"ĐÓNG ẤN" BẢO TÀNG CHO SÂM NGỌC LINH

“Đóng ấn” bảo tàng cho sâm Ngọc Linh
Nguyễn Tấn Việt – Người nâng tầm “vương giả” cho sâm Việt Nam
Sài Gòn ngày mùa đông. Tôi gặp anh trong một chiều chớm lạnh, vài hôm trước lễ Noel. Đó là một con người có dáng dấp khá nhỏ nhắn, lời ăn mực thước, tiếng nói nhỏ nhẹ. Bật lên trong con người với những thuộc tính ấy, là một hoài bão lớn lao. Anh uyên thuyên trò chuyện mà không biết mệt, khi bị tôi “gãi trúng chỗ ngứa”. Anh là Nguyễn Tấn Việt, nhà sưu tập về sâm Việt Nam.
(Xuân Thái)


Mê sâm đến nỗi sẵn sàng bán đồ đạc trong nhà để lấy tiền mua sâm, nơi nào nghe nói có sâm ngon là chạy đến mua cho bằng được, giá nào cũng mua, ông được giới sưu tầm và nghiên cứu sâm Ngọc Linh rất nể trọng và gọi là “người đàn ông cuồng sâm”.

Là người con đất Quảng (quê Quảng Nam), Nguyễn Tấn Việt sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề gỗ - mộc. Từ nhỏ, cũng như những anh em khác trong nhà, Việt theo cha làm nghề mộc: làm ra những sản phẩm, vật dụng nội thất, trang trí bằng gỗ quý để bán ra thị trường. 
Đất Quảng thuộc vùng Liên khu V (Vùng K5, nay là Quân khu V), gồm các tỉnh Nam Trung Bộ: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, là vùng có ngọn núi cao và nổi tiếng, đó là núi Ngọc Linh, cao 800 – 2.800m so với mực nước biển, là dãy núi thuộc một phần của dãy Trường Sơn, phía Bắc Tây Nguyên. Tại khu vực thuộc địa bàn Quảng Nam, nơi khối núi Ngọc Linh đi qua, ở độ cao khoảng 1.700 – 1.800 m, người ta phát hiện một loài sâm vô cùng quý hiếm trên thế giới; nó được gọi theo tên của vùng núi này: sâm Ngọc Linh, hay sâm K5.
Nguyễn Tấn Việt biết đến sâm Ngọc Linh từ rất lâu, bởi vì trước hết, anh là người “bản địa”. Song, Việt chỉ bắt đầu bén duyên với sâm Ngọc Linh độ chùng 15 năm trở lại đây. Lúc đó, Việt như bị cuốn hút vào sâm, suốt ngày chỉ biết có sâm, nói đến sâm và nói về sâm. Nghề mộc truyền thống gia đình đối với Việt hình như bắt đầu “trở nên xa lạ” đối với Việt. Lúc này, với Việt chỉ còn là sâm, chỗ nào có sâm là Việt tìm tới, bán những đồ mộc để lấy tiền mua sâm Việt cũng làm tuốt. Gia đình, vợ con cũng hiểu được niềm say mê của Việt nên, từ chỗ ái ngịa, lo lắng cho Việt, họ quay sang ủng hộ Việt, là chỗ dựa cho Việt yên tâm theo đuổi nỗi đam mê sưu tập sâm. Ngã rẽ cuộc đời của Nguyễn Tấn Việt, có lẽ bắt đầu từ đây. Người ta không gọi anh là “anh thợ mộc”, “anh buôn gỗ” nữa, bạn bè và đặc biệt giới chơi sâm đã trân trọng gọi anh bằng “nhà sưu tập sâm”.
Ngồi đàm đạo với anh về sâm, tôi luôn đối diện với một đôi mắt sáng rỡ một niềm say sưa chất chứa. Phải nói cho dễ hiểu là “Anh mê sâm lắm luôn!”. Sau vài ngụm trà cho tinh thần sảng khoái, anh bắt đầu kể: “Lúc ấy, tôi bắt tay vào nghiên cứu và sưu tầm sâm Ngọc Linh. Ban đầu, tôi chỉ biết đến giá trị khoa học cùng giá trị nhân văn của loài sâm quý hiếm này. Đó là một dược thảo có tác dụng bồi bổ cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức bền, giảm stress, kéo dài tuổi thọ cho con người. Đồng thời đây là một sản phẩm có giá trị kinh tế cao do dược tính đặc biệt của nó”. 
