Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài

 KHÓ KHĂN LÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY
Doanh nhân trẻ Tô Lý Tài với nhiều sáng kiến khởi nghiệp

Sau một thời gian suy nghĩ, tìm hướng đi thích hợp, anh quyết định mở công ty cho riêng mình, rồi trở thành một trong số những cái tên được nhiều người trong giới kinh doanh bất động sản biết đến. Anh là Tô Lý Tài, Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP đầu tư và xây dựng địa ốc Gia Long.

Xuân Thái 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nơi vùng đất tận cùng của Tổ quốc, Tài được thừa hưởng cái chất hiền hòa mà phóng khoáng, thuần hậu mà hào sảng, lại pha chút lãng tử của “nghệ sĩ nhà nông” đất Chín Rồng...



Từ bỏ đi làm thuê, về làm chủ chính mình

Là con trai cả trong một gia đình có ba người con, Tài rời gia đình sớm, lên Sài Gòn học đại học, cũng đi tìm việc như bao sinh viên khác. Vừa làm kiếm cơm, vừa lên mạng tìm kiếm cơ hội, rồi Tài bắt đầu làm quen với công việc khá mới vào thời điểm bấy giờ: bán hàng qua mạng, rao vặt/tìm việc online thay vì phải đứng các góc đường để phát tờ rơi quảng cáo, kiếm từng bữa cơm, trả tiền thuê phòng trọ hàng tháng, đổ xăng xe mỗi ngày…



Coi bộ chẳng có bao đồng tiền cắc bạc, lại thấp thỏm bữa đói bữa no, cậu thanh niên có dáng người mảnh khảnh, nước da bánh mật, nụ cười hồn hậu, lần này quyết định “đi buôn”. Cậu rảo khắp nơi ở nhiều tỉnh miền Tây, từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long,… tìm mua những chiếc xe máy cũ về tân trang, sửa chữa, trau chuốt lại cho bắt mắt rồi bán về quê cho bạn bè có nhu cầu đặt xe. Chiếc nào không còn xài được thì mua rã ra, lấy máy và linh kiện đi bán. Có tí tích lũy thì tìm cơ hội làm ăn mới…

Lần này là làm “hàng si” (quần áo xài rồi). Thời đó, hàng si được giới trẻ khá ưa chuộng, vì chỉ dành cho người biết chơi săn lùng hàng hiệu. Qua tận bên Campuchia buôn sỉ mang về bỏ mối lại cho các lái buôn khắp các tỉnh thành. Có vốn liếng kha khá, lại có sẵn chuyên môn về CNTT do từng học FPT-Aptech, Tài cùng vài anh em bàn nhau cách thu mua máy tính cũ từ Campuchia, về sửa chữa rồi bán lại…

Đến năm 2009, quyết định mang tiền quay về Cà Mau lập nghiệp thì một năm sau, may mắn đã không đến: Bị thua lỗ. Gia đình phải bán đất trả nợ, vậy là mất trắng. Lại bỏ quê, trở lên Sài Gòn làm lại từ đầu.

Thời điểm 2011, thị trường nhà đất ở Tp.HCM bắt đầu phát triển dù chưa thực sự sôi động. Nhiều chủ đầu tư bắt đầu đổ vốn vào các dự án chung cư, dự án phân lô phân nền. Các dự án bất động sản (BĐS) vì vậy, bắt đầu thu hút sự quan tâm của người mua, cả mua tiêu dùng và mua đầu tư. Sinh viên ra trường, sinh viên đang học tìm việc làm thêm, không khó để tìm một chân “sales” là đứng chịu nắng chịu mưa ở các ngã đường, phát tờ rơi dự án cho khách thập phương. Cũng lên mạng coi thông tin tuyển dụng, Tài nộp hồ sơ vào hơn sáu công ty, kết quả chẳng có ai phản hồi. Một lần, “thần tài” đã gõ cửa, cậu Tài được công ty gọi vô làm “sales” bán hàng dự án, thời gian thử việc là 30 ngày nếu có một sản phẩm được bán ra. Thử cứ thử, rồi chẳng mấy chốc trở thành “best seller”, rồi “lên chức” trưởng nhóm. Hết trưởng nhóm bán hàng đến trưởng phòng kinh doanh, công việc nào đối với Tài cũng hoàn thành tốt và hiệu quả. Vậy mà, vị trí cuối cùng trước khi Tài rời bỏ công việc làm thuê (khoảng năm 2014) là làm phó giám đốc kinh doanh của một công ty BĐS uy tín và có tiếng tăm ở Tp.HCM.



“Sao công việc đang ngon lành, thuận lợi cậu lại từ bỏ tất cả vậy?”. Tôi bắt đầu tò mò. À thì ra, 6 người bạn rủ nhau hùn mỗi người một ít vốn rồi mở công ty cổ phần về đầu tư và phát triển địa ốc. Rồi như xâu chuỗi lại các ký ức, Tài nhớ lại: “Từ hồi còn đi làm cho công ty, tôi cứ nuôi một ấp ủ sau này sẽ lập công ty cho riêng mình; nhưng làm chủ BĐS thì không bao giờ nghĩ tới. Làm thuê không phải lo nghĩ nhiều nhưng cũng không tích lũy được bao nhiêu. Rồi còn lo cho cuộc sống, cho tương lai, hiện thực hoài bão nữa…”. Khoảng năm 2012, trong một đêm chập chờn, Tài kể, cậu nằm mơ thấy mình mở công ty có tên Gia Long (niên hiệu vị vua đầu tiên của triều Nguyễn), rồi múa lân đùng đùng… Hôm sau thuật lại cho bạn bè nghe, một đứa hỏi: Có khi nào nhà mi mở công ty không?. Nói nghe rồi thôi. Cho đến 2015, Công ty Gia Long được thành lập với 6 thành viên. Từ đó, Gia Long không chỉ là cái tên mà cả biểu trưng, “manchette” đều có hình tượng đầu rồng và biểu tượng của Nguyễn triều Gia Long. Đó là một câu chuyện tâm linh và Tài có niềm tin về điều đó.

Sau khi đường ai nấy đi, doanh nhân trẻ Tô Lý Tài quyết định giữ lại công ty, thay vì giải tán và lập mới như thông thường người ta vẫn làm, để giữ lại thương hiệu “Gia Long”. Gia Long và Tô Lý Tài như hình với bóng, sóng đôi có nhau. “Tôi có thể để mất nhiều thứ, nhưng không để mất tên Gia Long!”, người đàn ông có tướng mạo nghệ sĩ, tóc dài chấm vai, khẳng khái như vậy.


Phượt để tìm cơ hội kinh doanh

Khác với nhiều DN đầu tư, kinh doanh BĐS khác, với doanh nhân Tô Lý Tài và Công ty Gia Long, chủ đầu tư đồng thời làm phân phối dự án luôn. Điều này ngoài năng lực lãnh đạo, điều hành của người cầm trịch, đòi hỏi năng lực của đội ngũ “sales”. Sếp Tài đào tạo rất chuyên nghiệp, bài bản cho các nhân viên của mình, nên ai cũng có khả năng bán hàng tốt và bán hàng độc lập.



Trong các lớp huấn luyện nhân viên, doanh nhân Tô Lý Tài luôn căn dặn họ phải biết vượt qua khó khăn để chiến thắng chính mình. Anh bảo: Khó khăn là động lực thúc đẩy con người vươn lên trong cuộc sống. Đối diện nó nếu các bạn không chùn bước, có tinh thần lạc quan vượt qua nó, khả năng nhận biết và giải quyết đúng đắn mọi vấn đề thì các bạn sẽ đạt được mục đích cao nhất. Triết lý kinh doanh của Tài rất “khác người”, đó là “Triết lý con sói - ngửi được mùi đến và ngửi được mùi đi”. Cậu nói: “Muốn trở thành sát thủ phải được huấn luyện trong môi trường khắc nghiệt nhất, bởi trên thế giới này không ai sinh ra mà trở thành sát thủ cả!” Công ty của Tài chọn điểm đến các dự án BĐS là ở các địa phương lân cận Tp.HCM như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tính vốn không thích ngồi xe máy lạnh có tài xế riêng đưa đón, dù vẫn có xe sang, Tài có niềm đam mê moto. Một mình lái moto phân khối cao đi khắp các tỉnh thành, vừa thỏa chí tang bồng vừa còn để khám phá những vùng đất mới, tìm kiếm ý tưởng, cơ hội đầu tư. Chính những lần vượt rừng lội suối băng đèo, “phượt thủ” Tô Lý Tài đã nảy sinh ra ý tưởng mới: Sao lại không là “homestay”, là “farmstay” nhỉ? Nghĩ được, làm được, cậu Tài đặt vấn vấn đề rồi quyết định tậu những thửa đất bìa rừng, ven suối, những thửa rừng, thửa đồi ở vùng Núi Dinh, ở Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), vùng bìa rừng Nam Cát Tiên (Đồng Nai), ở Lâm Đồng, ở Quảng Trị… để hiện thực hóa ý tưởng. “Cũng là điền địa, nhưng làm BĐS du lịch, lại là du lịch về với thiên nhiên với những khám phá mới lạ, độc đáo dành cho du khách, được nhiều cái lợi. Trước hết, gói giá trị mình mang lại sẽ giúp du khách trở về với thiên nhiên hoang dã, trong lành – một xu hướng mới đang được người dùng lựa chọn. Thứ đến, đất vẫn còn là đất của mình. Đầu tư về đất chắc chắn sinh lợi lâu dài!”.


Mê thiên nhiên hơn mê nhà cao tầng…



Hệ thống “AFAFA Homestay – Farmstay” do Cty CP phát triển du lịch Gia Long (thuộc Cty Gia Long) được đầu tư theo hình thức “cuốn chiếu”, cái nào trước làm trước, làm tới đâu rút tỉa kinh nghiệm tới đó, mỗi nơi, mỗi vùng đất đặc thù sẽ đầu tư, xây dựng mô hình homestay – farmstay đặc thù vùng đất đó. Điều quan trọng nhất là không hoặc hạn chế tác động vào thiên nhiên, thay vào là duy trì hiện trạng thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn sự hoang sơ của môi trường hiện hữu.

“Homestay” (lưu trú tại nhà) là mô hình du lịch trải nghiệm, khám phá, tiện lợi, phát triển tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Nó được xem như một làn gió mới thổi vào thị trường du lịch, nghĩ dưỡng Việt Nam, tạo sức bật mới và cạnh tranh khốc liệt với thị trường nghỉ dưỡng truyền thống tồn tại hàng chục năm nay (lưu trú Ks, resort...), thu hút một bộ phận không nhỏ người dùng là du khách, khách thăm quan, tìm hiểu, khám phá và thậm chí gồm cả phượt, đặc biệt là những du khách trẻ, thích tự đi tự đến, đi theo một nhóm nhỏ vài ba người,... “Farmstay” thì có kết hợp trang trại, vườn cây trái giúp du khách có cơ hội thưởng thức hương vị trái cây sạch tại vườn, trải nghiệm cảm giác “người làm vườn”…

Không dừng lại ở đó, người đàn ông trung niên U40 ấy còn ấp ủ nhiều hoài bão. Có những hoài bão còn là ý định, có hoài bão thật ra đang từng bước hiện thực thành những dự án cộng đồng, chia sẻ lợi ích với nhiều người. Tài quan niệm, sống không chỉ cho mình, làm giàu cho mình và cho gia đình, cuộc sống trước hết cần biết hướng đến cộng đồng, nâng đỡ cộng đồng cùng thăng tiến.



“Nhiều thứ đam mê quá, vậy đâu là ý nghĩa thật sự cho cuộc đời bạn?”, tôi bất ngờ cắt đứt dòng miên man. Tôi để ý rõ thấy đôi mắt cậu ấy chợt sáng rực, rồi trầm giọng: “Sẽ không bao giờ có một giải pháp thỏa đáng cho mọi vấn đề trong cuộc sống này. Nếu nhìn dưới góc độ hiện sinh chúng ta sẽ tìm ra nhiều phương pháp như tư duy tích cực, xác định mục tiêu, sống có mục đích,v.v… Triết lý “ở đây và bây giờ” giúp chúng ta can đảm vượt lên quá khứ, sống hết mình với giây phút hiện tại và hướng tới tương lai. Từ đó giúp chúng ta khám phá ra bản thân và mối tương quan với tha nhân, trên hết là đặt mình trong mối tương quan với Đấng Tạo Hóa. Chính những phút giây đặt mình đối diện với Thần Linh, chúng ta nhận ra con người thật của mình…”




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập