Trăn trở tủ thờ Gò Công - 2008
Bay xa thương hiệu một làng nghề
Nhiều trăn trở cho tủ thờ Gò Công
Những
chiếc tủ thờ ở đây được cẩn ốc xà cừ, khảm vỏ trai độc đáo, tinh tế, một “tài
sản tâm linh” dùng trang hoàng nơi thờ cúng tổ tiên, đồng thời cũng là một thứ
của cải nói lên sự sung túc, truyền thống nho phong sĩ khí của gia đình, của
dòng tộc con người đất phương Nam.
Nhờ gìn giữ được danh tiếng và biết kết
hợp hài hòa những kỹ thuật hiện đại, những nghệ nhân ở xóm Ông Non đã tạo được
“thương hiệu” độc quyền cho tủ thờ Gò Công…
Cẩm Tú
Nằm ven Quốc lộ 50, thuộc địa
phận xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, cái xóm nhỏ Ông Non (còn gọi
ấp Ông Non) với chừng 50 hộ trong tổng số hơn 200 hộ gia đình, chính là nơi
khai sinh ra nghề làm tủ thờ Gò Công danh tiếng hơn trăm năm qua.
Cả làng làm nghề đóng tủ
Xóm Ông Non có một ngôi thánh thất
Cao Đài, nơi đó hiện còn lưu giữ một chiếc tủ thờ 3 thế kỷ. Người dân ở đây bảo
đó là chiếc tủ đầu tiên được đóng cách nay hơn trăm năm. Người thợ mộc đầu tiên
của cái xóm nghèo heo hút ngày đó đâu có biết rằng, chính ông và chính chiếc tủ
thờ đầu tiên ấy đã khai sinh ra nghề đóng tủ thờ danh tiếng của cả một vùng đất
phương Nam
này.
Hậu duệ đời thứ hai của ông tổ
làng nghề mộc Ông Non, cháu kêu bằng ông nội – ông Nguyễn Tấn Đức (tức Ba Đức),
nay đã ngoài 70 tuổi kể lại: “Hồi đó, vì không có gỗ (vùng đất này khi xưa gồm
ruộng và bùn lầy, sông nước mênh mông – NV), ông nội qua (tôi) phải lấy mấy bộ
ván gõ “đi-văng” là tài sản quý nhất trong nhà ra mà “xẻ thịt” đóng tủ thờ. Ông
thích mà làm chứ không ai trong nhà cản được ông. Chiếc tủ đầu tiên ấy kiểu
cách đơn giản hơn giờ nhiều, nhỏ gọn và cũng không có dầu đánh bóng gì cả. Vậy
mà dân làng hồi đó mê lắm. Bà con kéo nhau đến xem đâm ra ưa thích rồi truyền
miệng. Nghề này có từ đó”.
Ông Ba Đức, chủ 3 cơ sở mộc Ba
Đức (1, 2, 3), một trong những cơ sở mộc và đóng tủ thờ lớn nhất vùng, còn khẳng
định: “Chiếc tủ thờ Gò Công truyền thống không chỉ nổi tiếng về chất liệu gỗ,
như mun, cẩm lai, gõ đỏ, gõ đen hay căm xe, dáng hương… mà cái sắc sảo chính là
ở đường nét, hoa văn chạm trỗ cực kỳ khéo léo, tinh tế vừa thể hiện sự trang
nghiêm, ý tứ lại vừa thanh thoát, lãng mạn. Đặc biệt nó có độ bền cả trăm năm”.
Anh Huỳnh Ngọc Quân (tức Sáu
Sắng), 50 tuổi, có tuổi nghề gần 30 năm, 3 đời làm nghề đóng tủ thờ, đã chia sẻ:
“Quy trình làm một chiếc tủ thờ thường phải qua 6 khâu (công đoạn): làm chân,
làm cửa, làm sườn, cẩn (còn gọi là khãm), tiện, làm láng (nhẵn) và đánh bóng.
Thông thường, những cơ sở nhỏ như anh, hay làm theo mô hình gia đình, sẽ đảm
nhận làm 3 khâu đầu, gọi chung là làm mộc. Khâu tiện và khãm ốc phải do những
người thợ lành nghề và có năng khiếu đặc biệt. Những người thợ lành nghề chỉ
chuyên làm về mảng tiện và khãm này mới cho ra những tác phẩm độc đáo, tinh xảo
và có ý tứ được”. Anh cho biết thêm: Có nhiều loại từ cao cấp, trung và sơ cấp,
giá cả từ 5, 7 triệu đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu một chiếc tủ
thờ. Chiếc ít tiền không phải làm đơn sơ mà chính là chất liệu gỗ nào, nhưng ở
đây dứt khoát không sử dụng loại gỗ thường mà chỉ là gỗ rừng, hầu hết từ miền
Đông hoặc đâu tận bên Lào, Mã Lai về. Theo nhiều nghệ nhân ở đây, thời gian để
hoàn thành một chiếc tủ thờ là từ 15 - 30 ngày, tùy mức độ chạm trỗ tinh xảo.
Một chiếc tủ ngốn mất khoảng 150 kg gỗ đồng loại, và khoảng 1,5 đến 2 tấc gỗ
danh mộc khác như mun, cẩm… Trọng lượng một chiếc tủ hoàn tất nặng từ 200 kg
trở lên. Chiếc tủ khá nặng nề như thế nhưng gần như luôn hút khách, vì tậu một
chiếc tủ làm nơi trang nghiêm thờ kính tổ tiên, ông bà vốn là một tập tục
truyền thống của người dân Nam
bộ.
Hơn nữa, những “mai lan cúc
trúc”, “long lân qui phụng”, “nhị thập tứ hiếu”, “Châu Duơng cầu hiền”,vv còn
là những điển tích, giai thoại, những quan niệm về cuộc sống, nề nếp nho phong
gia giáo cùng tín ngưỡng tâm linh của người dân trời Nam này, qua bàn tay người
thợ chạm trỗ, đã được cách điệu và chuyển tải một cách tài tình thành những hoa
văn thể hiện trên bề mặt chiếc tủ thờ. Điều này làm nâng cao giá trị của chiếc
tủ thờ và cũng giải thích vì sao người Nam bộ thích sắm tủ thờ.
Nâng cao giá trị tủ thờ Gò Công
Như đã nói, sản phẩm tủ thờ Ông
Non giống nhau ở chỗ tất cả đều được làm bằng những loại gỗ quý hiếm, những
danh mộc như mun, cẩm, gõ đỏ, gõ đen,… là những loại gỗ thuộc hàng danh bất hư
truyền từ nhiều đời. Theo các nghệ nhân ở đây thì thời gian hoàn thành một
chiếc tủ bây giờ chỉ còn khoảng 10 ngày, do người thợ đã biết kết hợp làm thủ
công với kết hợp máy móc, công nghệ hiện đại, vừa rút ngắn thời gian cần thiết
lại vừa nâng cao giá trị và vẻ đẹp của chiếc tủ.
Ông Hai Lê, chủ cơ sở đóng tủ thờ
ở đây - DNTN Hai Lê, cho biết: Hiện nay, các loại danh mộc và ốc khảm (xà cừ,
trai, xác vàng, bàu ngư,…) làm nguyên liệu ngày càng trở nên hiếm hoi, đắt đỏ
nên việc làm thế nào vừa bảo đảm chất lượng và giá trị chiếc tủ truyền thống,
lại vừa có giá chấp nhận được là điều không dễ thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều
cơ sở chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nên vẫn có thể tung ra thị trường
trên 120 chiếc/năm, hầu hết hàng làm không kịp bán nhất là dịp mùa cưới, dịp
Tết. Khách hàng của làng tủ thờ Gò Công trải từ miền Đông Nam bộ, Tp.HCM đến các
tỉnh ĐBSCL,… Hiện đang được trưng bày tại Đền Hùng, Phú Thọ và nhiều nơi tôn
nghiêm khác trong cả nước. Tủ thờ Gò Công còn hiện diện trong nhiều ngôi biệt
thự sang trọng khắp gần xa. Vừa qua, xóm tủ thờ Ông Non cũng đã được Sở KH&CN
và UBND tỉnh Tiền Giang cấp chứng nhận Làng nghề truyền thống và nhãn hiệu hàng
hóa cùng kiểu dáng công nghiệp, như một bảo chứng cho thương hiệu làng nghề này
cùng những sản phẩm độc đáo của nó.
Qua quan sát và tìm hiểu, tôi
không khỏi thắc mắc và tự nêu câu hỏi: Vì sao những chiếc tủ đều giống nhau từ
chất liệu gỗ, nước sơn đến đường nét chạm trỗ tải hoa từ người thợ, nhưng lại
có giá chênh lệch nhau rất cao, từ vài triệu đến hàng chục triệu? Hiểu được băn
khoăn của tôi, một nghệ nhân đã bật mí: “Người ta làm giả gỗ xịn nhiều lắm,
dùng lọ nồi hay sơn đen đánh vào rồi phủ sơn PU lên là thành gỗ mun hết. Những
chiếc tủ đó rất “xịn” nhưng chỉ là gỗ thường! Cái này người sản xuất đánh vào
tâm lý người ít tiền mà muốn có đồ tốt; vả lại thường dành để bán cho dân ở nơi
xa, người buôn dễ dàng nâng giá”. Theo ghi nhận của chúng tôi, những cơ sở nhỏ,
mang tính sản xuất gia đình thì hầu hết là làm thủ công; những chiếc tủ được
làm ra từ đây thương mất nhiều thời gian hơn, do đó cũng “đảm bảo chất lượng”
hơn.
Để thương hiệu bay xa!
Bây giờ ở xóm Ông Non, gần như
gia đình nào cũng có nhà kiên cố, khang trang và đẹp đẽ hơn, được như vậy bà
con ở đây cho là nhờ nghề đóng tủ thờ; mặc dù các loại nguyên liệu cũng ngày
càng khan hiếm, đắt đỏ hơn. Nhiều năm nay, bà con phải nhờ “đường dây” mua gỗ
nhập lậu từ các nước Lào, Campuchia,
Indonesia,… bởi
theo lý giải thì nguồn nguyên liệu quý trong nước gần như cạn kiệt. Còn nhớ hồi
những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, nguồn nguyên liệu gỗ, ốc xà cừ, trai… giá
rất rẻ và hết sức dồi dào. Vậy mà tủ làm ra thời đó không ai thèm mua, thầy thợ
bỏ nghề, bỏ xứ đi kiếm ăn tứ tán. Có người, như nghệ nhân khảm ốc nổi tiếng Trần
Văn Quơn (Sáu Quơn) cũng đã 2 lần bỏ nghề, thuê đất trồng dưa hấu, dưa lỗ thì
trở lại với nghề. Lần 2 anh bỏ nghề, tậu mấy trăm con vịt tàu cho nó chạy đồng.
Anh ưu tư: “Đừng ai theo nghề khảm xà cừ của tui cả. Tui cũng đã từng từ chối
dạy nghề cho học vì không có ăn”.
Lãnh đạo và các ngành chức năng
tỉnh Tiền Giang, vừa qua cũng đã nhận ra đây là một “đặc sản văn hóa” của đất
và người Gò Công, rất cần được khôi phục, gìn giữ và phát huy bản sắc độc đáo
riêng nên đã tạo mọi điều kiện cho nghề này phục hồi và phát triển. Hợp tác xã
làng nghề Tủ thờ Gò Công đã ra đời quy tụ gần 20 hộ ngành nghề, thu hút gần 300
lao động với mức thu nhập bình quân hàng tháng mỗi lao động từ 3 triệu rưỡi đến
4 triệu đồng. Nhiều người bỏ nghề, bỏ xứ lại quay trở về với ước vọng đổi đời.
Theo những cơ sở sản xuất tủ thờ
ở đây, sản phẩm độc đáo này rất được bà con Việt kiều ở Úc, Mỹ, EU… ưa chuộng.
Từ năm 2001 đến nay đã có vài doanh nghiệp xuất một số lô hàng sang Úc, Bỉ,
Canada… cho bà con Việt kiều nhưng còn hạn chế, chưa mở rộng sang các đối tượng
là người nước ngoài. Tính truy nguyên nguồn gốc đang là một cản trở nếu sản
phẩm từ thờ Gò Công muốn có được chỗ đứng ở thị trường nước ngoài. Một trong
những rào cản về thương mại đó là Đạo luật Lacey (Mỹ) và Quy định Flegt (EU).
Luật Lacey cấm buôn bán các loài cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp
pháp, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ vào Mỹ. Các công ty xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ phải
biết rõ nguồn gốc nguyên liệu của mình. Trong khi đó, Quy định Flegt của
EU quy định DN bán sản phẩm gỗ ở thị trường EU phải sử dụng hệ thống kiểm tra
để xác minh gỗ hợp pháp, phải yêu cầu nhà cung cấp gỗ cung cấp thông tin và
bằng chứng nguồn gốc gỗ hợp pháp, nếu DN không thể cung cấp các thông tin trên,
nhà nhập khẩu sẽ không mua.
Như đã nói, nguồn nguyên liệu vẫn
đang còn là vấn đề khá gai góc, khi các làng nghề Tiền Giang nói chung, làng
nghề tủ thờ Gò Công nói riêng đang chuyển mình để hội nhập. Chưa thể khẳng định
được tính ổn định và bền vững khi mà nguồn nguyên liệu lại phụ thuộc nhiều vào
nguồn gỗ nhập lậu.
Nhận xét
Đăng nhận xét