Bài Tết Kỷ Hợi 2019: Phù Tường Nguyên Dũng và cây sa sâm miệt duyên hải Thạnh Phú



Cựu binh khởi nghiệp ở tuổi làm… “đại gia”!
Phù Tường Nguyên Dũng: Người bảo tồn, nhân rộng, phát triển
và thương mại hoá cây Sa sâm Việt

Ở cái tuổi U50, nếu đã làm kinh doanh, người ta đều đã trở thành “đại gia”, trừ phá sản hoặc… bất tài! Vậy mà anh lại bắt đầu, dĩ nhiên là một bắt đầu mới bởi anh cũng từng bắt đầu. Lần này thì có khác, việc chẳng ai làm, cũng chẳng một ai để tâm đến. Vậy mà, với bản tính tò mò và ham thích khám phá, cùng với bản tính quyết đoán của một người lính, anh đã “bước chân” vào một “phi vụ cuộc đời” đầy thử thách. Anh là Phù Tường Nguyên Dũng, một cựu chiến binh QĐND Việt Nam.
Xuân Nghi

Garage Nguyên Dũng (tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, phường Phú Khương, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre), một garage khá tiếng tăm ở đây, chuyên kinh doanh và làm các dịch vụ cho thương hiệu xe Hyundai. Garage ấy mang tên một cựu chiến binh người con của xứ dừa và do anh quản lý, điều hành. Ấy vậy mà anh quyết định “từ bỏ” nó rồi đi tìm một vùng đất xa xôi, nơi chỉ có nắng, nước mặn và gió để… lập nghiệp!
                                                       Anh Phù Tường Nguyên Dũng

“Tò mò” từ một sự “so bì”!
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest Vietnam 2018 (Do Bộ KH&CN chủ trì), diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2018 vừa qua, có một dự án thu hút sự chú ý của nhiều diễn giả cùng các tham dự viên, đó là Dự án “Bảo tồn, nhân rộng và thương mại hóa Sa Sâm Việt”, của tác giả Phù Tường Nguyên Dũng đến từ Bến Tre. Đây là một trong 3 dự án khởi nghiệp được tỉnh Bến Tre cử đi tham gia Techfest Vietnam 2018.
Câu chuyện bắt đầu từ cách nay một thập kỷ. Bấy giờ, “Dũng Hyundai”, - cái tên mà giới làm ăn đặt cho Phù Tường Nguyên Dũng, đã có nghe kể và biết đến một loài cây gọi là “sâm Việt Nam”: cây sa sâm. Đó là một loại cây thân thảo bản địa, mọc tự nhiên và phát triển nhiều ở vùng giồng cát (những gò cát có độ cao so với các vùng tương tự lân cận) ven biển huyện Thạnh Phú (một huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre). Nghe có nghe, biết có biết, nhưng là… để đó, phần vì chưa có thời gian tìm hiểu thêm, phần vì cùng chưa thiệt “mặn mà”, người đàn ông U40 lúc đó cứ mải mê với công việc kinh doanh garage xe hơi của mình.
Bến Tre là địa phương có phong trào khởi nghiệp sớm nhất, dồn dập nhất trong cả nước: Phong trào “Đồng khởi Khởi nghiệp” cách đây gần 3 năm. Người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, thấy cũng hay hay, bản tính chịu khó mày mò như được tiếp thêm lửa, “Dũng Hyundai” bắt đầu “suy nghĩ lại”! Hình ảnh những cây cỏ sâm mỏng manh, mọc rải rác khắp bờ cát, đua đưa trước gió biển năm nào chợt hiện về trong tâm trí người đàn ông cộc tính mà đầy cương nghị ấy: Tại sao người Việt tự hào có sâm Ngọc Linh, người Triều Tiên tự hào có sâm Cao Ly, xứ sở Hoa anh đào thì đem đặc sản trà Mátcha qua xứ mình “gây sóng gió” các bạn trẻ Việt Nam? Có bao nhiêu người Việt có cơ hội xài được sâm Ngọc Linh khi giá của nó chỉ để dành cho… đại gia? Rồi Dũng nhủ lòng: Ở Bến Tre quê mình có một loài cây mà dân gian vẫn gọi là “sâm”, lại là sâm quý nhưng chưa được nghiên cứu chuyên sâu, bài bản. Sao mình không thử sức làm cho cây bản địa này trở thành một thương hiệu quý: Thương hiệu “Sâm Việt Nam”? Suy nghĩ như vậy, rồi trăn đi trở lại, Dũng quyết định bắt tay vào làm. Vậy là dự án “Bảo tồn, nhân rộng, phát triển và thương mại hóa cây sa sâm”, được Dũng Hyundai viết ra giấy sau mấy cuộc nhậu bị từ chối…

                                                             Cây và hoa của sa sâm

Vác cỏ lên vai, một mình “tầm sư học đạo”!
Dân địa phương vùng biển này thường gọi loài cây thân thảo mọc ven các giồng cát ven biển là “rau sâm biển”, “cỏ sâm biển”, “sa” có nghĩa là “cát”, “sa sâm” là cây sâm mọc trên cát. Sa sâm có tên khoa học học là Launaea Sarmentosa, thuộc họ cúc. Sa sâm được dân gian từ lâu cho là cây “nhân sâm” quý.
Tại Bến Tre, cây đã phát triển tốt trên vùng đất giồng cát ven biển ở huyện Thạnh Phú từ lâu đời và được bà con miệt biển hái về làm rau ăn thường nhật. Đây là loại cây thảo có sức sống tốt và được mô tả như sau. Phần gốc rễ hơi dày hình trụ tròn, có khi phân nhánh và to hơn phần thân, thân dài 20 đến 30 phân (cm), mảnh, mọc bò, đâm rễ và ra hoa ở các đốt. Lá mọc thành hình hoa thị ở gốc, chia thuỳ lông chim, dài 3 – 8 phân, rộng từ 5 đến 15 ly (mm), thon hẹp dần ở gốc, thùy tận cùng hình tam giác lớn hơn, các thùy bên hình tam giác, tù, các thùy gốc càng xuống càng hẹp dần. Cụm hoa đầu màu vàng, ở gốc cây hoặc ở các đốt, có cuống ngắn, thường mọc đơn độc hoặc thành ngù ít hoa. Quả bế hình trụ, có mào lông dễ rụng. 

                Cây sa sâm được nhân giống và trồng đại trà trên vùng giồng cát ven biển ở Thạnh Phú

Trước đó chỉ biết rằng, cây sa sâm là một vị dược thảo, được bà con thu hái vào hai thời điểm chính, vào các tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến 9 để làm thuốc, rau ăn phục vụ trong gia đình. Về tính vị và công năng, sa sâm nam có vị ngọt lạt, hơi đắng, tính mát, vào kinh phế có tác dụng bổ, mát phổi, giảm ho, long đờm, lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu. Chưa có bất kỳ một nghiên cứu riêng rẽ nào đối với cây sa sâm hoang dã này. Vốn là người kỹ tính và thận trọng, “Dũng sa sâm” (tên mới của Dũng Hyundai) đã lục tung hết các tài liệu nói, viết về sa sâm, xem có ai, tổ chức nào (trong nước và cả nước ngoài) nghiên cứu về nó chưa, đặc biệt là thương mại hóa nó?
Nghiên cứu thì có, thương mại hóa thì chưa. Vậy là “Dũng sa sâm” xách một mớ sa sâm đi “thẩm định”, gõ cửa mấy viện, trường. Kết quả thử nghiệm cho thấy, sa sâm là loại cây có giá trị cao về y dược học, được dùng nhiều trong y học cổ truyền (thuốc Nam), toàn bộ thân, rễ, lá của cây đều được sử dụng. Trong sa sâm có một dược chất quý đó là Saponin – thành phần quan trọng nhất của nhân sâm họ Panax. Sa sâm còn chứa nhiều hợp chất quý như tinh dầu, acid triterpenic, β-sitosterol, polysaccharid, nhiều dẫn chất coumarin, dẫn chất của psoralen và scopoletin… “Sa sâm rõ ràng là vị thuốc Nam quý, đã và đang được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền”, Dũng mừng thầm.
Công ty cổ phần Sa Sâm Việt được thành lập, bước đầu Dũng cho tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các dòng sản phẩm từ sa sâm Việt với mong muốn khởi nghiệp từ chính mảnh đất quê hương xứ dừa, xây dựng thương hiệu từ chính những sản phẩm bản địa. “Dũng sa sâm” cũng mong muốn “thủ phủ dừa” có thêm một sản phẩm mới có tính khác biệt, rất đặc trưng Bến Tre. 



               Cây sa sâm được trồng trên vùng nguyên liệu giồng cát ven biển Thạnh Phú


Và “số phận” đã mỉm cười với Dũng,…
Sa sâm mọc rải rác khắp bãi biển, ở những vùng giồng cát, nhưng bây giờ quy tụ chúng với số lượng tập trung, lại dùng sức con người can thiệp vào loài cỏ thiên nhiên, quả là một bài toán khó.
Nhiều đêm nằm đắn đo, vò đầu bóp trán, Dũng quyết định thuê một mẫu rưỡi đất (1,5 ha) tại ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú làm trang trại trồng cây sa sâm nguyên liệu. Dũng cũng nhờ bà con địa phương giúp mình một tay. Lại gặp khó tiếp theo. Vì là loài cây Nam dược nên để khai thác tiềm năng dược tính của sa sâm, đòi hỏi phải có nhiều nghiên cứu về cách trồng. Qua nghiên cứu và được sự hỗ trợ của các nhà khoa học về nông nghiệp và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành Tp.HCM, Cty Sa sâm Việt của Dũng quyết định đầu tư sản xuất cây sa sâm nguyên liệu theo hướng hữu cơ với mục đích làm giảm nitrat và tăng hàm lượng sapomin từ 3,45% trong tự nhiên lên 12,54% (mức cao hơn nhân sâm họ panax). Dũng cho áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được được giám định và chứng nhận bởi VINACERT, ngày 10/8/2018 vừa qua cho 1,5 ha trồng sa sâm nguyên liệu, sản lượng 150 tấn/năm. Để chế biến sa sâm ra các loại thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, Cty CP Sa Sâm Việt đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, nhà làm việc tại trang trại, xưởng sơ chế nguyên liệu, xưởng sản xuất thực phẩm chức năng, xưởng sản xuất mỹ phẩm. Song song là các loại máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại như: máy sấy lạnh, công suất 90kg/ngày; máy xoa, công suất 50 kg/ngày; máy nghiền, công suất 150 kg/ngày; máy xay, công suất 7 kg/ngày; máy trộn, công suất 50 kg/ngày; máy định lượng, công suất 15.000 túi/ngày; máy đóng gói, công suất 15.000 túi/ngày; máy đóng gói trà túi lọc, 20.000 túi/ngày; máy hàn túi, 20.000 túi/ngày… Tất cả các công đoạn sản xuất đều tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn đã được chứng nhận như HACCP; ISO 9001:2015.
Từ công tác đầu tư nghiên cứu ban đầu, đến nay, Cty CP Sa Sâm Việt đã thu được kết quả khả quan, như: Bảo tồn, nhân giống và hoàn thiện quy trình trồng sa sâm Việt theo hướng hữu cơ, tạo ra một số sản phẩm mới từ sa sâm có giá trị gia tăng cao (bột sâm Việt, Sâm 3 trong 1, Trà sâm túi lọc…). Các sản phẩm này giúp tăng cường sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, làm đẹp, giúp mọi người có cuộc sống hạnh phúc, thích ứng với sự biến đổi của thiên nhiên, nhất là điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Dũng Sa sâm” cũng không giấu kế hoạch phát triển sa sâm gắn với sự phát triển của du lịch Bến Tre và huyện Thạnh Phú; ví dụ biến vùng quê biển Thạnh Phú trở thành những làng du lịch mang tên Sa sâm Việt. Anh thố lộ: Cty Sa Sâm Việt sẽ đầu tư mô hình trang trại cho người dân địa phương tham quan; sau đó, vận động bà con tham gia trên chính mảnh đất của mình. Người dân trồng, công ty sẽ hỗ trợ về chi phí, kỹ thuật và thu mua lại. Cty sẽ hỗ trợ người dân xây dựng làng du lịch, thu hút khách tham quan và mua sắm các sản phẩm sa sâm kết hợp với du lịch biển Thạnh Phú. 

                                                     Sơ chế sa sâm sau khi thu hoạch

Hai năm ròng rã nghiên cứu trồng một loài cây mà ông bà ta vẫn gọi là “sâm trên cát biển” với hàng trăm lần thất bại, “số phận” đã mỉm cười với Phù Tường Nguyên Dũng, - một cựu chiến binh năm nào. Rồi khi tôi bất ngờ nhắc đến hai từ “người lính”, Dũng chợt lắng đọng lại, giọng khàn đặc, mắt bắt đầu xa xăm. Như lấy kim xâu kết lại từng mảnh ký ức rời rạc, giọng Dũng đứt quãng: “Hồi đó, cưới vợ chưa đầy 5 tháng là lên đường nhập ngũ… Vì thăm chồng mà không tiền, bà xã phải bán “bộ đồ nghề” để đi thăm... Thời gian qua đi khi rời quân ngũ trở về, tiền không, mọi thứ cũng không.... Xã Phú Khương lúc đó xét xóa đói giảm nghèo được 1 triệu đồng, về sắm liền đồ nghề làm lại cuộc đời... Thời gian trôi qua, cứ tích lũy dần tích lũy dần, lính mà! Thú thiệt với anh, tôi biết tôi phải luôn cố gắng hơn 300% sức lực của mình…”

                                                             Một số sản phẩm từ sa sâm

Tôi thấy Dũng không còn là người lính năm nào rồi. Giọng anh cứ đặc dần, đặc dần. Tôi cắt dòng miên man câu chuyện, để Dũng trở về thực tại. Rồi tôi pha: “Thành công hôm nay đó là gian khổ của ngày hôm qua?”. Dũng tiếp luôn, nhưng không liền lạc: “Thành công hôm nay chính là tình yêu thương của mọi người dành cho tôi... Tôi hiểu được trách nhiệm của mình. Tôi muốn làm điều gì đó cho quê hương. Tôi từ bỏ làm đại lý cho Hyundai. Tôi muốn làm một việc có thể thay đổi vùng cát biển nghèo khó quê hương mình, trở thành trù phú, giàu có…”
Có thể lắm chớ!
                                                          Một số sản phẩm từ sa sâm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước