Nhà báo làm báo với mạng xã hội



Viết cho ngày 21-6

Nhà báo làm báo với mạng xã hội
Mạng xã hội làm tăng tính đối thoại của báo chí?

Mạng xã hội đã buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi cách suy nghĩ từ làm báo một chiều sang đối thoại hai chiều với độc giả. Đây là ý kiến thể hiện quan điểm của một vị lãnh đạo cấp cao thuộc Bộ TT&TT tại một hội thảo có chủ đề “Mạng xã hội và báo chí” tổ chức cách nay không lâu. Điều này có thể hiểu, cho đến thời điểm hiện nay, nhà báo không còn độc quyền cung cấp và phân phối thông tin nữa mà mạng xã hội đã trở thành một môi trường cung cấp, truyền bá và tương tác thông tin rất nhanh.
Xuân Nghi

Theo website chuyên nghiên cứu về thị trường We Are Social có trụ sở tại Singapore (http://www.wearesocial.sg), tính đến tháng 3/2015, tại Việt Nam có tới 45% dân số dùng Internet, tức khoảng 41 triệu người. Trong đó, có khoảng 30 triệu người dùng các mạng xã hội và số người đang dùng các mạng này trên di động ước 26 triệu người (trong số trên 128 triệu thuê bao di động).

Mạng xã hội ngày càng gần gũi với độc giả
Từ thống kê trên, có thể dễ dàng tính ra, người Việt Nam tốn tới hơn 5 tiếng mỗi ngày để lên mạng đối với người dùng máy tính, và gần 3 tiếng với người dùng các thiết bị di động. Trung bình một người Việt Nam truy cập vào các trang mạng xã hội trong ngày là 2 giờ đồng hồ.
Số người truy cập vào các trang mạng xã hội, có người chỉ để tìm kiếm, bổ sung các thông tin đang được cập nhật từng giờ, từng phút thậm chí là từng giây trên mạng xã hội, một lợi thế khó có một tờ báo nào có thể có được, kể cả báo mạng. Cũng có người lên mạng xã hội để viết, để chia sẻ những thông tin mà mình, bằng cách này cách khác, nguồn này nguồn khác, có được đến với bạn bè trên cộng đồng mạng, mà “thuật ngữ” thông dụng ngày nay vẫn thường gọi bằng một cái tên khá ấn tượng, “nhà báo công dân”.

            (Các phương tiện nghe nhìn hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính bảng,... được dùng để đọc tin trên mạng mọi lúc mọi nơi - Ảnh: BBC News)

“Tôi vừa thấy một đám cháy xuất phát tại địa chỉ… Tôi vô tình đi ngang qua và muốn chia sẻ thông tin cho những ai quan tâm…”; “Có một vụ đụng xe kinh hoàng vừa xảy ra tức thì trên xa lộ Đại Hàn đoạn gần ngã tư…”,… Những mẩu tin ngắn ngủi được viết vội trên một “Status” của một nhà báo công dân có tài khoản trên một mạng xã hội thông dụng như vậy, không khó để tìm đọc, và dĩ nhiên ngay lập tức chúng gây sự chú ý cho nhiều người, ảo cũng như thật, trong số đó có không ít các phóng viên đã nhanh chân xác minh địa điểm mà một ai đó vừa loan. Và chỉ ít phút sau, các thông tin chính thức về một vụ đụng xe, về một vụ hỏa hoàn đã… tràn ngập trên các báo mạng. Chính những “nhà báo công dân” đã góp phần không nhỏ cho sự nhanh nhạy cho các “nhà báo công nhân” của báo chí chính thống. Điều này, xã hội thừa nhận, các nhà quản lý báo chí đã thừa nhận. Cánh báo giới đã thừa nhận.

Nhà báo với mạng xã hội
Ngày nay, đa phần các nhà báo (kể cả phóng viên tòa soạn và nhà báo tự do) đều có ít nhất một tài khoản trên một mạng xã hội, cả mạng quốc tế và mạng trong nước. Và có thể khẳng định rằng, ít nhất một lần các “nhà báo chính thống” đã khai thác thông tin, viết bài cung cấp cho độc giả từ một nguồn tin từ mạng xã hội, của đồng nghiệp hay của các “nhà báo công dân”.
Người viết bài này cũng có tài khoản trên một vài mạng xã hội, và vài lần cũng được đồng nghiệp “đánh tiếng” đề nghị được khai thác lại thông tin đã được viết trên trang cá nhân của mình; thậm chí có đề nghị xin được “bê nguyên xi” nội dung được viết trên status ấy vào báo mạng của mình. Ngày nay, việc đó không hiếm và hầu như được xem là bình thường; bởi mạng xã hội đã được xem là một kênh thông tin nhanh nhạy, gần gũi và tương tác khá tốt với độc giả, với những người dùng với nhau, trong đó có cánh báo chí.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, người làm báo có thái độ như thế nào đối với các thông tin tiếp nhận được từ mạng xã hội, hay từ những nhà báo công dân? Một chuyên gia về báo chí tại châu Âu, bà Annelie Ewers, Giám đốc Học viện Đào tạo báo chí nâng cao Thụy Điển, cho rằng sự phát triển nhanh của công nghệ chỉ là phương tiện cho mạng xã hội, còn báo chí phải có trách nhiệm cung cấp nội dung đáng tin cậy cho mạng xã hội. “Thông tin trên mạng nhanh nhưng không bảo đảm chính xác và nhiều chiều. Nhà báo sử dụng thông tin trên mạng phải kiểm chứng nguồn tin, bảo vệ sự thật và lôi cuốn công dân vào quá trình làm tin, thậm chí làm điều tra”, bà Annelie nói.

     (Các sạp báo một thời tấp nập người mua nay chỉ thấy người bán ngồi đọc báo giấy - Ảnh: Thùy Sinh - nld.com.vn)

Không ít trường hợp “dở khóc dở cười”, khi một nhà báo vì quá nhanh nhẹn và nhiệt thành, đã chưa kịp kiểm chứng thông tin trên một mạng xã hội vừa đọc được nên “bê nguyên xi” lên báo (báo mạng) nhà mình. Người chịu trách nhiệm duyệt đăng bài của tòa soạn, vì áp lực thông tin và thời hiệu thông tin, cũng chưa kịp “đối chất” với phóng viên, đã vội vàng… cho chạy bài. Đến khi lỡ chuyện, thì là… tin vịt! Độc giả rối lên, vì chẳng biết tin vào ai, tin chỗ nào…
Tác động qua lai, cạnh tranh, tương tác và tận dụng lẫn nhau là những đặc tính chủ yếu trong mối quan hệ tác động giữa báo chí và mạng xã hội. Ngày nay, khi các phương tiện truyền thông và mạng xã hội phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt, nhà báo càng cần phải năng động hơn, nhạy bén hơn trong việc cung cấp thông tin cho độc giả. Có một danh nhân đã nói “Khi một phần trăm là sự giả dối, 99% chân lý sẽ bị nghi ngờ”. Nếu nhà báo có chút sơ xuất trong việc cung cấp thông tin cho độc giả, mạng xã hội sẽ “mặc nhiên” trở thành kênh thông tin thay thế cho độc giả!

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam, số đặc biệt ngày 19/6/2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước