Gặp những người phong miền sơn cước
Gặp những người phong miền sơn cước
Các nữ tu cưu mang nhiều thế hệ người cùi ở
Di Linh
Cao nguyên Lang Biang đẹp tựa một
bức tranh, là xứ sở của cà phê bạt ngàn, lại là nơi dung nạp sớm nhất số phận
những con người bất hạnh từ hàng nhiều thế hệ. Ngôi làng - đồi ấy rộng chừng 40
mẫu tây, chỉ cách thị trấn Di Linh (Lâm Đồng) một thung lũng trồng lúa nước của
người K’Ho độ 700 mét đường chim bay, lại là một thế giới hoàn toàn khác với cuộc
sống khá ồn ào, sôi động ngoài kia. Cái
cõi riêng ấy đã tồn tại suốt hơn 80 năm qua.
CẨM
TÚ
…Đến nay, toàn trại Di Linh, bao gồm cả những người đã hoàn
thành điều trị khoảng trên 150 người. Nếu tính cả con cái mấy thế hệ cùng sinh
sống chung với bố mẹ bị bệnh, thì tổng cộng có khoảng 220 miệng ăn với khoảng
trăm hộ. Những người đã hoàn tất điều trị, lành lặn và có thể lao động sản xuất
bình thường thì chuyển sang sống tập trung tại cơ sở 2 thuộc thôn 5B, xã Gia Hiệp,
cách đó 12 cây số. Nơi đây, có khoảng trên 50 hộ với 160
người bao gồm nhiều thế hệ sinh sống.
Một lần đến với người cùi Di
Linh
Tôi đã cảm nhận được cái lạnh
lẽo nhưng rất mực trong lành và bình yên cùng với một thế giới hoàn toàn xa lạ,
khi chiếc xe máy cài số đề leo một cách khổ sở trên con đường lượn dốc núi, cho
đến khi bác tài đưa được chúng tôi lên được đến đỉnh đồi. Ngôi làng cùi hiện ra trước
mắt tôi. Bất giác tôi liên tưởng đến một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nào đó mà tôi
đã từng gặp: những mái nhà nhỏ xinh xắn, cao thấp theo từng cung bậc trầm
bỗng của triền dốc xen
lẫn những vườn cà phê, ca cao, rảnh ngô, sân bóng… Nó hệt như vậy, nếu không nhìn
thấy tấm bảng chỉ đường “Trung tâm điều trị phong Di Linh”.
Cụ ông K’Lil, độ 65 tuổi, cụt
mất một chân và một bàn chân, 2 bàn tay chỉ còn mấy ngón, tất cả do “cùi ăn”, ngồi một chỗ và đi xe lăn,
nói tiếng Việt không được rõ tâm sự, “đau nhức là biểu hiện thường xuyên của bệnh phong, nhất là
những lúc trở trời, toàn thân nhức thấu tận xương cốt. Tụi này gọi đó là lúc “cùi
cắn”. Hành hạ ghê gớm lắm!”
Soeur Anna Nguyễn Thị Tiến,
phụ trách trại phong hiện tại, cho biết: “Đa phần ở đây là người dân tộc K’Ho ở khắp nơi vùng rừng núi Tây Nguyên
quy tụ về, sinh sống nhiều đời tại ngọn đồi này, dần trở thành người địa phương;
cùng với người Kinh mắc bệnh thập phương, bị gia đình và người thân hất hủi, tìm
đến đây để được cưu mang, được sống lại một cuộc đời vốn quá đỗi bất hạnh”. Theo
Sơ Tiến, quy trình
điều trị cho một bệnh nhân phong thường từ 6 – 12 tháng là hoàn thành, tùy theo
lượng vi trùng có trong cơ thể người bệnh. Sau đó cắt thuốc, không uống nữa. Căn
bệnh này không di truyền, ít lây nhiễm nếu biết xử lý và đề phòng. Đa phần bệnh
nhân trong trại cũng như khu điều trị tập trung là chúng tôi chăm sóc người tàn
tật sau điều trị. Bởi bệnh cùi dù không giết người, luôn để lại di chứng và tật
nguyền”.
Cuộc sống của
bệnh nhân chủ yếu là nhờ vào những tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ của ân nhân xa gần.
Trong một năm từ dịp Giáng sinh cho đến tháng Giêng, thường hay có những đoàn từ
thiện từ khắp nơi đến tặng quà và chia sẻ. Có những lúc ít hay không có đoàn hành
hương, ủy lạo đến viếng, cũng chính là quãng thời gian khó khăn của trại và cuộc
sống của bệnh nhân cũng nặng thêm phần khổ sở do thiếu thốn cái ăn, cái mặc cộng
với nỗi đau mỗi lúc bị “cùi cắn”, gặm nhấm vào cơ thể từng ngày. Hôm nào không
có gạo ăn thì họ hỏi Sơ: “Mẹ ơi, sao hôm nay không có khách?”.
Gần đây, được
sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, một số bệnh nhân
mắc bệnh nhẹ còn sức lao động đã có thể làm những công việc trồng tỉa, chăm sóc
cây trái, tạo thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn cho trại. Vì vậy mà dọc suốt một
phần quả đồi, tôi quan sát thấy đều đã được phủ xanh bằng những thửa bắp, cà phê,
thanh long, sầu riêng dù năng suất cho trái còn rất thấp. Hiện nay, loại thuốc điều
trị bệnh phong được nhà nước cấp phát miễn phí, nhưng phải uống thường xuyên để
ngăn chặn sự tàn phá của vi trùng ăn mòn vào cơ thể. Chính điều này, dưới tác dụng
của dược chất, đã làm cho xương cốt của những người cùi trở nên rất giòn và dễ
gãy. Chỉ cần một cái trợt chân là dẫn đến gãy xương một cách dễ dàng.
Những người bất hạnh xuyên qua số phận
Tôi gặp anh
Mai, 40 tuổi, một bệnh nhân phong gốc Bến Tre, tìm đến trại gần 16 năm về trước,
khi phát hiện mình mang bệnh bị gia đình ruồng bỏ. Qua giới thiệu của các bác sĩ
BV Da liễu Tp.HCM, nơi khám và phát hiện bệnh cho anh, Mai đã tìm đến gia nhập đại
gia đình người cùi ở đây, và cách nay 1 năm, Mai đã kết tóc se tơ với chị Hay,
một bệnh nhân phong từ Bắc Ninh vào. Anh cho biết, cuộc sống của vợ chồng anh rất
hạnh phúc. Mọi người biết đùm bọc, yêu thương nhau, đặc biệt không hề có xung đột
với nhau bất cứ vì lý do gì. Anh Mai chia sẻ, trại là mái ấm và là cuộc sống cuối
cùng của vợ chồng anh. Anh tâm sự: “Các Sơ là những người mẹ dấu yêu nhất của đời
tui. Đã từng bị hất hủi và ruồng bỏ, tụi này hiểu được cuộc sống bên ngoài xã hội
sẽ ra sao, nếu sau này lành bệnh mà ra ngoài xã hội sống. Khó hòa nhập lắm!”.
Anh Mai thoáng buồn.
Tôi đã chứng
kiến ở đây, không phải là những con người bất hạnh đang từng ngày từng giờ bị căn
bệnh hành hạ, rút rỉa từng bộ phần trên cơ thể; mà chính là những thế hệ người
cùi đã chấp nhận và đi xuyên qua số phận. Họ đã biết chấp nhận để số phận bào mòn
cơ thể, để đến với nhau thành những gia đình, rồi đại gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Và hơn thế nữa, con cái họ đạ vượt trên hoàn cảnh để trở thành những người thực
sự có ích cho xã hội, trước hết là cộng đồng của mình. Bác sĩ K’Brìn, bác sĩ K’Đỉu,
bác sĩ Đinh Quốc Quang,… là con của những gia đình có cả cha lẫn mẹ đều bị
phong, tình nguyện trở về phục vụ cho bệnh xá của trại phong, cũng là để giúp đỡ
và tri ân các đấng bậc đã một đời cưu mang mình: cha mẹ, các Sơ… BS. K’Brìn ra
trường được 3 năm, là một trong những BS trẻ, nhiệt tình và có năng lực, ngoài
công việc phục vụ tại trại, K’Brìn có thể khám bệnh ngoài giờ cho bệnh nhân là
người dân tộc, dân địa phương tại nhà. Hay như BS. K’Đỉu đang là BSCK I về ngoại
khoa, cũng là một BS giỏi. Các ca phẫu thuật không phức tạp lắm, đã có thể được
thực hiện ngay tại bệnh xá nội trú của trại phong, dưới bàn tay khja1 thành thục
của BS K’Đỉu. Đặc biệt, BS Quang là chuyên khoa I về da liễu, mà theo cách nói
quen miệng của bà con địa phương là “đúng người đúng địa chỉ”, khi chỉ đặc trị
bệnh nhân phong. Ngoài ra, còn có những gia đình bệnh nhân đều có con cái ăn học
đến nơi đến chốn. Ví như gia đình cụ ông K’Biang và cụ bà Ka Nyộp, gia đình cụ
K’Lìm,…
Toàn trại đến
nay, theo Sơ Tiến cho biết, có tổng cộng 3 bác sĩ, 4 y tá đều con bệnh nhân
phong, và 8 Sơ Nữ tử Bác ái Vinh Sơn, với 23 biên chế thuộc Trung tâm Phòng chống
bệnh xã hội Lâm Đồng đều toàn tâm toàn lực phục vụ bệnh nhân phong, bệnh già
sau phong, người tàn tật và con em của họ. Họ sống biệt lập trong một thế giới
đầy ắp tình thương và lòng nhân ái. Sơ Lý, Sơ Tiến, Sơ Tú mà tôi gặp, đều làm
việc một cách chăm chỉ, âm thầm, không nệ hà và đặc biệt, dù có nài nỉ cách mấy,
tôi vẫn không chụp được một tấm ảnh lưu niệm các Sơ cùng bệnh nhân phong. “Như
thế không phải là làm việc thiện”. Sơ Tiến khiêm nhường từ chối.
Những ân nhân của người cùi
Trại phong Di Linh (thị trấn Dinh Linh, Lâm Đồng)
được thành lập năm 1927, gắn liền với
tên tuổi của vị linh mục người Pháp Jean-Baptiste Cassaigne (sau là giám mục Cassaigne, quen
gọi là Đức Thầy Sanh), được mệnh danh là vị Cha hiền của người dân tộc K’Ho và của những người
phong cùi. Người dân địa phương bảo, mỗi bước chân của ông đều để lại dấu ấn yêu thương
và đem lại niềm vui hạnh phúc cho những người bất hạnh bị bỏ rơi.
Bấy giờ, những người phong cùi bị gia đình, dòng họ ruồng rẫy, xua
đuổi vào chốn rừng sâu, mặc cho bệnh tật, đói lạnh và đôi lúc họ còn làm
mồi cho thú dữ. Lm. Cassaigne thường băng rừng lội
suối đem lương thực, thuốc men đến cho họ. Một lần cuối mùa thu năm 1928, khi
đang một mình băng qua đường rừng vắng đến thăm một buôn làng ở xa, một đoàn 10
người phong cùi rách rưới, dơ bẩn nằm la liệt trên đường kêu gào thảm thiết, họ
sụp lạy dưới chân ông để xin được cứu giúp. Hình
ảnh những người xấu số ấy cứ ám ảnh tâm trí, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được.
Đức Thầy Sanh đã bị thôi thúc và đi đến quyết định lập một ngôi làng nho
nhỏ mà lúc đầu không khác một mái nhà, dành cho người cùi; rồi lội suối băng ngàn
gom nhặt họ về, trước sự ghê tởm của bao người xung quanh. Thật may mắn, ngày 11/4/1929, làng cùi chính thức
được công nhận và được trợ cấp của chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ, quy tụ
được 21 người phong cùi từ
khắp vùng rừng núi Tây Nguyên sơn cước (bao gồm cả Đắk Lắk, Kontum, Pleiku…
ngày nay). Thời điểm này, các nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn,
từ Sài Gòn được mời đến để cùng Đức Thầy Sanh chăm sóc người phong cùi.
Sau khi Giám mục J. Cassaigne qua đời năm 1973, mọi công
việc chăm nom người cùi và trọng trách đối với làng phong này đặt lên vai Soeur
Josephile Mai Thị Mậu, lúc ấy mới 32 tuổi. Phần lớn bệnh tật bà con buôn
làng đều đổ tội hết cho “con ma lai”, huống hồ thứ bệnh tàn phá cơ thể khủng
khiếp như vậy. Và hễ ai mắc bệnh phong là bị đuổi khỏi làng, vì lũ làng cho rằng
đã có liên lụy với con ma hoặc đã “thành con ma” rồi. Muốn cứu họ, Soeur Mậu phải
tìm vào những khu rừng biệt xứ. Rồi hôm tôi đến, Sơ Tiến kể lại một kỷ niệm của
Sơ Mậu. Có một lần trên đường đi Sài Gòn, xe nghỉ trưa ở Định Quán, bất chợt thấy
nhóm người lam lũ ở quanh đó mà Sơ Mậu dễ nhận ra đó là những người đang bị cùi
gặm nhấm. Vậy là, ngay khi trở lại Di Linh Sơ Mậu đã đánh xe xuống tận nơi đưa
họ lên Di Linh chữa trị...
Năm nay, Sơ Mậu
dù đã 70 tuổi, vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết với người bất hạnh, nên đã đi Đắk Lắk
phụ trách một công trình xây dựng thuộc nhà dòng, cũng dành cho người bất hạnh
nơi vùng đất mới Tây Nguyên. Mọi công việc chăm sóc người cùi, Sơ Tiến và các Sơ
ở lại trong cộng đoàn, lại tiếp tục gánh vác. Từng thế hệ người cùi đi qua, một
thế hệ mới đã trưởng thành. Từng thế hệ người Cha, người Mẹ ân nhân đi qua, nỗi
đau của xã hội lại vơi đi. Chỉ còn lại là một thế giới rất riêng mà đầy ắp tình
người, tình đồng loại.
Nhận xét
Đăng nhận xét