TP.HCM TIẾN RA BIỂN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TP.HCM TIẾN RA BIỂN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Dự án khu kinh tế biển Gò Gia – Cần Giờ bao giờ thành hiện thực?


Hiện nay, trên cả nước đã có 20 khu kinh tế biển (KKTB) được thành lâp. Tp.HCM là thành phố cảng song cho đến nay vẫn chưa có một KKTB nào được đưa vào quy hoạch. Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc khẩn trương triển khai quy hoạch KKTB tại Cần Giờ mà vị trí được chọn là Gò Gia là rất cần thiết, thậm chí đã rất trễ.


Theo Quy hoạch xây dựng Tp.HCM đến năm 2025, TP sẽ phát triển thêm không gian đô thị ra cả 4 hướng: Đông, Bắc, Tây, Nam; trong đó, hướng Nam - hướng ra biển, được xác định là một trong những hướng chủ lực.
Dự án kéo dài… một phần tư thế kỷ!
Tiến về phía biển, Tp.HCM có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế biển: cảng biển, các dịch vụ logistic… đi kèm. Một hoạt động kinh tế đã góp phần quan trọng hình thành nên một Sài Gòn – Tp.HCM từ hơn 100 năm qua và hiện cũng đang đóng góp một phần rất lớn trong tổng nguồn thu ngân sách của thành phố.
Từ năm 1990, một dự án nghiên cứu sơ bộ về khu vực Gò Gia – Giồng Chùa (thuộc huyện Cần Giờ), do TS. Trương Đình Hiển, Chuyên gia về Động lực học biển và công trình thềm lục địa, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Vật lý Tp.HCM (Viện KH&CN, nay là Viện Hàn lâm KH&CN) thực hiện, đã đưa ra kết luận: Khu vực Gò Gia – Giồng Chùa có đầy đủ các yếu tố tự nhiên thích hợp để xây dựng một cụm kinh tế biển, một cảng biển nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế: đọ sâu thấp nhất là 18 mét, tối đa 46 mét (độ sâu cực kỳ lý tưởng), chiều rộng trung bình từ 500 mét đến 1.500 mét, đạt chuẩn cho tàu 100.000 tấn lưu thông và cập cảng.
Đến năm 2002, một dự án nghiên cứu về cảng biển nước sâu kết hợp KCN phức hợp Gò Gia được “tái khởi động”, do TS. Trương Đình Hiển chủ trì cùng với các cộng sự là TS. Bùi Quốc Nghĩa, Chuyên gia về Động lực học biển và công trình biển, và ThS. Trần Văn Sâm, Viện Vật lý Tp.HCM. Đề tài nghiên cứu này cũng khẳng định, khu vực Gò Gia là địa điểm duy nhất và tốt nhất để Tp.HCM có thể triển khai xây dựng một cảng biển nước sâu và KCN phức hợp. Năm 2007, một Chương trình nghiên cứu tổng hợp về phát triển thương mại-công nghiệp-kinh tế-xã hội-môi trường tại Tp.HCM, do PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, bấy giờ là Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Tp.HCM chủ trì cùng với các cộng sự (nhóm của TS. Trương Đình Hiển và cộng sự nghiên cứu về thủy văn và động lực biển); trong có có đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để lựa chọn khu vực Gò Gia - Giồng Chùa (huyện Cần Giờ) làm địa điểm xây dựng quy hoạch cụm kinh tế biển Tp.HCM”. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu chung này, thì khu vực Gò Gia - Giồng Chùa nằm về phía đông bắc huyện Cần Giờ có những yếu tố thuận lợi như: toàn khu vực có diện tích khoảng hơn 8.000 ha (gấp 10 lần khu Thủ Thiêm, Q.2); cách trung tâm Tp.HCM 40 km, trung tâm Tp. Vũng Tàu 79 km, cách (dự án) sân bay Long 40 km, có các tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây,… Kết quả nghiên cứu khảo sát về địa chất công trình cho thấy có nguồn nước ngầm tại đây (nước ngọt) và rất thuận lợi để xây dựng các công trình bến cảng, kho bãi quy mô lớn. Ngoài ra, khu vực này bão và áp thấp nhiệt đới cũng ít xảy ra, mức độ nguy hiểm của động đất, khả năng xảy ra sóng thần là rất thấp.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án về một KKTB phức hợp kết hợp cảng biển nước sâu Gò Gia vẫn còn… nằm trên giấy!
Tái khởi động – Rất cần một ban chỉ đạo dự án
Gần đây, Lãnh đạo Tp.HCM đã có chủ trương tái khởi động Dự án KKTB Gò Gia – Giồng Chùa. Song được biết hiện vẫn đang gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai.



(Gò Gia nằm thuộc khu vực vùng đệm khu sinh quyển RNM Cần Giờ, trên tuyến Lòng Tàu - Gò Gia - Thị Vải, tựa lưng vào núi Giồng Chùa cao 10,1 mét)
Theo một số nhà khoa học tại Tp.HCM, thành phố hiện có một khối lượng tư liệu (cơ sỡ dữ liệu) khổng lồ về khu vực Gò Gia – Giồng Chùa (Cần Giờ) và vùng phụ cận nằm chủ yếu ở các đợn vị: Sở KH&CN, Sở TN&MT, các viện như Viện Nghiên cứu và phát triển (HIDS), các viện khác của TP, của TƯ đóng tại TP, các trường ĐH… Do sự phân bố dữ liệu khoa học và lực lượng nghiên cứu “rải rác” như vậy nên TP cần thiết tập hợp lại tất cả các lực lượng này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo TP, như thành lập một ban chỉ đạo dự án gồm các nhà khoa học đầu ngành, đầu viện do UBND TP lãnh đạo chung. Điều này nhằm khai thác triệt để các số liệu hiện có, cũng như sẽ khảo sát bổ sung những số liệu còn thiếu. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều quỹ thời gian, kinh phí cho ngân sách TP; từ đó hình thành một ban nghiên cứu quy hoạch tổng thể (dự án tiền khả thi) Dự án KKTB Gò Gia – Giồng Chùa, trình Chính phủ để đưa vào quy hoạch chung.
Nếu được Chính phủ thông qua giai đoạn tiền khả thi, ban chỉ đạo dự án có thể sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học mở rộng với lực lượng tham gia là tất cả các lực lượng khoa học và chuyên gia có liên quan đến lĩnh vực, đặc biệt là các chuyên gia có kinh nghiệm, từng chủ trì, nghiên cứu và triển khai thành công các KKTB hiện tại trong cả nước. Các ý kiến được tổng hợp lại, cùng với chủ trương chung của Lãnh đạo TP để làm cơ sở triển khai lập dự án khả thi như lập quy hoạch chi tiết,… và trình Chính phủ duyệt để chuẩn bị cho giai đoạn sau cùng là lập dự án thiết kế thi công.
Đó là các bước cần có của một dự án nhất là dự án lớn như Dự án KKTB – cảng biển nước sâu Gò Gia. Tp.HCM là trung tâm kinh tế và khoa học kỹ thuật của cả nước, với một lực lượng hùng hậu các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu. Dự án Gò Gia lại là một dự án lớn nên rất cần thiết huy động các nguồn lực từ các nhà khoa học, các cơ sở khoa học và thành lập một Ban chỉ đạo dự án dưới sự lãnh đạo trực tiếp của UBND TP mới hy vọng dự án này sớm trở thành hiện thực một cách hoàn thiện. Bởi, “với những yếu tố thuận lợi như vậy, cần phải sớm tận dụng thời cơ cho khu vực Gò Gia - Giồng Chùa”. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn đã từng khẳng định từ năm 2007, để Tp.HCM tiến nhanh, tiến mạnh ra biển.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 5/6/2015)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài