Tản mạn nhân ngày "cúng cơm nghề" 21.6 (2012)






Nhật ký viết cho người cầm bút

…Rồi tôi chợt nhớ ra: mình vẫn còn mấy quyển nhật ký viết dở quăng đâu đấy ở một góc xó xỉnh nào đó trong căn phòng chật hẹp. Tôi đi lục tìm lại mấy trang giấy nhàu nát và chép lại những những dòng lưu ức vội vàng trong quãng thời gian tôi sống và trải nghiệm với nó: nghề làm báo.
CẨM TÚ
Ngày… tháng… năm…
Ngày đầu tiên bước vào nghề làm báo. Một ngày thật kỷ niệm, vì tôi được giao chỉ mỗi nhiệm vụ đọc hết các tờ báo được phát hành ngày hôm đó có tại tòa soạn, rồi ghi ra giấy những thông tin mình cho là điểm nhấn trong ngày, nộp cho sếp. Vậy mà mình lại được sếp khen là “ít ra cũng biết được điểm báo là gì”. Mừng muốn chết.


Ngày.., tháng… năm…
Thấm thoát mà đã hai năm làm báo rồi nhỉ! Đêm nay tôi tỉnh táo đôi chút sau gần hết một ngày ngủ bù do phải thức suốt thâu đêm với ba người đồng nghiệp bên báo bạn tại một CLB “hộp đêm” trên đường Nguyễn Thông, quận 3. Tôi đâu có quen với cảnh ăn chơi hiphop, đua đòi, nhảy múa ăn nhậu suốt thâu đêm như thế này. Nhóm bọn tôi đêm qua phối hợp, mỗi người một việc theo sự tự phân công với nhau, “đột nhập” vào thế giới ăn chơi của giới trẻ Sài Gòn để “sưu tầm” tư liệu viết loạt bài “Sài Gòn by night”. Bốn đứa tôi vừa bước vào, lập tức các em chân dài lao tới: “Các anh đặt chỗ chưa ạ?”, “Các anh có đi với bạn gái không vậy?”, “Các anh ngồi gần quầy tụi em nhé!”… làm bọn tôi cuống cả lên. Cuối cùng cũng tìm được một chỗ tệ nhất trong góc khuất tận cùng, gần cửa toilette nhằm tránh sự “nhòm ngó” của cánh người đẹp đang sẵn sàng mời khách cụng ly đốp chát hoặc khiêu vũ lambada. Một cô chân dài tiến lại hỏi: “Dạ, các anh dùng Johnnie Walker, Hennessy, Martell, Rémy Martell hay cocktail Téquilla ạ?”. Cả bốn thằng nhìn nhau, rồi không hẹn mà gặp đồng thanh đáp: “Cho 4 chai bia Sài Gòn đỏ”. Vậy là cô chân dài nguýt một cái rồi biến mất vào trong hậu trường. Ngồi tận góc khuất đó, tôi có dịp quan sát toàn bộ hoạt động của CLB cùng những cảnh ăn chơi trác táng, thác loạn của giới trẻ hip hop Sài Gòn. Khổ nỗi, lúc gần sáng, một cô đồng nghiệp Báo Phụ nữ thành phố đi cùng, vì không chống cự nổi với cơn buồn ngủ, đã gục trên người tôi, trong lúc một cô chân dài tiến về phía tôi và nói như ra lệnh: “Anh, uống với em đi!”. Rồi cô ta chỉa cái ly whisky về phía tôi. Tôi khổ sở quá, cứ thụt dần thụt dần về phía sau để tránh sự “tiệm tiến” của người đẹp chân dài. Hai nhà báo kia thì nhìn tôi với ánh mắt thương hại mà… “bất lực”, còn cô đồng nghiệp nọ thì đang dài giấc trên đùi của tôi. Bất chợt, “Rầm!”. Chiếc ghế nhựa lùn tệ hại (hình phạt cho kẻ ngồi góc khuất) của tôi, vì phải xê dịch dần ra phía sau, vấp phải bậc thềm thấp của cánh cửa toilette, đổ nhào. Cánh cửa nhà vệ sinh bị xô ngã. Cả 2 đứa tôi té lăn đùng vào toilette trong sự xấu hỗ đến tận cùng. Cả một góc CLB nhốn nháo, đèn bật sáng, tôi đang “miễn cưỡng” ôm ghì cô đồng nghiệp. Chả ai hiểu tích sự gì cả. Bọn tôi thì nín thin thít, chỉ ôm bụng cười ngặt nghẽo khi ra về. Lúc ấy đã là 5 giờ sáng.


Ngày… tháng… năm…
Vậy mà đã hơn mười năm trôi qua. Sáng nay, nhà báo V.H., Báo Phụ nữ Việt Nam đã kể cho tôi nghe một câu chuyện mà anh ấy cho là “kỷ niệm nhớ đời”. Tôi muốn ghi lại vào nhật ký để làm kỷ niệm cho mình. Nhà báo V.H. kể:
“Đó là đêm đầu tiên tôi về Trà Vinh để viết loạt phóng sự về đời sống nữ thanh niên nông thôn. Đêm vùng sâu đổ xuống rất nhanh. Mới hơn 8 giờ tối đã vắng tanh, im ắng lạ thường. Một mình tôi ngồi trong quán cà phê “cóc” bên vệ đường làng để “khai thác” chuyện cô hàng cà phê. Chuẩn bị về phòng trọ nghỉ, bỗng nghe tiếng đấm đá huỳnh huỵch, tiếng phụ nữ kêu khóc, tôi vội chạy sang. Lách qua khe cửa khép hờ, tôi xông vào nhà, nơi một người đàn ông đang túm tóc cô vợ dúi xuống đất. Thấy người lạ xuất hiện, anh chồng xông tới, miệng sặc sụa hơi rượu, vè sừng sộ. Người vợ vùng chạy ra cửa. Anh ta định đuổi theo, nhưng tôi kịp chặn lại. Một cú đấm vung thẳng vào mặt, tôi kịp né, anh ta loạng choạng ngã dúi xuống nền nhà. Đỡ anh ta dậy, tôi nói là phóng viên của Báo Phụ nữ Việt Nam, anh ta khựng ngay lại, không còn hung hăng như trước, chịu ngồi yên để tôi… “thưa chuyện”. Theo lời anh ta, nguyên do của trận đòn là vì cô  vợ “không chịu đẻ”! Dùng lý lẽ phân tích mãi, anh ta vẫn không chịu nghe. Cuối cùng, tôi đành “giở chiêu”, mời anh ta đi… uống rượu tiếp. Anh ta lập tức đứng dậy, lôi trong góc bếp ra chai rượu, lại còn nướng khô cá sặc thơm nức. Từ chén rượu đầu tiên, anh ta đã tỏ ra ngoan ngoãn hẳn. Đến đoạn tôi dọa: “Ông còn say rượu về đánh vợ, là cô ấy bỏ đi đấy!”, anh ta tái mặt, nhờ đi tìm vợ về. Hóa ra ở vùng này, nhiều đức ông chồng chỉ biết ăn nhậu, không lo làm lụng. Mọi chuyện từ kiếm sống đến việc nhà đều nhờ tay vợ. Từ đó, anh ta không đánh vợ nữa. Cách đây gần một tháng còn gọi điện hớn hở khoe “Vợ em nó có bầu rồi”…


Ngày… tháng… năm…
Hôm nay, đúng là ngày “đại hạn” của tôi. Một “tai nạn nghề nghiệp” thì đúng hơn.
Phường Tân Thành, quận Tân Phú có một khu vực mà dân địa phương quen gọi là “làng châu Phi”. Chỉ có một một đoạn đường ngắn thôi, đã có cả trăm người châu Phi sinh sống và buôn bán mà khách của họ cũng toàn là người châu Phi. Khu vực này, nằm trên đường đi về hàng ngày của tôi, lại gần nơi tôi ở nên tôi quan sát khá kỹ lưỡng từ lâu, dò la tìm hiểu đường đi nước bước của họ từ lâu. Làng châu Phi này, theo người dân địa phương, không biết nói tiếng Việt, lại hay hung hăng khi có người lạ để ý. Vì đa phần là những người nhập cư bất hợp pháp hoặc đã hết hạn visa nhập cảnh, nên họ rất sợ báo chí, cảnh sát khu vực hay công an phường “chiếu cố”. Tôi ghi nhận hết tất cả những thông tin này để thủ thế và cảnh giác khi tiếp xúc với họ. Vì ưa thích “thám hiểm”, nên một nữ đồng nghiệp bên báo CAND đề nghị được cùng đi với tôi để hỗ trợ tác nghiệp cho nhau.


Chúng tôi quyết định gửi xe máy và đi bộ từ xa, và tiếp cận dần dần về phía làng châu Phi. Tôi muốn lân la làm quen để thu thập thông tin và chụp ảnh. Một người Nigéria vạm vỡ (sau này tôi biết anh ta là “trùm” của nhóm người này) tiến tới khi thấy tôi lân la. Tôi chào hỏi nhau bằng Anh ngữ khá lịch sự và thân thiện. Người đàn ông “khổng lồ” ấy hỏi tôi làm nghề gì. Tôi trả lời là tôi làm nhà báo. “Chết tôi rồi!”. Tôi cũng bất ngờ về sự “thành khẩn thành thật khai báo” của mình. Tôi tức tôi muốn chết, vì trước khi đi tôi đã dặn rất kỹ lưỡng cô đồng nghiệp là đi viết phóng sự điều tra nhớ đừng bao giờ khai ra mình là ai nhé. Càng giấu kín được càng tốt, chỉ có lợi mà thôi. Vậy mà tôi đã buột miệng!
Người đàn ông có nước da đen như cột nhà cháy ấy tiu nghỉu bỏ đi. Tôi đưa vội máy ảnh lên chụp mấy tấm. Cái máy ảnh của tôi vừa ria lên, lập tức khoảng độ mấy chục người da đen, lực lưỡng, mặt mày bặm trợn, người lo sợ, kẻ hung dữ từ trong các góc phố, các quán ăn, trong các căn nhà cho thuê nhào tới “bủa vây” chúng tôi. Họ toan tước máy ảnh của tôi, đề nghị tôi cho xem ảnh, và buộc chúng tôi phải xóa tất cả những tấm ảnh đã chụp. Tôi lý giải cách nào họ cũng không chịu nghe. Có một chi tiết làm tôi không nhịn cười được, đó là một anh chàng châu Phi nọ tưởng tôi không hiểu tiếng Anh, vì anh ta “ra lệnh” cho tôi phải xóa ảnh chụp mà tôi không làm theo yêu cầu anh ta. Bèn lấy chiếc điện thoại di động đang cầm tay, đưa lên cho tôi xem. Anh ta mở mục Messages (tin nhắn), rồi mở ra một tin nhắn bất kỳ có sẵn trong máy của mình. Tiếp tục bấm qua phần “Option” (lựa chọn) gồm “reply” (trả lời), “delete” (xóa), “edit” (sửa),… anh ta trỏ ngón tay vào dòng chữ “delete” rồi hô to: “Delete! Delete!” như thể muốn hỏi “Mày có hiểu không? Tao biểu xóa”…
Tôi quan sát thì cô đồng nghiệp đi theo tôi “biến” mất tiêu từ hồi nào. Cuối cùng, để thoát khỏi vòng vây, và để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, tôi buộc phải xóa hết mấy tấm ảnh hiếm hoi chụp được trong sự nuối tiếc đến… đứt cả ruột. Lúc ấy, cô phóng viên đi cùng mới từ đâu quay trở lại. Tôi hỏi: “Nãy giờ đi đâu? Sao không đưa máy ảnh lên chụp mấy tấm lúc tôi bị tấn công?”. Cô ấy run run đáp: “Em sợ muốn chết, chạy trốn nảy giờ”. Đúng là rõ khổ.


Ngày… tháng… năm…
Thắm thoát cũng đã hai năm nữa trôi qua rồi. Sáng nay lại một chuyện cười ra nước mắt của một đồng nghiệp. Chuyện xoay quanh một vụ kiện cáo về nhà đất của một độc giả tờ báo nọ. Phóng viên Đ.T. của một tờ báo thuộc LLVT là “nạn nhân” đau khổ bất đắc dĩ này.


Một cụ già tìm đến tòa soạn để trình bày “nỗi oan ức Thị Mầu” và gửi lại một lá đơn kêu cứu nhờ tòa báo giúp đưa ra công lý vụ tranh chấp nhà đất ngay tại căn nhà cụ đang ở. Sau khi tiếp nhận đơn, tòa soạn đã cử phóng viên Đ.T. đi tìm hiểu xác minh sự việc, hỗ trợ độc giả. Phóng viên này tìm đến địa chỉ nhà của cụ thì thấy căn nhà cấp 4 ộp ẹp nên cũng ngại bước vào. Sẵn ngay phía trước nhà có quán cà phê “cóc”, nên anh ta đề nghị ra quán ngồi nói chuyện cho tiện hơn. Vào quán, cụ già gọi ly cà phê đen, anh phóng viên này, theo thói quen, gọi ly cà phê sữa đá và mấy điếu thuốc lá 555. Phóng viên Đ.T. gọi tính tiền nhưng cụ già nhất định giành trả vì cho rằng như vậy mới đúng phép lịch sự. Sau khi về tòa soạn, tham khảo và đối chiếu các tài liệu, nhà báo Đ.T, nhận thấy không thể thực hiện được bài viết nên đã báo cáo lại lãnh đạo và gọi điện thông báo cho cụ già. Vậy là cụ ta đâm đơn kiện nhà báo Đ.T. Cụ đến tận tòa soạn và “tố cáo” phóng viên của tòa soạn đã “dám” uống cà phê sữa đá và hút thuốc 555 trong khi ông ta chỉ uống cà phê đen và hút thuốc rê, vậy mà không chịu viết bài?! Khổ nỗi, vì sự bức xúc thái quá của cụ già đáng thương kia mà anh chàng đồng nghiệp của tôi đã phải làm giải trình lên giải trình xuống đến những bốn lần cho lãnh đạo. Rút cụt, chuyện chẳng có gì.



Ngày… tháng… năm…
Chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày Nhà báo Việt Nam. Tôi điện thoại réo nhau vào quán cà phê Sỏi Đá đối diện Báo SGTT. Khu vực này, đi bộ một vòng chưa hết 10 phút mà có đến gần chục quán cà phê báo chí. Dân làm báo Sài Gòn sáng nào không ngồi một trong những quán này, thì “không phải dân nhà báo”. Không biết cái nhận xét này có đúng không, nhưng ít ra ngày nào tôi hay một trong chúng tôi không ghé vào, thấy thiếu thiếu cái gì đó khó chịu. Bình dân và ưa thích ồn ào thì có quán cà phê 53 góc Trần Quốc Thảo – Ngô Thời Nhiệm, nếu có hẹn “làm việc” với khách hay hẹn “phỏng vấn” với chuyên gia thì có cà phê 53bis Trần Quốc Thảo, cà phê Cảm Xúc đường Ngô Thời Nhiệm, đối diện Báo SGTT, yên tĩnh chút gọi là dễ giảm “xì trét”, hay có tâm sự riêng cần sự yên tĩnh thì vào sâu trong hẻm có Sỏi Đá, Khúc Ban Chiều,… Làng cà phê báo chí Sài Gòn đấy!


Nhóm bốn đứa: tôi, T.H., Đ.T., V.H., hàn thuyên hết buổi sáng, chủ đề xoay quanh là: tự chúc nhau ngày Nhà báo, trao đổi một vài công việc và thử đưa ra nhận xét cá nhân về nghề của mình. Mỗi người một ý. Người thì cho rằng làm báo phải có “máu”, có gan lì. Ý khác cho là phải chịu thương chịu khó, chịu cực chịu khổ. Người bảo nghề báo bạc bẽo lắm, dễ “chết” như chơi. Cũng có ý kiến cho là phải biết lăn xả. Cái nào nghe cũng hợp lý và đúng cả. Riêng tôi, tôi cho rằng, để làm báo, còn cần phải biết dấn thân.






Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài