Phóng sự: Cho những ước mơ được chắp cánh - 2007
Cho những
ước mơ được chắp cánh
Trẻ lang
thang tự kiếm sống ở Sài Gòn
Sài
Gòn đã lên đèn. Đó là lúc mọi người, sau một ngày làm việc mệt nhọc, trở về sum
họp gia đình bên mâm cơm cùng với những tiếng cười đùa. Trẻ con giờ này có đứa
đang chuẩn bị bài vở cho ngày học hôm sau, đứa khác thì vui vầy, tíu tít bên
cha mẹ sau một ngày học tập. Vậy mà, cũng đêm Sài Gòn rực rỡ ánh đèn màu, cái Tết
đang rất cận kề, còn có biết bao mảnh đời bé bỏng, đang lang thang khắp các nẻo
đường, quán ăn, bến xe, thậm chí ở những thùng…rác công cộng, để nài nỉ mọi
người vài tấm vé số, mua giúp tờ báo, đánh bóng một đôi giày và…bươi móc tìm ít
mảnh ve chai để chắt chiu kiếm sống qua ngày.
TRẦN XUÂN
Tuổi thơ nào không
nhiều ước mơ, lắm hoài bão: được ăn ngon, mặc đẹp,…và đôi lúc không kém mộng mơ
như đi vào cổ tích được gặp cô Tiên, được thăm chị Hằng…Không ít ước mơ của tuổi
thơ đã trở thành hiện thực; nhưng trên thực tế, vẫn con nhiều hoài bão chưa một
lần được chắp cánh.
Mỗi hoàn
cảnh một cuộc đời
Một người mẹ,
tuổi mới 35 nhưng trông như đã quá ngũ tuần, đang loay hoay lục lọi các túi áo
của mình, cố tìm cho đủ 4.000 đồng cho hai đứa con trai - Hiếu N., 12 tuổi và
Hiếu T., 6 tuổi – đi tắm tối ở một nhà vệ sinh công cộng trước chợ Bến Thành.
Cầm mấy tờ giấy bạc nhàu nát chia đều cho hai đứa con, chị Mai – tên người mẹ
ấy, đượm nét buồn bả, dù cố không để lộ ra cho hai đứa trẻ biết, khẽ nói với
tôi: “Tụi nó hai ngày mới tắm một lần, hai ngàn đồng một đứa. Ngày hai đứa nó
“lựm” ve chai được 10.000 đồng. Đêm nào tụi nó tắm, mẹ con tui phải ăn cháo”. Lòng
tôi chợt dừng lại, gần như cùng lúc với hai giọt nước mắt của chị Mai chực trào trên khoé mắt.
Tôi gặp em Vũ
Thị H., 13 tuổi, quê Thanh Hoá, lưu lạc vào Sài Gòn sáu tháng nay, đi bán báo
dạo ở khu vực quận I. Dưới ánh đèn đường, tôi nhận ra vẻ mệt mỏi hiện rõ trên
khuôn mặt. Bởi lúc này đã hơn 10 giờ đêm mà em vẫn còn rong ruổi ngoài đường
phố. Em kể: “Bốn đứa tụi em ngoài đó lưu lạc vào đây thuê một góc nhà nhỏ ở
chân cầu Điện Biên Phủ 200.000 đ/tháng. Mấy tháng nay, bữa rau bữa cháo ăn
tới!”. Mỗi ngày bán báo, lời 20.000 đồng, hằng tháng phải chắt chiu gửi về quê
cho mẹ 200.000đ. Như thế, ngoài tiền ăn uống, thuê nhà thì những gì em H. dành
dụm được quả là một cố gắng không nhỏ đối với cái tuổi 13.
Còn em Nguyễn
Tấn L., 15 tuổi, quê Bình Thuận, vừa đánh giày vừa bán vé số ở công viên Hồ Con
Rùa và quận 3 có hoàn cảnh đáng thương hơn. Hồi nhỏ, L. đi giữ trâu mướn cho
một nhà khá giả ở cùng làng. Trong một lần, vì ngủ quên nên để trâu vào rẫy phá
hoại hoa màu, em bị chủ mắng nhiếc nặng lời, và vì sợ đòn nên em đã bỏ nhà trốn
vào cái đất Sài thành này, khi “trên người chỉ có một bộ đồ dính da”. Thời gian
trôi qua, bây giờ em cũng không còn nhớ rõ lắm hình bóng quê hương mình; ngoại
trừ cha mẹ, lâu lâu có thì giờ, em “cà mà cà mập” đọc lời thư và nhờ bạn viết
lại gửi về thăm nhà. L. cho biết: “Mỗi hôm đánh năm ba đôi giày và bán 50 tấm
vé số, cũng đủ sống qua ngày”. Rồi em trầm ngâm: “Nhưng có lần em bị đánh bầm
mặt mày, phải nghỉ bán và đói mấy hôm chỉ vì lấn qua địa bàn người khác”. L. kể
thản nhiên, như xem đó là chuyện đời thường. Phải chăng cuộc sống đã dạy cho em
một thái độ dửng dưng- không thao thức cũng chẳng ước mơ ? Thấy em ngáp dài
buồn ngủ, tôi hỏi em nhà ở đâu. “Ở đằng trước kìa!”. L. đáp tỉnh bơ tay chỉ về
hướng Hồ Con Rùa…
Những nơi tôi
vẫn thường đi qua: công viên Tao Đàn, công viên Bạch Đằng, ga Sài Gòn, Hồ Con
Rùa, các bãi rác ở quận 4, quận Phú Nhuận,…kể cả những con đường được coi là
“diện mạo” của Tp.HCM, như: Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, Thi Sách,…tôi đều đã
gặp được những mảnh đời bé bỏng, đang từng ngày, từng giờ đánh vật với cuộc
sống và đánh mất tuổi thơ của mình. Và, hầu hết những trẻ ấy đều không có được
những điều lẽ ra các em phải có: được đến trường, được nâng niu, yêu thương chiều
chuộng, nên ước mơ của các em cũng rất ngây thơ, nhỏ bé, không chút mơ mộng.