Ngừng giây lát như để lấy hơi sau khi hớp tiếp một ngụm trà, Việt nở nụ cười từ tốn: “Dần dần về sau, tôi đã nhận ra rằng, sâm Ngọc Linh còn có những giá trị rất đáng trân trọng nữa, đó là: giá trị lịch sử và giá trị văn hóa. Chính điều này đã khiến tôi nảy ra một ý định táo bạo: Sao mình không thử lập một bảo tàng về sâm này nhỉ? Vậy rồi, cả chục năm nay tôi chỉ âm thầm làm một việc là sưu tầm sâm với ước mơ sẽ có một bảo tàng sâm”.
Một hành trình đầy thử thách nhưng tràn trề đam mê.
“Sao anh lại rủ bỏ tất cả để chỉ đến với sâm?”. Tôi cắt ngang dòng miên man của Việt. Bất ngờ vì câu hỏi lý thú nhưng gợi lại quá khứ, Việt trở nên trầm giọng: “Việt bén duyên với sam từ lúc má Việt bị bệnh nặng anh ạ!”…
Năm 2010, mẹ Việt bị bệnh ung thư trực tràng giai đoạn 3. Sau khi cắt bỏ khối u, bác sĩ cho gia đình biết, bà sẽ không sống được bao lâu vì ca đại phẫu thuật đã cướp đi rất nhiều sức lực của bà . Còn nước còn tát, nghe có người nói rằng, sau khi điều trị hóa xạ có thể dùng sâm Ngọc Linh sẽ phục hồi tốt. Rồi Việt chợt nhớ có lần một người chú gửi tặng ít củ sâm Ngọc Linh, uống vào thấy rất khỏe nên nhờ mua giùm. “Hồi đó, sâm rẻ lắm, không mắc như bây giờ. Sâm Ngọc Linh tươi, cắt lát ngâm với mật ong, má xài liên tục, rồi sức khỏe cũng dần phục hồi”, Việt như sáng rực mắt lên. Rồi như dành sự ưu ái đặc biệt cho đặc phẩm mà anh sưu tập, Việt xúc động: “Tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ đã cho má một phác đồ điều trị chính xác, thuốc men tốt. Song, tận sâu trong lòng, Việt thầm cảm ơn sâm Ngọc Linh”. Rồi Việt khoe: Đến nay, má Việt vẫn khỏe mạnh, nhìn bề ngoài vào không ai nghĩ bà đang ung thư giai đoạn 3 cả!
Rồi Việt bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về sâm Ngọc Linh. Việt lần giở các tài liệu, báo chí, sách vở viết về sâm Ngọc Linh, để có hiểu biết đầy đủ về loài sâm đặc biệt quý hiếm này. Lúc đầu anh mua vài ký sâm nhỏ về ngâm rượu, tẩm mật ong. Uống vào thấy khỏe, thấy “yêu đời”, vậy là anh lại nhờ tìm mua những củ sâm lớn hơn, có củ lên đến cả ký, hai ký, tuổi đời thì chục năm có, vài chục năm có, có củ được gọi là “cụ sâm” vì có tuổi hớn nửa thế kỷ, 70 năm, rồi 80 năm, có củ cả bạc tỷ. Anh mê, vậy là mua, giá mắc cỡ nào cũng cố mà mua cho được. Có những củ sâm “cụ”, được người bán rao đấu giá, ai cao nhất thì được. Nhiều lúc, phải chạy theo những “phi vụ” đấu giá sâm như vậy, Việt phải đi chạy vạy, vay mượn, cũng chưa chắc có tiền thì sở hữu được. “Phải có cái duyên nữa!”, Việt tự tin hẳn ra. “Là sao?”, tôi nhíu mày chưa hiểu. Việt chậm rãi: “Nói nghe hơi tâm linh, chứ tôi tin là mình được “trợ duyên” để sở hữu những củ sâm đẹp, nhà báo ạ! Có hôm người ta chào củ sâm, lại nhằm lúc tôi hết tiền nên tiếc hùi hụi. Tự nhiên vài tiếng sau, có người hỏi mua bức tranh hay bộ bàn ghế, tôi bán liền giá rẻ mà không chút tiếc nuối, rồi tức tốc điện chỗ bán sâm dặn phải để lại cho tôi, đừng bán ai. Thế là lại được thêm củ sâm đẹp!”. Tôi nghe Việt nói mà phát ham.

Một kho sâm vô giá. Một bảo tàng sâm!

Kho sâm của nhà sưu tập sâm Nguyễn TấnViệt có nhiều củ có hình thù kỳ lạ. Có củ có hình dạng giống người, có cả hai tay, hai chân, một tay còn ra hiệu… vẫy chào. Có củ hình người đang chạy, có củ hình rồng lượn, phượng bay, có củ hình chữ S giống như bản đồ Việt Nam, có củ hình thù như rùa, ngựa, cá ngựa, đà điểu,…
Rồi Việt kể tiếp: Có lần vị giáo sư người Hàn – GS. Park, cựu Chủ tịch Hiệp hội Sâm Hàn Quốc, đến thăm “cơ ngơi”. Khi mục kích các phòng trưng bày sâm các loại, nhất là sâm Ngọc Linh, vị giáo sư già đã hết sức ngỡ ngàng. Ông cứ vỗ bàn tay lên trán như tỏ sự ngạc nhiên. Ông ôm chầm lấy tôi, bảo: Sâm Việt là vô giá!”. Lần đó, vị chuyên gia về sâm Hàn này cũng đề nghị nhà sưu tập Nguyễn Tấn Việt nên thành lập một bảo tàng về sâm Việt Nam và ông hứa sẽ giúp đỡ. Ý tưởng thành lập bảo tàng sâm Việt Nam của Nguyễn Tấn Việt đã được nhiều nhà khoa học, dược liệu học về sâm, ngay từ đầu rất ủng hộ. Trung tâm Sâm và Dược liệu Tp.HCM cũng cho biết rất đồng tình sáng kiến này và tạo mọi điều kiện để ý tưởng này thành hiện thực. Rồi những tiêu bản sâm mà Việt từng ấp ủ sẽ có mặt trong bảo tàng sâm như: sâm Ngọc Linh Kon Tum, sâm Ngọc Linh Quảng Nam, sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp, tam thất hoang,... Chỉ riêng sâm tam thất hoang đã có nhiều loại, đều được Việt sưu tập về: ruột trắng, ruột tím, ruột vàng, ruột xám ghi, ruột vàng mỡ gà, ruột đỏ. Tất cả những thứ này, giờ đây đã có mặt trên các kệ trưng bày của bảo tàng sâm Ngọc Linh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, với hơn 400 hiện vật sâm, vừa được Nguyễn Tấn Việt chính thức ra mắt với mọi người, đặc biệt giới yêu sâm, sưu tầm sâm, vào đầu tháng 12/2019 vừa qua, tại quận Tân Phú, Tp.HCM.

Việt thao thao bất tuyệt với tôi về sâm Việt Nam một cách say đắm lạ thường. Anh kể như chưa từng được kể, anh nói như từ lâu lắm rồi không có ai tâm sự, chia sẻ. Cứ nhắc đến sâm thì anh nói khiến người nghe bị chinh phục hoàn toàn. Không đợi Việt nói tiếp, tôi lại chen ngang: “Khi nãy anh có nói về giá trị lịch sử và giá trị văn hóa của sâm Ngọc Linh?”. Lại “gãi trúng chỗ ngứa”, Việt trầm tĩnh hơn, nhưng khúc chiết…
Sâm Ngọc Linh có giá trị lịch sử, bởi vì những hiện vật - những tiêu bản còn lại của loài sâm này, chính là những bằng chứng sống động nhất, thể hiện tinh thần sáng tạo và tinh thần vượt khó của các cấp lãnh đạo (Liên khu V bấy giờ), của các nhà dược học Việt Nam trong thời kỳ 1954 - 1975, thông qua việc chủ động tổ chức tìm tòi, nghiên cứu rồi phát hiện ra sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu vô cùng quý giá, đem lại sức khỏe cho bộ đội và người dân địa phương vùng Liên khu 5. Lợi ích đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Còn xét từ góc độ văn hóa, sâm Ngọc Linh, ngoài tư cách là một loại dược liệu cổ truyền như mọi người đã biết, nó còn liên quan đến một loại hình mà Việt gọi là “Di sản văn hóa phi vật thể” của Việt Nam; đó là “Tri thức văn hóa dân gian”, bao gồm tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực…”.  Chính những bài thuốc cùng với kỹ thuật và bí quyết tạo ra những bài thuốc, món ăn từ sâm cùng với các phương cách chữa bệnh bằng nguyên liệu sâm Ngọc Linh là những tri thức về y, dược học cổ truyền. 
Nguyễn Tấn Việt rành rọt từng câu chữ, từng lời nói về sâm như thể một chuyên gia uyên thâm giàu kinh nghiệm vậy. Và thật ra, giới chơi sâm, sành sâm đã mệnh danh anh như vậy. Bảo tàng sâm Việt Nam mà nhà sưu tập Nguyễn Tấn Việt vừa lập khai sinh, là một điểm tham quan, du lịch độc đáo, mới lạ ở Sài Gòn – Tp.HCM; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về một loại thực vật, đồng thời cũng là một loại dược liệu quý hiếm, có giá trị đặc biệt của Việt Nam, nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này.   

BOX:
Sâm Ngọc Linh được dược sĩ Đào Kim Long tình cờ phát hiện vào năm 1973, ở vùng rừng núi Ngọc Linh thuộc Liên khu 5, ở độ cao 1.800m so mực nước biển. Ông tạm gọi tên là sâm đốt trúc. Đến năm 1976, TSKH Nguyễn Thới Nhâm công bố báo cáo khoa học trước toàn thể hội đồng khoa học Ba Lan, Liên Xô và quốc tế đề tài “Sơ bộ phân tích thành phần hoá học một cây Panax của Việt Nam: Panax K5VN Araliaceae”. Sâm K5 được khai sinh và được xác định là một trong bốn loài Panax cực hiếm trên thế giới: nhân sâm Ngọc Linh, nhân sâm Bắc Mỹ, nhân sâm Triều Tiên và nhân sâm Trung Quốc.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước