Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập
Tp.HCM
bắt tay xây hồ chống ngập
Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước Tp.HCM vừa cho
biết, đang triển khai đồ án quy hoạch xây
dựng 103 hồ điều tiết trên toàn thành phố (TP) với tổng diện tích khoảng 875 ha. Theo đó, trước hết
sẽ xây hồ điều tiết tại công viên Bàu Cát (Q.Tân Bình) là dự án thí điểm hồ
điều tiết ngầm đầu tiên của TP; nếu thành công sẽ nhân rộng. Nhiều người dân
xem đây là một tin vui, song giới khoa học lại khá đắn đo!
Xuân Nghi
Chuyện xây hồ thoát nước để chống ngập không mới, ở
nhiều quốc gia trên thế giới, việc xây hồ chống ngập thậm chí được quy hoạch từ
lúc lập quy hoạch đô thị. Tại Tp.HCM, vấn đề này từng được các nhà khoa học,
các chuyên gia nói đến từ nhiều năm nay.
Cần 66.820 tỷ đồng để giải
quyết dứt điểm ngập!
Theo kế
hoạch đầu tư các dự án chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 của UBND Tp.HCM, bên cạnh
các giải pháp nạo vét kênh rạch, lắp đặt hệ thống cống bao, xây dựng nhà máy nước
thải... TP sẽ chi 950 tỷ đồng để xây 3 hồ điều tiết nhằm giải quyết tình trạng
ngập ở khu trung tâm (Bàu Cát – Tân Bình, Gò Dưa – Thủ Đức, Khánh Hội – quận 4).
Về hồ điều tiết ở Bàu Cát, Trung
tâm điều hành Chương trình chống ngập nước Tp.HCM (TTCN) cho biết đưa ra nhiều phương
án thi công như xây dựng hồ ngầm bằng bê tông cốt thép, hoặc xây dựng bằng vật
liệu nhựa rỗng dạng nông hoặc sâu. Dự kiến chiều dài của hồ khoảng 125m, rộng
32m, sâu 2,5m, có khả năng trữ 10.000 m3 nước mưa. Hồ điều tiết
có chức năng giúp giảm ngập khi mưa vượt tần suất thiết kế cống hiện hữu: gần
76mm trong vòng 3 giờ cho một lưu vực khoảng 20 ha xung quanh khu vực Bàu Cát.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc TTCN cho biết, nếu TP đồng ý, dự án có
thể thi công ngay trong quý II/2016 và hoàn thành sau 8 tháng thi công. Hồ điều
tiết Gò Dưa quy mô khoảng 24 ha, chia làm 3 hồ có kết nối với nhau, trong đó 2
hồ quy mô 16,1 ha xây dựng tại khu quy hoạch công viên VH-TDTT Tam Phú. Để phát
huy khả năng chống ngập khi gặp mưa kết hợp triều cường cao, TTCN còn đề xuất
đặt 2 trạm bơm tại cống Gò Dưa và cống Ông Dầu. Dự án này cũng được dự kiến xây
dựng trong năm 2016…
Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng
phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc TTCN, đến năm 2020, Sài Gòn sẽ hết ngập
nếu TP thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016 -
2020, đồng thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo. Để làm được điều nay, ông
Long cho rằng “Phải có tiền!”, và ông cho biết: Tp.HCM đang cần thêm 66.820 tỷ
đồng để thực hiện việc chống ngập đến năm 2020. Nếu được thực hiện sẽ giải quyết
được ngập cho khu vực rộng 550 km2 và giải quyết an sinh xã hội cho
khoảng 6,6 triệu người dân TP (!).
Đã đánh giá hết tác động?
Một chuyên gia về giao thông tại
Tp.HCM, TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH GTVT Tp.HCM, chia sẻ: Đã đến lúc phải
nhìn lại kết quả công tác phòng chống bão lũ và chống ngập tại các thành phố ở
Việt Nam sao cho bền vững hơn, khoa học hơn, vượt xa hơn các cảnh báo chung
chung. Các giải pháp xử lý tình thế nhằm giải quyết hậu quả, các kết quả hội nghị,
hội thảo dựa trên kiến thức các chuyên ngành riêng lẻ, các dự án tốn kém nhưng
không đánh giá được hiệu quả. Cứ đổ lỗi cho thiên tai là không công bằng!
Về vấn đề xây hồ điều tiết chống
ngập tại Tp.HCM, Chuyên gia về Động lực học biển và Công trình thềm lục địa TS
Trương Đình Hiển, Viện Vật lý thuộc Viện hàn lâm HK&CN Việt Nam, trước khi
xây hồ rất cần thiết phải đánh giá các nguyên nhân một cách xác đáng, và điều
quan trọng số 1 là xây hồ điều tiết là chỉ để chứa nước mưa, không được dùng để
chứa cả nước triều. TS. Hiển phân tích: Trên nguyên tắc, hồ điều tiết với hệ thống
cống rãnh thoát nước sẽ dẫn nước mưa khi mưa về. Hồ có hệ thống van tự động
đóng mở. Khi nước mưa đổ vào, bên ngoài gặp triều lên, hệ thống van sẽ tự động
đóng lại, đến khi triệu rút xuống, mực nước trong hồ chứa cao hơn, hệ thống van
xả sẽ tự động mở ra, đưa nước mưa ra bên ngoài.
Là khoa học gia từng có công
trình nghiên cứu (cùng với các cộng sự) về xây dựng hệ thống thoát lũ cho tuyến
kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tại Tp.HCM mười mấy năm về trước, TS. Trương Đình Hiển đưa ra các phân
tích khá chi tiết. Theo ông, có 3 nguyên nhân chủ yếu gây ngập nước tại Tp.HCM:
Do tác động của thủy triều bởi biến đổi khí hậu; do mưa và lũ (chủ yếu là mưa);
và do nước thải và hệ thống cống rãnh tắc nghẽn. Để chống ngập có hiệu quả, nhà
khoa học lão thành này khẳng định: “Không thể tiến hành đồng thời các yếu tố trên,
mà phải nghiên cứu và đấu loại từng yếu tố một, một cách dứt khoát, dứt điểm. TS.
Trương Đình Hiển đưa ra công thức tổng quát 3 bước như sau. Bước 1, bằng mọi biện
pháp và chương trình, phải loại thủy triều khỏi khu vực Tp.HCM. Bước 2, sau thủy
triều, phải chọn thời điểm vào mùa khô (loại mưa) để xem xét các vùng bị ngập
(không do triều). Bước 3, khi mùa mưa đến, sẽ tiến hành xem xét các trận mưa cực
lớn gây ngập những vùng còn lại, và khắc phục dứt điểm.
Để giải quyết yếu tố thứ nhất là
ngập triều và nước dâng (do BĐKH), theo TS. Hiển Tp.HCM phải có bình đồ rõ ràng,
với tỷ lệ 1/500 để theo dõi và thi công rốt ráo từng vấn đề một. Các nhà khoa học
phải tính được độ cao mực thủy triều lúc đạt đỉnh với đơn vị thời gian 100 năm/lần
(tiêu chuẩn quốc tế). Kế tiếp, áp mực thủy triều này vào bình đồ hiện có của
Tp.HCM. Ta sẽ phát hiện được tất cả các vùng bị ngập do thủy triều. Đây là vấn
đề hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Cũng theo ông, ngập do thủy triều lại bởi 2 yếu
tố tác động trực tiếp, là ngập do địa hình thấp, và ngập do nước xâm lấn bằng hệ
thống cống rãnh.
Khi đã loại trừ được yếu tố thủy
triều, cần phải chọn thời điểm mùa khô để xem xét (tiếp tục) các vùng bị ngập. Vì
đây là thời kỳ không mưa nên khi phát sinh ngập là do nguyên nhân hệ thống cống
rãnh, nước thải bị nghẹt. Sau khi đã loại được 2 yếu tố trên, vào mùa mưa, sẽ
tiến hành nghiên cứu những cơn mưa cực lớn khả dĩ gây ngập, để phát hiện những
vùng còn ngập, nhằm xác định chắc chắn: “Ngập là do mưa!”, từ đó có giải pháp
giải phóng nước mưa cho các vùng này.
Hiện tại, trên địa bàn Tp.HCM chưa
có các hệ thống hồ chứa đủ lớn (theo tiêu chuẩn đô thị). Vì vậy, theo TS. Hiển,
việc xây dựng các hồ điều tiết chống ngập (chứa nước mưa) là hết sức cần thiết
và lẽ ra đã phải làm làm từ lâu. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng nếu không tính
đúng, tính đủ, tính kỹ thì tiền sẽ mất mà tật vẫn mang. Và để thoát nước mưa, trước
hết cần nạo vét các kênh, rạch sẵn có tạo thành những vùng chứa nước mưa và nước
thải. “Trên thực tế, thời gian qua, khi triển khai một số dự án chống ngập,
Tp.HCM đã tiến hành san lấp một số các kênh, rạch để đặt cống hộp và làm đường
trên chính dòng kênh, rạch này. Điều này là phản khoa học; vì vừa làm hẹp lưu
lượng thoát nước tự nhiên (giữa cống so với dòng kênh), vừa làm gia tăng lượng
nước thải do sinh hoạt bởi một tập quán rất Việt Nam: nơi đâu có con đường, có
mặt tiền, nơi đó có cư dân sinh sống”.
(Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 18/9/2015)
Nhận xét
Đăng nhận xét