Tết Tân Sửu 2021: Rạch Miễu - Hành trình trăm năm nối đôi bờ sông Tiền

 RẠCH MIỄU - HÀNH TRÌNH TRĂM NĂM
NỐI ĐÔI BỜ SÔNG TIỀN

 

Mười một năm sau ngày cầu Rạch Miễu khánh thành, đi vào hoạt động (tháng 01/2009), thay thế phà Rạch Miễu, vào những ngày tháng cuối cùng của năm Canh Tý này, mọi sự chú ý đang đổ dồn về một bến phà mới cũng mang tên Rạch Miễu: “Phà Rạch Miễu tạm”, sẽ nổ máy chạy vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, giúp giảm tải áp lực “kẹt xe trùng trùng điệp điệp” của cầu Rạch Miễu những ngày lễ, tết.

Xuân Thái

 Cái tên “Rạch Miễu” không xa lạ với hơn 30 triệu người dân các tỉnh phía Nam, đặc biệt là 20 triệu bà con các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đó là tên một con rạch nhỏ thuộc địa bàn xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, chảy ngang một ngôi miếu (miễu) nhỏ trước khi đổ ra sông Tiền. Nơi đây, gần một thế kỷ trước từng có một bến phà...

 

Phà Rạch Miễu "tái xuất"

Những ngày giáp hạt cuối năm âm lịch này, bà con hai bên bờ sông Tiền, phía Tiền Giang là xã Song Thuận (khu vực bến đò Song Thuận), huyện Châu Thành và phía Bến Tre là xã Phú Túc, huyện Châu Thành, đã và đang chứng kiến quang cảnh tấp nập, nhộn nhịp của một “đại công trường” thi công dồn dập, chuẩn bị cho ngày khách thành, đi vào hoạt động của bến phà (tạm) Rạch Miễu. Phà này cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 10 cây số và bến phà Rạch Miễu năm xưa độ chừng 12 cây số.



Theo đề xuất của UBND tỉnh Bến Tre, Bộ GTVT đã đồng ý để tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng bến phà Rạch Miễu tạm nhằm “chia lửa” và giải quyết vấn nạn kẹt xe ở cầu Rạch Miễu  vốn là nỗi ám ảnh của hàng triệu bà con các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong khi chờ xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Trước đó, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu khoảng 4 km về phía thượng lưu (thuộc địa bàn ấp Phú Mỹ, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) với tổng kinh phí vốn ngân sách trên 5.175 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.

Dự án đầu tư xây dựng bến phà Rạch Miễu tạm có tổng vốn ngân sách xây dựng hơn 100 tỷ đồng, do tỉnh Bến Tre đầu tư. Phần bến phà Rạch Miễu tạm tổng kinh phí 70 tỷ đồng do Sở GTVT tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư đang được gấp rút hoàn thành để kịp đưa vào sử dụng, dự kiến vào trước trước ngày rằm tháng chạp, - dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ngoài hạng mục bến phà tạm, phần đường dẫn vào bến phà Rạch Miễu tạm phía bờ Bến Tre dài hơn 1 km, rộng 9 m, tổng mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng do UBND huyện Châu Thành làm chủ đầu tư, cũng đang được đơn vị thi công hoàn thiện cho kịp tiến độ.

Phà Rạch Miễu tạm cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 10 km. Phía Tiền Giang được nối vào đường tỉnh 864, phía Bến Tre nối vào QL57B (đường tỉnh 884 cũ). Ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở GTVT Bến Tre cho biết, sau khi dự án bến phà Rạch Miễu tạm hoàn thành, 3 chiếc phà ở bến phà Tân Phú (nối hai huyện Châu Thành và Chợ Lách của tỉnh Bến Tre trên QL57B) sẽ được điều chuyển về vận hành tại bến phà. Đồng thời, Sở GTVT Bến Tre phối hợp Tổng cục Đường bộ Bộ GTVT để có phương án điều động 3 chiếc phà khác về phục vụ tại bến phà Tân Phú trên tuyến QL57B hiện do Bộ GTVT quản lý.



Phà Rạch Miễu tạm khi đi vào hoạt động sẽ miễn phí vé cho xe máy và người đi bộ. Các loại xe ô tô khác sẽ thu mức phí bằng với mức phí BOT cầu Rạch Miễu trên QL60.

Và khi tờ báo này đến tay bạn đọc thì bến phà Rạch Miễu tạm đã được thông tàu để “chia lửu” với cầu Rạch Miễu đang “oằn vai” chuyển tải hàng chục ngàn lượt xe các loại vào dịp cao điểm tết này.

 

Nỗi niềm bến phà trăm năm tuổi

Không ai biết đích xác phà Rạch Miễu có từ bao giờ. Hồ sơ, sử sách, dư địa chí cũng không thấy ghi lại. Chỉ biết rằng, hơn một thế kỷ trôi qua, kể từ khi những chiếc xáng đầu tiên cùng tàu thủy của người Pháp xuất hiện trên các sông rạch  ĐBSCL cho đến lúc Công ty Vận tải đường sông Nam Kỳ (Société Transport fulvial de Cochinchine) ra đời năm 1882, nhiều bến phà ở khu vực sông nước này đã lần lượt ra đời. Phà Rạch Miễu là cửa ngõ chính đi vào Bến Tre, hai cửa còn lại là phà Đình Khao nối với Vĩnh Long và phà Cổ Chiên nối với Trà Vinh.

Với người dân 2 bên bờ sông Tiền đoạn chảy qua thành phố Mỹ Tho phía Tiền Giang và thị tứ Tân Thạch phía Bến Tre, đặc biệt trong ký ức của nhiều người, nhất là mỗi lần lễ tết, phà Rạch Miễu trở nên rộn ràng tất bật, máy chuyển rì rầm, từng đoàn xe lớn xe nhỏ và khách bộ hành chen chúc lên xuống. Vào những ngày cao điểm ước tính có từ 20 - 25 ngàn lượt xe qua phà khiến nhiều đoàn xe có lúc phải nằm chờ cả ngày mới có chuyến qua sông. Để giải quyết tình trạng cô lập của Bến Tre so với các địa phương khác, cũng như giải quyết tình trạng ách tắc giao thông của phà Rạch Miễu, dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu đã được khởi công vào ngày 30/4/2002. Cầu có chiều dài 8.331 m trong đó phần cầu chính dài hơn 2.878 m, tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, là cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế thi công và dài nhất ĐBSCL.



Cầu Rạch Miễu chính thức thông xe vào ngày 19/01/2009 sau 6 năm 9 tháng thi công. Tuy nhiên sau vài năm đưa vào khai thác, lượng xe qua cầu bắt đầu tăng lên nhanh chóng. Tháng 5/2015, cầu Cổ Chiên nối Bến Tre với tỉnh Trà Vinh, cũng trên tuyến QL60 khánh thành và đưa vào khai thác, cầu Rạch Miễu đã “gánh” thêm lượng hành khách và xe cộ rất lớn từ các tỉnh Miền Tây đi Tp.HCM qua tuyến QL60. Kẹt xe không nhất thiết vào các dịp lễ, luôn là nỗi ám ảnh của người dân miền Tây mỗi khi đi qua tuyến đường này.

 

Giải tỏa áp lực giao thông

Sau nhiều lần trong nhiều năm tìm nguồn vốn, đối tác đầu tư, phương thức đầu tư, vào ngày 05/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 với tổng vốn ngân sách trên 5.175 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án, dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.



Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 17,5 km, điểm đầu giao cắt QL1 với đường tỉnh 870 (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), điểm cuối kết nối QL60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông (TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính trên sông Tiền (khổ thông thuyền 110m x 37,5m và 220m x 30m), có chiều rộng 4 làn xe cơ giới, nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng, đoạn vượt sông Mỹ Tho (khổ thông thuyền rộng 50m x 7m) có chiều rộng 4 làn xe cơ giới, dự kiến nhịp chính bằng kết cấu dầm liên tục. Phần đường dẫn cầu (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến) được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, mặt cắt ngang đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Vì thời gian có cầu Rạch Miễu 2 càng kéo dài sẽ càng ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự trị an, do vấn nạn kẹt xe hàng giờ liền từ nhiều năm qua, tỉnh Bến Tre đã chủ động dề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép tỉnh tự đầu tư bằng ngân sách tỉnh xây dựng bến phà Rạch Miễu tạm như đã nói ở trên.



Rạch Miễu là tên một dòng kênh nhỏ chạy ngang một ngôi miễu đổ ra sông Mỹ Tho. Rạch Miễu cũng là một thị tứ thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nơi có con rạch và ngôi miễu. Rạch Miễu được đặt tên cho bến phà trăm năm tuổi nối đôi bờ sông Tiền – chi lưu lớn nhất trong hai chi lưu sông Tiền và sông Hậu từng “gánh” cả 9 nhánh uốn lượn khúc khuỷu của dòng Mêkông đổ vào Việt Nam với tên gọi Cửu Long. Rạch Miễu cũng được đặt cho cây cầu thay thế bến phà già nua thế kỷ, để rồi chỉ hơn mười năm sau, một lần nữa nó lại được dùng để đặt tên cho “bạn song hành” của cây cầu Rạch Miễu hiện hữu bé tuổi già non: Cầu Rạch Miễu 2!



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Từ luồng Soài Rạp, lật lại hồ sơ dự án khu kinh tế biển Gò Gia (TP.HCM)