Tản văn Xuân Đinh Dậu 2017 - Có một Sài Gòn không ngừng ca hát





Có một Sài Gòn không ngừng ca hát

Sài Gòn thiệt lạ! Cũng là những con người – có thể người Sài Gòn, có thể không – đã và vẫn đang nhả thơ, buông nhạc, cất tiếng hát một cách âm thầm, lặng lẽ giữa chốn nhộn nhịp, phồn hoa để góp phần tạo nên một Sài Gòn trẻ trung nhưng rất mực đáng yêu. Gần gũi và nâng niu đón nhận mọi người, dù họ đến từ bất cứ nơi đâu…
Hoài Niệm

Tiết xuân về. Trời càng về khuya, Sài Gòn càng thanh vắng. Văng vẳng đâu đó vẫn là những tiếng đàn, giọng hát mà ai một lần nghe qua, có thể nhận biết ngay, đó là Sài Gòn: những bản tình ca, những điệu nhạc boléro trữ tình, hay đôi ba làn điệu dân ca Nam bộ, vài câu ca vọng cổ…


Sài Gòn luôn song song hai bức tranh trái ngược nhau nhưng bổ sung cho nhau. Đó là một Sài Gòn lam lũ, vất vả của những chiếc xe đẩy, những gánh hàng rong, bôn ba kiếm sống của những những người xa quê, tìm kế sinh nhai nơi vùng đất xa lạ mà thân thiện này. Đó là một Sài Gòn của rất nhiều cái “miễn phí” kiểu “tình cho không biếu không”: bánh mì miễn phí, nước uống miễn phí, trà đá miễn phí, sửa xe, sửa giày dép miễn phí, cơm miễn phí, thậm chí đến những ly cà phê cũng miễn phí. Sài gòn không phân biệt sang – hèn, giàu – nghèo; bước vào quán sang, ai cũng phải móc hầu bao như nhau, không có “luật trừ” cho người nghèo, kẻ hèn; ngồi xuống quán cóc thì ai cũng phải trả một số tiền bằng nhau. Nhưng, dù là bôn ba, vất vả, hay sang hèn, giàu kém, Sài Gòn chưa bao giờ ngừng tiếng nhạc, câu hát. Người ta có thể dễ dàng làm quen nhau, rồi lại trở thành những người bạn bất chợt của nhau vì một tiếng đàn của ai đó vang lên nơi một quán nhậu, hay tiệm tóc. Hoặc vì một giọng hát truyền cảm tài tử của một thiếu nữ duyên dáng đâu đây, một quý bà xồn xồn vừa ăn vừa ngâm nga một cách “rất Sài Gòn”. Hay một anh chàng say men, si tình nào nơi một quán vỉa hè sau một ngày dầm dãi nắng mưa, cả đám đứa ôm đàn, kẻ cầm điện thoại hát… Tất cả đã làm nên một Sài Gòn về đêm không ngừng ca hát, chả ngớt tiếng đàn. Họ đơn giản lắm! Không màu mè, chẳng vòng vo, ít chém gió và đầy thân thiện.
Lại có một Sài Gòn ca hát khác, đó là sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đường phố của những sinh viên, những người trẻ thích tụ tập tụm năm tụm ba. Tuy vẫn chỉ là tự phát với những nhóm nhỏ quây quần bên nhau nơi công viên, góc chung cư, hay phố đi bộ để đàn để hát cho nhau nghe. Một cách nào đó, họ góp vui cho Sài Gòn.


Có vẻ bài bản hơn, đó là các chương trình giao lưu âm nhạc, hay truyền hình thực tế của các trường âm nhạc, đài truyền hình, như: “Khởi đầu ước mơ”, “Kỳ tài thách đấu”, “Kỳ phùng địch thủ”, “Vũ công ngôi sao”,… các buổi hòa nhạc concerto tại nhạc viện hay tại các trường nhạc, trường nghệ thuật sân khấu thành phố liên kết, giao lưu với các đoàn nghệ thuật quốc tế, chật cả khán phòng, mang đến một không gian âm nhạc và nghệ thuật đẳng cấp, tinh tế phản ảnh một gương mặt khác của “Sài Gòn không thể thiếu âm nhạc”. Sài Gòn là thị trường giải trí sôi động hơn, nên cơ hội cho các nghệ sỹ ở đó cũng lớn hơn. Bởi vậy, nhiều người đã thành công ở nơi được xem là đất lành cho ngành nghệ thuật giải trí.
Sài Gòn karaoke gia đình cũng từng bước bước nhường chỗ cho tiếng piano lãng mạn, tiếng violon du dương, tiếng guitar trữ tình, tiếng thanh nhạc bay bỗng bởi những đứa trẻ độ tuổi học trò đang luyện tập tại nhà vào mỗi buổi tối sau giờ học ở nhạc viện, lớp học đàn, hay giáo viên kèm tại gia. Có thể nói, thời gian gần đây, một phần Sài Gòn đang bước vào giai đoạn “quay ngược thời gian”: tự học, tự đàn, tự hát một cách “có tư duy” mà không lệ thuộc vào một “format” định sẵn như karaoke; trong đó sự đóng góp rất phải kể đến chính là các bậc phụ huynh, dù không quá dư dả hay thuộc hàng “con giòng cháu giống” âm nhạc, vẫn sẵn sàng tậu cho con mình những cây piano kha khá đắt tiền, những nàng violon đẳng cấp từ châu Âu, Nhật Bản, những cây guitar “thứ thiệt”.


Lại cũng có một Sài Gòn hát dạo từ những cô cậu miền Tây mưa sinh xa nhà, bán kẹo kéo, kẹo cao su kèm khuyến mãi tại chỗ những ca khúc boléro trữ tình, đặc chất Nam bộ. Những chiếc loa tay kéo lê ngoài đường của những “ban nhạc kẹo kéo di động” đã từng bước xâm nhập vào vài con hẻm, sân chung cư, để những người hàng xóm thích ca, có thể đến hát với nhau bằng chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet “ba gờ” (3G)… Sài Gòn bây giờ, mấy thùng loa kéo kiểu ấy, đầy!
Sài Gòn không thể thiếu boléro, không ngừng hát và luôn có âm nhạc trong lòng, trong mỗi con đường, ngõ hẻm, góc chung cư. Có một đỗi, ai đó đã bình rằng, giới trẻ ngày nay mà nếu chỉ biết đến boléro là đang đi thụt lùi, làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, tựu trung phê phán lại nhận định ấy thì nhiều. Nhưng rồi người Sài Gòn rất mau quên. Người Sài Gòn rất phóng khoáng và luôn độ lượng, họ không nhớ nổi ai đã tông vào xe mình vào chiều nay, trước khi trời tối. Chỉ biết rằng, khi màn đêm buông xuống, Sài Gòn lại trổi tiếng nhạc, cất tiếng đàn, nhả lời ca và, không thể thiếu đi tiếng boléro. 


Sài Gòn ban ngày bụi bặm và kẹt xe. Nhưng Sài Gòn đẹp nhất về đêm. Lung linh trong ánh đèn vạn sắc, tựa một phiên bản của Paris tráng lệ. Một nhà Nam bộ học nào đó đã nói, Sài Gòn là nơi giao thoa định mệnh của đất trời. Những tiếng sấm sét của trời, gầm rú của biển, dạt dào của các dòng sông, tiếng ầm ầm từ các nhà máy, tiếng khói bụi của xe cộ, của đất, cùng với tiếng ra rích của mùa mưa, cái rát da của trời nắng, tất cả đã hòa thành một thứ âm thanh đẹp lạ: Tiếng đàn, câu hát cùng với những điệu nhạc boléro ngọt ngào, thấm và đẫm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước