Phỏng vấn GSTS Dương Nguyên Vũ



Thực tiễn hóa mô hình hợp tác giữa DN và trường ĐH
để đưa tri thức vào thực tiễn
P/v GSTS. Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Trung tâm Xuất sắc John von Neumann ĐHQG Tp.HCM
(NB. Xuân Thái - Thời báo Kinh tế Việt Nam thực hiện)
Trở về Việt Nam khi đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp tại châu Âu và đặc biệt tại Paris – Kinh đô của Ánh sáng, nơi ông đã từng làm rạng danh dân tộc Việt – với GS. Dương Nguyên Vũ không những không hề là một điều gì lạ lùng, mà chính là thời điểm để cống hiến tốt nhất và nhiều nhất cho nước nhà. Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GSTS. Dương Nguyên Vũ về những hoạt động của ông tại Việt Nam.


- Thưa Giáo sư. Không phải là đã “quá cũ” để có thể “làm nóng” lại câu chuyện hồi hương của GS. Bởi vì, việc trở về Tổ quốc của GS trong khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp tại Paris và EU vẫn đang là một vấn đề thời sự?

Theo tôi nghĩ, khi nào Tổ quốc vẫn còn cần các cánh tay và khối óc của những con dân Việt thì câu chuyện này vẫn còn là một vấn đề thời sự. Câu chuyện của riêng tôi có lẽ đã cũ nhưng với các nhà KH trẻ hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, thì đây là một bài toán để suy ngẫm. Bởi lúc mình đang ở đỉnh cao của sự nghiệp chính là lúc mình có nhiều khả năng đóng góp nhất – với các mối liên hệ trong mạng lưới KH và uy tín của mình trong đỉnh cao.
Và khi sự đóng góp của mình càng hiệu quả thì niềm say mê của mình càng tăng thêm, niềm vui càng vượt trội. Hơn nữa, hiện nay các cơ chế khuyến khích và cho phép các nhà KH và chuyên gia về tham gia đóng góp mà không bắt buộc phải trở về toàn thời gian tại VN thì việc trở về trong đỉnh cao của sự nghiệp chính là một vấn đề thời sự cần được hâm nóng hơn nữa.

- Môi trường làm việc tại VN hiện tại (hạ tầng, cơ chế…), chắc chắn không thể sánh được với các quốc gia tiên tiến như Pháp và EU, nơi mà GS từng được thể hiện và làm rạng danh dân tộc Việt. Về VN chắc phải là một quyết định hết sức khó khăn? Và khi trở về quê hương, GS có gặp phải “trở ngại” nào trong công tác nghiên cứu và làm khoa học? GS “chấp nhận” hay cố gắng làm thay đổi nó?

Hồi đầu năm học 2012 - 2013, tôi được mời nói chuyện và giao lưu với các tân SV của ĐHQG Tp.HCM trong một buổi Khai khoá, và có bạn cũng hỏi tôi tại sao tôi có thể bỏ môi trường tốt nhất để làm KH mà về VN với tất cả các thiếu thốn và khó khăn? Câu trả lời của tôi là “Nếu thấy khó và thiếu thốn mà mình quay lưng thì ai sẽ làm cho môi trường đó trở thành tốt hơn? Chính cái làm trong tất cả sự thiếu thốn đó mình mới chứng minh được bản lĩnh của mình”.
Có sống “trong ruột” mới hiểu sâu sắc câu chuyện này: Từ một môi trường mà tôi có các điều kiện tài chính và vật lực tốt nhất để làm KH; và việc trở về lãnh nhiệm vụ tại Trung tâm Xuất sắc John von Neumann đúng lúc Nhà nước xiết chặt chi tiêu công để chống lạm phát mà hệ quả là chúng tôi “phải trải chiếu mà ngồi làm việc”, không máy móc, phải đi mượn bàn học để làm lớp cho SV… Lúc đó mới thấm thía cái khó. Rồi nữa, các cơ chế quản lý nhà nước về các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách thật là ngặt nghèo, bởi nó khống chế các khả năng sáng tạo cần thiết trong nghiên cứu KH. Nói thật, nhiều khi nó làm cho mình nản chí; song có một điều tôi biết chắc chắn là: quyết định trở về của mình là một quyết định đúng và tôi không trăn trở vì điều đó.
May mắn là tôi được sự hỗ trợ rất lớn của các nhà KH trẻ từ nước ngoài trở về, và họ đã cùng tôi chia sẻ những khó khăn đó. Chính trong bối cảnh này, chúng tôi mạnh dạn mở con đường hợp tác với DN theo mô hình hợp tác “chiến lược mở”, theo đó đại học (ĐH) cùng tham gia với DN để đưa tri thức vào tham gia giải quyết các vấn đề của DN. Câu chuyện giữa chúng tôi với Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP Group) chính là một điển hình.


- Theo GS, sinh viên VN đang thiếu những gì và cần được hỗ trợ những gì? Có thể cần có một khoảng thời gian (định lượng) như thế nào để SVVN có thể có được những kỹ năng cần thiết?
Trở về giảng dạy tại VN từ 1998 và được hướng dẫn khá nhiều NCS tiến sĩ người VN và hơn nữa, từ 2006 tôi được giao trọng trách về học thuật cho chương trình tiên tiến về CNTT tại trường ĐH KHTN Tp.HCM, nên tôi có may mắn được thấy sự thay đổi của SVVN từ nhiều năm nay, từ cái khát khoa kiến thức tiên tiến ở những năm 90 cho đến cái khát khao làm ra giá trị cho xã hội từ những năm gần đây.
Điều rõ rệt là SVVN thật ra có rất nhiều tiềm năng, và gần đây một kỹ sư của Google, ông Neil Fraser có k về việc nhóm HSVN đang học lớp 11 có thể vượt qua nhiều phần khó khăn nhất về tin học trong cuộc phỏng vấn của Google mà không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên các bạn này còn cần rất nhiều kỹ năng để có thể đạt được sự thành công nhất định.
Theo tôi, các kỹ năng tư duy phê phán và độc lập; sự tự tin – nguồn gốc của sáng tạo và các kỹ năng trình bày trước đám đông rất cần thiết và các môn k năng này cần được đưa vào chương trình ĐH (thậm chí từ bậc PTTH). Hoài bão của tôi là qua những gì chúng tôi làm cho các SVVN, sự thành công của họ sẽ sớm đóng góp cho ĐHQG Tp.HCM trở thành một ĐH hàng đầu của vùng và của châu Á.

- Không chỉ lãnh đạo TTXS JVN đầu tiên của VN tại ĐHQG Tp.HCM, GS còn đang đảm trách làm Chủ nhiệm Chương trình huấn luyện kỹ năng lãnh đạo và quản lý THP-LMTP (THP Group). GS đang thực tiễn hóa một trong các hoạt động của mình?

Đây là một công việc trong mô hình hợp tác DN và ĐH như tôi đã nói ở trên. Trong hợp tác này, ĐH đem tri thức vào hỗ trợ cho DN trong các lãnh vực mà họ có nhu cầu.
Thật ra còn nhiều hoạt động “thực tiễn hoá” nữa, thí dụ cùng với GS. Ngô Bảo Châu và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, chúng tôi đang tổ chức một diễn đàn hội tụ các nhà chuyên gia về tài chính, các nhà khoa học về toán, tài chính định lượng, và kinh tế - trong nước và ngoài nước – cùng tham gia thảo luận về một hướng đi tốt nhất về thị trường tài chính phái sinh cho VN với hy vọng đây sẽ là một động cơ để thúc đẩy thêm cho sự trở dậy của kinh tế VN.

- Nhưng vì sao lại chọn “đối tác” là THP Group mà không phải là một đơn vị khác vốn cũng đang cần sự hợp tác này? Hay đây chỉ là một sự ngẫu hứng khoa học của GS?

Việc này thật ra là tâm huyết chứ không ngẫu hứng. Chúng tôi muốn tìm đường ra, giải quyết các cơ chế tài chính và nghiên cứu cho các nhà KH nên mạnh dạn đề xuất mô hình hợp tác chiến lược mở giửa ĐH và DN. Chúng tôi có may mắn “gặp” được TS. Trần Quí Thanh, TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát là người có tầm nhìn và tâm huyết, cùng chia sẻ với các hướng đi của chúng tôi và quyết tâm là tập đoàn tiên phong trong mô hình này. Nói thật, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với các DN để trin khai mô hình này, trước khi “gặp” được Tân Hiệp Phát của TS. Trần Quí Thanh.

Box:

GSTS. Dương Nguyên Vũ là một chuyên gia CNTT nổi tiếng trong giới hàng không thế giới. Ông từng là Cố vấn khoa học cấp cao kiêm Chủ nhiệm HĐKH tại Trung tâm Nghiên cứu về không lưu của châu Âu - Eurocontrol, gồm 37 quốc gia thành viên.  GS Vũ còn là GS tại Trường Telecom-ParisTech và EPHE Sorbonne (Pháp) và là Giám đốc của phòng thí nghiệm KH tại trường này. Ông về VN và sáng  lập Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (JVN) thuộc ĐHQG Tp.HCM, đầu tiên tại VN với các lãnh vực Toán ứng dụng, KH hệ thống, KH tri thức và CNTT, theo mô hình các TTSX trên thế giới”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài