Bài Tết Kỷ Hợi 2019: Doanh nhân Từ Văn Phước và tham vọng "đánh thức" miền cát trắng



Khởi nghiệp địa ốc từ một thợ chế tác vàng!
Doanh nhân Từ Văn Phước với tham vọng “đánh thức tiềm năng” miền cát trắng

Sau năm 1975, ông theo mẹ vào Sài Gòn, vừa học vừa làm, cũng tìm một cơ hội mới nơi đất khách quê người nhưng “đất lành chim đậu” này. Ông làm đủ thứ nghề, cứ cái gì làm được, làm có ít tiền là làm, không từ việc gì. Bẵng đi một thời gian, người ta thấy ông “xuất hiện” là một “đại gia” của làng bất động sản Sài Gòn, nhưng không làm ăn ở Sài Gòn. Ông lẳng lặng đi tìm một vùng đất mới, để thỏa sức thể hiện ý tưởng, óc sáng tạo của mình qua những đứa con tinh thần. Đó là doanh nhân Từ Văn Phước, Chủ tịch Công ty CP ĐT-TM-DV Việt Úc (Tập đoàn Việt Úc, VietUc Group).
Xuân Thái

Sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống là kinh doanh vàng bạc và đá quý, đúc phế liệu kim loại màu tại thành phố biển Đà Nẵng, chủ đầu tư (CĐT) đại dự án Aloha Beach Village, tọa lạc tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đã “kết duyên” với nơi được mệnh danh là “Mũi Né 2” của Bình Thuận và vùng Nam Trung bộ đầy nắng và gió này.
                                                           Doanh nhân Từ Văn Phước


Nghề gì cũng làm, miễn kiếm ra tiền nhưng phải khác!
Hớp một ngụm nước dấp giọng, như để lấy hơi, người đàn ông có vầng trán cao rộng, đầy vẻ đạo mạo, bắt đầu kể: Cha tôi là doanh nhân Từ Văn Thể, người sáng lập Khu kỹ nghệ Hòa Khánh - Đà Nẵng, là KCN đầu tiên ở Miền Trung, khánh thành năm 1970. Ông cụ đồng thời là người sáng lập ngân hàng tư nhân duy nhất tại Miền Trung: Ngân hàng Nông thôn Duy Xuyên (Quảng Nam – Đà Nẵng) và được đỡ đầu bởi hai “ông trùm” ngành tài chính thời Miền Nam Việt Nam trước 1975, là Nguyễn Tấn Đời và Phạm Sanh. Hai công ty chuyên về xuất nhập khẩu kim loại và phế liệu màu, Cty Phước Thành và Cty Phước Lộc, đều thuộc sở hữu của gia đình họ Từ lúc bấy giờ.
“Làm nghề gì cũng được miễn kiếm ra tiền, nhưng phải khác!”. Anh Phước trải lòng như vậy, và nói thêm: “Thân phụ tôi từng dạy, cái gì sinh lợi mà không ai làm thì mình làm, dù lợi nhuận ít nhưng lấy được số đông. Thời trai trẻ tôi đã từng mở vựa phế liệu, có chút vốn tôi mở thêm nhà máy nhựa, túi nilon, nhưng vẫn không quên nghề truyền thống là chế tác vàng bạc, đá quý là nghề mấy đời của gia tộc”. Rồi ông nhớ lại: Hồi đó, tôi còn nhớ gia đình tôi từng là đại lý thứ 13 của thương hiệu vàng bạc đá quý SJC. 

                  Ông Phước trực tiếp chỉ huy ngoài công trường đại dự án Aloha Beach Village

… Công việc làm ăn không ngơi nghỉ là vậy, nhưng những lúc rảnh rỗi là chàng thanh niên tên Phước lại vùi đầu vào sách vở, nghiền ngẫm các bộ sách có giá trị. Cậu Phước rất mê bộ “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ”, là sách ghi chép những điển pháp Việt Nam dưới thời các vua triều Nguyễn (1802 – 1945) để nắm bắt thêm nhiều kiến thức chuyên sâu. Từ đây, cậu Phước tham gia chế tác, khôi phục “lá ngọc cành vàng” bằng vàng thật cho nhiều công trình văn hóa mà lâu nay chỉ là… đồ giả. Cũng từ đó, cậu Phước đem nghề phục chế này phục vụ cho việc kinh doanh của mình, như chế tác các khánh vàng, - một sản phẩm bằng vàng chế tác rất ưa chuộng trước đây của người Miền Nam.
Kinh doanh là phải biết tận dụng mọi cơ hội và chớp lấy thời cơ, chàng thanh niên Từ Văn Phước đã đề ra cho mình triết lý làm ăn như vậy, và cái gì đến cũng đã đến. Một lần vào năm 2003, trong lúc tìm mặt bằng để di dời nhà xưởng (chế tác vàng bạc), anh chợt nảy sinh ý tưởng: Hay là ta thử mở một “trạm dừng chân”? Nói là làm, lần này là làm thiệt: mua đi bán lại nhiều khu đất, rồi bắt đầu nhận ra nhiều cơ hội kinh doanh thú vị. Bước ngoặt cuộc đời anh có lẽ bắt đầu từ đây: Bước chân vào làng kinh doanh BĐS, sánh vai cùng nhiều “đại gia” địa ốc khác ở Sài Gòn.

Ngã rẽ thú vị mang hơi thở của biển
Sau những thương vụ mua bán, chuyển nhượng nhà, đất tại Phú Mỹ Hưng (Q.7, Tp.HCM) thời những ngày đầu vùng đất phèn và ngập nước này được quy hoạch thành khu đô thị hiện đại - thành công, ông Phước tiếp tục “sưu tầm” thêm nhiều quỹ đất ven biển tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang – Khánh Hòa, Đà Nẵng,… Nơi đây có quá nhiều những bãi biển xinh đẹp, lộng gió, thiên nhiên “mặt hướng biển, lưng tựa sơn” đã khiến ông có một quyết định khác. 


Trầm ngâm giấy lát, ông Phước bắt đầu xâu chuỗi lại các mảnh ghép của câu chuyện: “Tôi có dịp đi qua nhiều nước có thị trường du lịch phát triển, nhận thấy quỹ đất ven biển những nơi này gần như đã được khai thác triệt để, rất hiệu quả. Về nước, suy nghĩ ấy cứ đeo đuổi trong đầu tôi suốt. Rồi tôi quyết định bán rất nhiều BĐS của mình ở Sài Gòn – Tp.HCM để lấy tiền đầu tư mua đất ven biển làm BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Vào thời điểm năm 2014, khi Chính phủ quyết định cho dừng Dự án Cảng nước sâu Kê Gà (ở Hàm Thuận Nam), cùng thời điểm thị trường BĐS phục hồi, ông Phước bắt đầu dồn nguồn lực đầu tư hồi sinh các dự án. Ông Phước kể: Lúc đó, tôi đã quyết định mua lại dự án ven bãi biển Thuận Quý, tức KDL Mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), để phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng đầu tay mang tên Feng Shui (Phong Thủy). Là một người hoạt ngôn, có trí nhớ tốt và am tường nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực phong thủy, đang mải mê đến mức “gây nghiện” người đối diện câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và cách thức làm ăn từ hai bàn tay trắng, những tính toán kỹ lưỡng từng li từng tí một của người làm thợ, những kỹ năng thu phục nhân tâm của một người chủ, và đặc biệt chữ tâm trong kinh doanh, ông Phước hạ giọng, trầm đặc: “Tôi gọi tên đứa con tinh thần đầu tiên là “Feng Shui” – Phong Thủy (Resort 4 sao Feng Shui - NV) cũng là vì vậy. Làm gì cũng phải biết nghĩ đến trên – dưới, trong – ngoài. Một góc độ nào đó, phong thủy còn bao hàm cả yếu tố tâm linh. Làm ăn phải có cái tâm, không chỉ nhắm đến lợi nhuận trên hết được. Phải biết thấu cảm và chia sẻ”.
Sau dự án “mở màn” Feng Shui là đại Dự án KĐT thương mại - giải trí - sinh thái Aloha Beach Village với quy mô 15 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 3.200 tỷ đồng, trở thành dự án mới đánh dấu tên tuổi con tàu VietUc Group do thợ bạc Từ Văn Phước cầm lái. Aloha được chủ đầu tư ví như một “Thiên đường nghỉ dưỡng Hawaii tại Việt Nam”, được thiết kế, xây dựng theo mô hình ở Hawaii bao gồm quần thể dự án ven biển Thuận Quý với các khu resort, trung tâm thương mại, 58 shophouse, 300 condotel, khách sạn 4 sao với hơn 5.000 căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Aloha có khu vui chơi giải trí cao cấp, sân tennis, hồ bơi, beer club, rạp chiếu phim và trung tâm hội nghị quốc tế, đài quan sát với biểu tượng đặc sản nông nghiệp vùng, đó là trái thanh long và được người thợ chế tác vàng năm xưa kỳ vọng là điểm nhấn của quần thể các dự án nghỉ dưỡng ven biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là khu vực “Mũi Né 2” của Phan Thiết – Bình Thuận…
Một dự án khác mà Việt Úc Group đang trong giai đoạn hoàn tất pháp lý là Mỏ khoáng nóng Bưng Thị thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, quy mô 187ha. Ngoài mỏ khoáng nóng độc đáo, quý hiếm tạo điểm nhấn thu hút du khách, Việt Úc Group dự kiến kế hoạch sẽ biến nơi đây thành “một safari”, bảo tồn những loại động vật quý hiếm, trồng các loại kỳ hoa dị thảo, tái tạo những làng châu Âu...


                      Aloha được chủ đầu tư ví như "Thiên đường nghỉ dưỡng Hawaii tại Việt Nam 

Chưa từng vay, vì ngân hàng… không cho vay!
Như phá vỡ bầu không khí có phần khô khan bởi những con số tính toán chi li, tôi bất chợt ngắt ngang bằng cách hỏi “Vậy ông đã vay hết bao nhiêu rồi?”. Và “Thầy Phước” (nhiều người trong giới kinh doanh BĐS ở Sài Gòn thường gọi ông bằng “thầy” - NV) cũng hóm hỉnh không kém khi trả lời như trên.
Đúng vậy! Cho đến nay, ngoài đại dự án Aloha, Tập đoàn Việt Úc của “thầy Phước” đang sở hữu 10 dự án khác tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước, hầu hết là ven biển, với quỹ đất lên đến gần 1.000 ha; trong đó đáng chú ý là dự án 26 ha ở Mũi Né vừa trúng thầu với giá cao gấp đôi so với giá khởi thầu (772 tỷ/372 tỷ), đã xác lập mặt bằng giá mới tại khu vực đất cực kỳ đắt đỏ này. Tất cả những dự án “thầy Phước” bỏ vốn ra đến nay, chưa đi vay ngân hàng một đồng nào. Đều là nguồn vốn tự có! Thấy người hỏi có vẻ chưa được khả tín, ông “bật mí” thêm: “Đúng là tôi chưa đi vay ngân hàng nào cả. May mắn lúc đó đã không “mỉm cười” với chúng tôi. Còn nhớ sau năm 2008, thị trường BĐS bắt đầu lao dốc, hàng loạt dự án bị đóng băng. Việt Úc không chỉ đắm chìm trong khó khăn mà còn bị ảnh hưởng do chủ trương quy hoạch dự án Cảng Kê Gà khiến các dự án của khu vực này phải dừng triển khai. Nhiều doanh nghiệp phải đón nhận “cái chết tức tưởi” bởi dự án bán không được hàng trong khi lãi vay ngân hàng cao ngất ngưỡng. Thú thiệt, trong cái rủi có cái may, cái may của Việt Úc là đất làm dự án pháp lý lúc ấy chưa rõ ràng, có chủ quyền nhưng không được ngân hàng cho vay, đành ngậm đắng chờ thời. Suốt thời gian hơn 5 năm, hầu như tôi không triển khai đầu tư dự án nào mà chỉ tập trung việc hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án. Giờ thì nhiều người có tiền cũng khó mà “lọt vào” được vì “quỹ đất thì cạn, giá lại rất cao”. Vậy đó!”
Tôi vẫn chưa tâm phục khẩu phục nên cắc cớ: “Nhưng ông chắc cũng có một nguồn vốn dự phòng?”. Ông nói luôn: “Tôi đầu tư nhiều dự án BĐS lớn ở Hoa Kỳ, và hiện tôi đang có một nguồn quỹ hỗ trợ từ bên Mỹ: Quỹ Hoàng Kiều!”
                               Một hoạt động từ thiện: Đấu giá các vật phẩm Phật giáo gây quỹ

Là một người đàn ông đầy nghị lực, đam mê kinh doanh và nhiều tham vọng, doanh nhân Từ Văn Phước ấp ủ một tham vọng “đánh thức tiềm năng” vùng cát trắng Phan Thiết – Mũi Né 2 – Mũi Kê Gà, dù biết rằng phía trước luôn đầy chông gai, thử thách. Chuông điện thoại réo vang, ông lại có cuộc hẹn với một đối tác lớn. Cuộc hàn thuyên tạm ngưng nhưng ông vẫn kịp cô đọng lại câu chuyện: “Khó khăn nào rồi cũng có lối ra. Điều quan trọng nhất chúng ta phải có nỗi khát khao, niềm đam mê, sự tận tâm và chiến lược rõ ràng. Thành công ắt sẽ đến!”.
                             VietUc Group nhà tài trợ Giải đua xe đạp địa hình núi Tà Koú 2018

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài