Bài Xuân Quý Tỵ 2013 - Khoa học gia Trương Đình Hiển một đời nặng nợ với non sông




Tôi chỉ muốn thực hiện “Quyền được biết ơn”
Khoa học gia Trương Đình Hiển một đời nặng nợ với non sông

Khi nghe tôi chia sẻ ý định, người bạn vong niên đáng kính ấy thoáng chút suy tư, rồi khiêm hạ gật đầu. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy này, ông cũng muốn được nói vài lời với hậu thế ngõ hầu làm vơi bớt suy tư, nỗi lòng mà với ông, dù đã và hoàn toàn có quyền được an hưởng điền viên với các cháu nội ngoại, trách nhiệm đối với non sông vẫn như là một thuộc tính bất biến của ông.
Trần Xuân Thái

Khoa học gia TS. Trương Đình Hiển, chào đời vào mùa hè năm Tân Tỵ (24/8/1941) trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Hội An (Quảng Nam). Ông được thừa hưởng dòng máu của tổ tiên tộc Trương Đôn Hậu (Hội An), từ người cha Trương Đình Vinh, một học sinh giỏi của Trường Quốc Học, và người mẹ là người đẹp của Trường nữ sinh Đồng Khánh. Trương Đình Hiển là kết trái của tình yêu mà đôi “trai tài gái sắc” ấy đã mang đến cho đời, như một món quà qúy giá mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế.


Làm khoa học vì thực tiễn đất nước
Từ thuở nhỏ, cậu Hiển đã tỏ ra là một học sinh thông minh, sắc sảo, có bản lĩnh và quyết đoán tuy vẫn pha chút mơ mộng vì nhiều hoài bão.
Kháng chiến chống Pháp, Hiển theo cha mẹ vào vùng giải phóng Liên khu V. Sau năm 1954, cậu học sinh trường Lương Văn Chánh (Phú Yên) lặng lẽ theo cha mẹ tập kết ra Bắc và học ở trường học sinh miền Nam, sau đó về Hà Nội học tiếp trung học. Là một học sinh giỏi Lý với các phân tích sắc sảo làm nức lòng giới giáo chức lúc bấy giờ, Trương Đình Hiển đã không khó để lọt vào danh sách trúng tuyển Đại học Tổng hợp Hà Nội học chuyên ngành Vật lý, một trong những ĐH có tiếng của đất học Thăng Long lúc đó. Tại đây, cậu sinh viên tên Hiển đã quen và yêu người em gái có vẻ đẹp thùy mị, nết na và kín đáo đất Hà thành của anh bạn thân học cùng trường là Hoàng Phương Thảo, hậu duệ của Tổng đốc trung liệt Hà Ninh Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết khi bảo vệ thành Hà Nội trước quân Pháp (1882). Ngày họ thành thân với nhau, cũng là ngày Trương Đình Hiển bước chân vào Viện Nghiên cứu Biển Việt Nam, để rồi 2 năm sau, ông ra nước ngoài làm việc với tư cách chuyên gia tại Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc.
Sau khi trở về Việt Nam năm 1965, đến năm 1967 ông sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài “Cấu trúc cỡ trung bình của dòng chảy trong đại đương”, tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Trước khi thực hiện thành công đề tài này, NCS Trương Đình Hiển từng thực hiện đề tài “Giải bài toán phi tuyến về dòng chảy biển”. Vị GS hướng dẫn ông lúc bấy giờ là V.B. Stockman đã trao đổi: “Nếu đi theo hướng này, anh có thể trở thành một người nổi tiếng về mặt lý thuyết. Nhưng Việt Nam các bạn đang rất cần những nhà khoa học giỏi giải quyết các vấn đề thực tiễn”. Thật may mắn cho Trương Đình Hiển ngay từ những ngày ngày đầu học ở Liên Xô, ông đã gặp một người thầy vĩ đại tầm cỡ thế giới về động lực học biển. Cái vĩ đại ấy không chỉ ở phẩm chất khoa học uyên thâm, tấm lòng cao cả đối với người học trò nước ngoài của mình, mà sự vĩ đại và cao cả ấy còn tăng gấp bội khi hướng người học trò của mình biết lấy lợi ích dân tộc, lợi ích tối cao của đất nước làm lý tưởng, mục tiêu phấn đấu trong nghiên cứu khoa học của mình. Bởi, người thầy ấy tin, rất tin rằng, học trò của mình có thể sẽ trở thành nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng; nhưng ông muốn người học trò đó cần quay về thực tiễn đất nước để phục vụ đất nước. Và, bước ngoặt cuộc đời nghiên cứu khoa học của Khoa học gia về Động lực học biển và Công trình thềm lục địa, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Vật lý thuộc Viện KH&CN Việt Nam, TS. Trương Đình Hiển đã bắt đầu từ thời khắc quan trọng này.

Miền Trung và chiếc “đòn gánh thép”!
Tính đến cái Tết Quý Tỵ (2013) này, Khoa học gia Trương Đình Hiển tròn 72 năm chào đời, 50 năm tròn làm công tác nghiên cứu khoa học, theo hướng nghiên cứu “Dẫn dắt thực tiễn đất nước”, với 160 công trình nghiên cứu và phản biện trong và ngoài nước. Trong đó tập trung vào các nội dung: Lý thuyết mô hình hóa toán học; các quá trình hải dương; các nghiên cứu về thủy văn biển; công trình biển và công trình thềm lục địa; các quá trình ven bờ.
Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài của ông đã được sử dụng trong các sách quan trọng về hải dương học của Liên Xô, như quyển Vật lý hải dương của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (NXB Khoa học Mátxcơva 1978); quyển Các xoáy thời tiết trong đại dương. Đặc biệt, quyển Những thành tựu 50 năm Hải dương học Xô Viết, nhà khoa học Việt Nam duy nhất có công trình được đưa vào quyển sách chính là TS. Trương Đình Hiển. Tại Việt Nam, hầu hết các công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam trong nghiên cứu và trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đặc biệt các kết quả nghiên cứu đã và đang được ứng dụng rộng rãi để phát triển kinh tế xã hội ở dải đất miền Trung quê hương “chiếc đòn gánh tre nặng trĩu” (cách nói của ông – NV) của ông, và vùng ven biển, kinh tế biển. Đó là các công trình (cùng với các cộng sự): Cảng biển nước sâu (CBNS) và KCN Dung Quất – Ông là người đã phát hiện ra Dung Quất và tự dùng tiền túi để nghiên cứu nhằm chứng mình về tính khả thi và tính hiệu quả của cảng biển Dung Quất với các nhà lãnh đạo Việt Nam và các chuyên gia trong và ngoài nước; CBNS và KCN Chân Mây; CBNS và KCN Nhơn Hội tạo điều kiện cho Nhà nước Việt Nam đi đến quyết định thành lập Khu kinh tế biển miền Trung – tiền đề của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Sự liên minh giữa các tổ hợp các KKT biển này đã hình thành nên một “trục kinh tế biển hùng mạnh” với 15 KKT biển miền Trung, trở thành “hòn đá tảng” để phát triển kinh tế biển trong thế kỷ Việt Nam vươn ra biển lớn.
Trải qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn với chiều dài hàng mấy trăm năm trước đó là vùng đất của nắng và gió, của lũ lụt và giông bão, đói nghèo triển miên hàng nhiều thế hệ và gần như “bế tắc” con đường phát triển; thì ngày nay, miền Trung đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, con đường phát triển của miền Trung đã lộ diện. Đó là con đường phát triển đại công nghiệp đi kèm với du lịch, dịch vụ thông qua trục kinh tế biển đã được định hình. Hiện tại, các ngành công nghiệp nặng đang tập trung tại các KCN phức hợp miền Trung bao gồm: năng lượng, dầu khí, hóa dầu, VLXD, luyện cán thép, điện, công nghiệp chế tạo máy công cụ… Đặc biệt Quảng Ngãi, từ chỗ ngân sách của tỉnh chỉ có 160 tỷ đồng, giờ đây đã bước vào CLB 20.000 tỷ đồng và sắp tới sẽ còn vươn xa hơn nhiều.
Nhìn lại những bước thăng trầm của dải đất miền Trung, có thể thấy: Chiếc “đòn gánh tre” trĩu nặng ngày nào, đã trở thành “đòn gánh thép” trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Hơn thế, con đường CNH - HĐH cùng sự hội nhập với duyên hải miền Trung và tiểu vùng sông Mékong qua cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông Tâ (EWEC), sẽ đưa đến một Tây Nguyên giàu có về kinh tế, vững mạnh về chính trị và ANQP, và góp phần to lớn với duyên hải miền Trung tiến kịp 2 đầu của đất nước.

“Làm khoa học là phải biết chấp nhận thực tiễn đất nước!”
Nhà khoa học lão thành đã chia sẻ như vậy, khi tôi đặt vấn đề làm thế nào để thu hút chất xám Việt kiều đóng góp xây dựng và phát triển đất nước. Bởi theo ông, nếu khoa học chịu đi theo sự dẫn dắt và tiếp cận với thực tiễn đất nước, chắc chắn sẽ đạt được những thành quả, hiệu quả tích cực và to lớn.
Tôi cố thưởng thức hết mùi vị những giọt cà phê cuối cùng khi được ngồi đàm đạo cùng ông cùng ông, rồi nhẩm tính: 160 công trình nghiên cứu và phản biện khoa học cho 50 làm nghiên cứu, trung bình mỗi năm ông cho “ra lò” 3,2 công trình. Một con số cực kỳ ấn tượng mà không nhiều người có thể làm được.
Ông làm hết lòng mà không màng chút danh lợi hay muốn được người khác tri ân. Còn nhớ, cách nay hơn 2 năm vào giữa tháng 11/2010, ông nhận được tin báo có một Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi kiểm tra các thông tin liên quan, nhận thấy còn một số vấn đề chưa ổn và thiếu minh bạch trong thủ tục, ông đã gửi thư từ chối thẳng với lý do: Thành tích được nêu trong bằng khen hoàn toàn không đúng sự thật. Bởi ông thừa biết trước đó, trong danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 cho công trình “Nghiên cứu, khảo sát lập dự án chọn địa điểm CBNS và KCN Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi”, chỉ toàn những cái tên hết sức xa lạ, trong khi tác giả chính của nó cùng các cộng sự lại hoàn toàn không được nhắc đến, dù chỉ một từ! Và, có thể đây là một động tác “vớt vát” lại cho cái quy trình xét thưởng kỳ quặc ấy chăng?
Thoáng chút suy tư, ông chợt nhỏ giọng: “Mình đến cuối đời vẫn chưa được yên, vẫn còn thấy nhiều việc phải làm; bởi vì sự phát triển của đất nước là vô tận song sức lực của con người thì có giới hạn. Tuổi già đã “nhẫn tâm” giành lấy mọi nỗ lực còn lại của con người”. Giọng ông nghẹn lại, chùn xuống… Rồi lão khoa học gia thổn thức: Con người từ khi sinh ra, trưởng thành và cho đến ngày ra đi, ai cũng trải qua công sinh thành và nuôi dưỡng của mẹ cha, sự giúp đỡ to lớn của mọi người. Bất kỳ sự thành công nào cũng không thoát khỏi những công ơn to lớn ấy. Và cuộc đời tôi đã làm tất cả chỉ muốn để thực hiện một quyền không thể thiếu được, đó là “Quyền được biết ơn”!

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam, số đặc biệt Xuân Quý Tỵ 2013)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tết Tân Sửu 2021: Rạch Miễu - Hành trình trăm năm nối đôi bờ sông Tiền

Từ luồng Soài Rạp, lật lại hồ sơ dự án khu kinh tế biển Gò Gia (TP.HCM)