quá lớn so với số
tiền 1,2 tỷ đồng mà Việt Sơn đang kiện Cục Thuế để đòi lại, nhưng Công ty chưa
muốn nộp chỉ là vì còn nhiều tranh cãi. Kế toán trưởng của Việt Sơn nhiều lần
liên hệ với nữ chuyên viên của Cục Thuế tên Hồng đề nghị xem xét điều chỉnh lại
nhưng đều bị từ chối”. Ông Bình phân trần.
Mặc dù vậy, ông Bình vẫn chỉ đạo kế toán nộp khoản tiền VAT (khoảng 30 triệu
đồng) trong tổng số tiền bị xuất toán trong đợt kiểm tra tháng 5/2012. Được biết,
thời gian qua Chính phủ đã cho phép DN được treo nợ VAT trong thời hạn 6 tháng
kể từ khi phát sinh để giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng từ đầu năm đến nay –
ông Bình nói - chúng tôi vẫn đã nộp hàng trăm triệu đồng tiền thuế VAT, lần nộp
gần nhất là ngày 26/6/2013 với số tiền 59.846.383đ. Cùng với việc tiếp tục nộp
thuế, chúng tôi vẫn chờ câu trả lời từ Cục Thuế về món nợ 1,2 tỷ mà chúng tôi
biết rằng nó trái pháp luật.
Không biết việc Công ty Việt Sơn đòi kiện Cục Thuế tỉnh Bình Phước có bị
“rò rỉ thông tin” hay không, hay là một sự trùng hợp ngẫu nhiên; nhưng vào ngày
14/6/2013, Phó cục trưởng Cục Thuế Bình Phước Trần Văn Hướng đã ký quyết định
cưỡng chế và phong tỏa tài khoản của Công ty Việt Sơn, với lý do dây dưa, chây
ì nợ đọng thuế. Điều đáng nói là các quyết định được chuyển thẳng đến tất cả
các ngân hàng hàng chục ngày trước khi đến được Công ty Việt Sơn. 25 ngày sau,
ngày 8/7/2013, Phó Cục trưởng Trần Văn Hướng ký tiếp một thông báo nhắc nhở Việt
Sơn việc thực hiện quyết định ngày 14/6/2013 của Cục Thuế. Tuy nhiên, theo ông
Bình, từ trước tới nay, Công ty Việt Sơn luôn thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp
thuế, chưa bao giờ nợ thuế và hàng năm đều được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Bằng
lời lẽ thống thiết, người chủ DN “thiếu may mắn” này, bức xúc: Cục Thuế Bình
Phước không thể không biết rằng, văn bản đó đủ “chặt đứt” mối quan hệ tín dụng
của chúng tôi; bởi vì DN không vay được tiền đương nhiên sẽ phải chết. Chẳng lẽ
một DN chỉ có hơn 200 triệu mà phải để cho cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế
phong tỏa tài khoản? Vậy thì còn ai dám cho DN đó vay tiền, ai dám quan hệ làm
ăn với DN? Theo tôi, đây là một quyết định thiếu công tâm và làm mất danh dự một
DN từng làm ăn uy tín như Việt Sơn!”
Kêu cứu khẩn cấp!
Mặc dù lời lẽ có lúc thống thiết, có lúc quyết đoán, nhưng người chủ của
Công ty Việt Sơn, TS. Hoàng Mạnh Bình, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Bình Phước, đã
kêu cứu khẩn cấp và đề nghị cầu lãnh đạo TƯ và tỉnh Bình Phước nhanh
chóng giải quyết 3 vấn đề sau.
Thứ nhất, hãy để cho Công ty Việt Sơn tiếp tục sống để duy trì sản xuất,
ổn định đời sống của người lao động. Và đề nghị xem xét lại các quyết định của
lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Phước. Thứ hai, sớm trả lời các vấn đề đã đặt ra tại
công văn và hồ sơ đã trao tận tay Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng tại cuộc
gặp gỡ DN Bình Phước ngày 24/5/2013. Và cuối cùng, cần có hành động thực tế với “những việc cần làm ngay”, các biện pháp có
tính hiện thực, kịp thời và hiệu quả “tháo gỡ khó khăn” cho DN chứ không chỉ dừng
lại ở những băng-rôn, khẩu hiệu và những “lời có cánh” trên hội trường.
Bình Phước là một tỉnh mới tái lập, đất rộng và trù phú nhưng hàng năm
vẫn phải xin hỗ trợ từ TƯ. Vậy nên rất cần tạo điều kiện cho các DN hoạt động,
không những để giúp giải quyết vấn đề việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn
vẫn còn chưa có điều kiện đến trường và thất nghiệp, mà còn tạo nguồn thu đáng
kể cho địa phương vốn giàu tiềm năng nhưng còn nghèo ngân sách.
Những đòi hỏi của Công ty Việt Sơn, cũng như một số DN khác tại Bình
Phước đang cùng chung số phận là đòi hỏi hợp lý và cần được giải quyết sớm nhất
có thể, để một DN không phải chết trong tình hình rất nhiều DN đang “xếp hàng”
chờ được chết!
Tọa đàm tìm
hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp
Ngày 1/8/2013, tại TX. Đồng Xoài, Bình Phước, Hiệp hội DNNVV Bình Phước
đã phối hợp với Hội DN trẻ tỉnh Bình Phước tổ chức buổi tọa đàm “Tìm hướng
tháo gỡ khó khăn cho DN”, nhằm trao đổi, đổi thoại trực tiếp với UBND tỉnh,
lãnh đạo các sở, ngành, Cục Thuế tỉnh. Rất
nhiều ý kiến, đóng góp thẳng thắn của cộng đồng các DN trong tỉnh đã được chia
sẻ công khai tại hội nghị. Nhiều DN cho rằng, trong những năm gần đây, bầu
không khí ngột ngạt hơn trước kia rất nhiều, do “áp lực” nợ thuế, phong tỏa tài
khoản DN từ phía các cơ quan chức năng Bình Phước.
TS. Cao Sĩ Kiêm - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, nguyên Thống đốc NHNN phát biểu tại buổi đối thoại
TS. Cao Sĩ Kiêm - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, nguyên Thống đốc NHNN phát biểu tại buổi đối thoại
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Sở
KH&ĐT Bình Phước cho biết, thời gian qua, tỉnh đã ứng gần 100 tỷ để cho DN
xây dựng các dự án CSHT vay vốn. Riêng đối với hỗ trợ DN, Bình phước cũng đã tiến
hành giãn thuế cho 373 DN với tổng số 41 tỷ đồng, đến nay số tiền DN còn nợ thuế
là 73 tỷ. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công hỗ trợ DN. Có mặt
tại buổi tọa đàm, Phó cục trưởng Cục Thuế Bình Phước Nguyễn Trung Vinh đã nhấn
mạnh: Tất cả các DN nợ thuế đều đã được thông báo và cho phép nộp chậm, sau 30
ngày, 60 ngày và sau 90 ngày. Nhưng những DN ấy vẫn không chịu làm nghĩa vụ thuế
thì cơ quan thuế mới ra quyết định cưỡng chế. Hình thức cưỡng chế đầu tiên là
phong tỏa tài khoản ngân hàng.
TS.Cao
Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nêu nhận xét: DN Bình Phước gặp khó
khăn nhất là xuất phát từ nhiều nguyên do. Đó là vì Bình Phước là tỉnh mới tách
lập nên về nguồn nhân lực, công nghệ sẽ khó khăn hơn các tỉnh khác. Mặt khác, tỉnh
có nền kinh tế chủ yếu về nông lâm nghiệp nên phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên,
thời tiết, mùa vụ và sản phẩm phụ thuộc vào tình hình tiêu thụ của thị trường
thế giới. Chính vì thế, Bình Phước là vùng khó khăn nhất. Song, không vì khó mà
không nỗ lực, nếu DN không tăng trưởng phát triển được thì ngân sách không có
nguồn thu. Vậy nên, lãnh đạo tỉnh cần tạo động lực, cho DN phấn khởi, tạo sinh
khí tiếp tục vượt khó, ổn định sản xuất kinh doanh. Những tồn tại hiện tại,
theo ông Kiêm, là vì tiếng nói của doanh nghiệp và cơ quan quản lí chưa gặp được
nhau. Do đó, chưa thể có được cách giai quyết ổn thỏa. Các hội ngành nghề chưa
có tiếng nói và thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình. Các ngành cần phải tháo
gỡ khó khăn nhanh chóng cho DN để đưa kinh tế địa phương phát triển. Hội và DN
và cơ quan quản lý cần ngồi lại với nhau để làm việc, đưa ra lộ trình giải quyết
các vấn đề. Có như vậy mới có hiểu nhau và có phương án giải quyết cụ thể.
Phát
biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Tòng, Phó chủ tịch UND tỉnh nói: “Đại diện UBND
tỉnh xin ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, và thắc mắc của DN. Những vấn đề chưa
được giải đáp tại buổi tọa đàm, UBND sẽ đề nghị các sở, ngành làm việc với DN để
tháo gỡ khó khăn trong thời gian sớm”.
Ái Vân
Nhận xét
Đăng nhận xét