Ước mơ của
trẻ vào đời sớm
“Này bé ơi! Có
lúc nào đó mà bé gặp được ông tiên cho bé 3 điều ước. Bé thử xem sẽ ước gì?”.
Tôi hỏi em Trần Thị H., 9 tuổi, quê Quảng Nam, bán kẹo cao su ở công viên Văn
Lang, quận 5, sau khi đã mua hết mấy xấp kẹo cho em. Đang vui, H. bỗng thoáng
buồn, mắt đỏ hoe, tay dụi lên hàng mi ươn ướt, long lanh, buột miệng xa xôi:
“Cháu nhớ nhà quá, chú ơi!”. Con bé đã làm cho tôi có cảm giác như cái gì đó
cay cay nơi sống mũi, và cảm nhận được một nỗi đau, cái đau của người đáng bậc
cha chú hơn là cái buồn của đời làm báo mà tôi từng trải nghiệm. Ở cái tuổi quá
bé bỏng của H., lẽ ra đang còn trong vòng tay ôm ấp của mẹ cha, và đã học lên
lớp bốn, thì đằng này cái chữ cắn đôi em cũng chưa biết, lại xa cha, mất mẹ.
Cái nắng rát da
của Sài Gòn những ngày áp Tết vẫn còn làm khó chịu màn đêm khi thành phố đã lên
đèn, lại se sắt lạnh khi vạn vật đã về khuya. Dòng người thưa thớt dần, công
viên Bạch Đằng nhìn ra sông Sài Gòn vẫn còn đây đó những tụm năm tụm ba hàn
thuyên tâm sự. Em Lê Thị B., 11 tuổi, ở Thủ Thiêm, quận 2, tay còn xách bình
sâm lạnh đi qua đi lại, hy vọng bán hết những ly nước cuối cùng cho khách,
trước khi có thể về nhà. B. cho tôi biết, em ước mơ có một cây viết mực mới để
khoe với bạn bè (em học dở lớp 2 và hiện đã nghỉ học – NV). Tôi hết sức bất ngờ
khi thấy cái ước thật là trẻ con của B. Vâng! Em chưa hề lớn bao giờ, nên những
ước mơ vẫn không nằm ngoài những ý tưởng trẻ thơ, dù rằng em hiện đã là một
người tự lập thực thụ.
Tuy nhiên, ước
mơ của trẻ vào đời sớm không dừng lại ở đó. Em Hoàng Khắc Đ., 13 tuổi, quê
Thanh Hóa, ngày đánh giày ở quảng trường Công xã Paris, tối về đánh giấc ở Hồ
Con Rùa, có một hoài bão to lớn hơn. “Em mong một ngày nào đó có thật nhiều
tiền để về quê mua đất, xây nhà cho mẹ”. Tôi nhẫm tính: Một ngày đánh được năm
ba đôi giày, khá lắm chục đôi, ăn cơm lề đường hết 6.000 – 8.000 đồng, thì ước
mơ của Đ. quả là không tưởng.
Có một điều là,
hầu hết những trẻ tôi đã gặp đều có một mong ước giống nhau là được đi học lại.
Bởi vì, trong số các em đứa học nhiều nhất cũng chỉ dở dang lớp 6. Dù vậy, cũng
không ít trẻ còn đi học mà vẫn phải “vào đời sớm” để kiếm thêm tiền mua bút
mực, sắm áo quần…Em Huỳnh Hải C., 13 tuổi, đang học cấp 2 một trường ở Thủ
Thiêm, quận 2 là một trong những trường hợp như vậy. Em tâm sự: “Vừa thi học kỳ
I xong, em phải tranh thủ bán thêm để
kiếm chút đỉnh tiền mua sắm đồ mới. Tết đến cũng phải ráng có cái áo cái quần
đẹp với bạn bè. Mẹ cực khổ lắm, em phải tự xoay. Chỉ mong em mau học thành tài,
có việc làm kha khá mà phụ mẹ”. Còn em Nguyễn Q., 16 tuổi, học hết lớp 3, quê
Tuy Hoà, Phú Yên, vừa đánh giày vừa bán vé số trên đường Thi Sách – Lê Thánh
Tôn – Thái Văn Lung, quận I thì ước mơ có vẻ đời thường hơn: “Em ước có ngày
được đến các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Mấy cái Tết và mấy mùa hè
rồi, em có biết mấy chỗ này là gì đâu!”. Q. còn cho biết thêm, lúc còn đi học,
em luôn đứng nhất nhì lớp; bây giờ khi tôi hỏi có muốn đi học lại không, em đáp
tỉnh bơ: “…còn thì giờ đâu mà nghĩ đến chuyện đó, chú ơi!”.
Và còn nhiều,
còn nhiều nữa những cánh chim non đang lang thang, lạc lõng ở cái đất Sài Gòn.
Bao nhiêu cuộc đời bé bỏng, côi cút đáng thương kia là bấy nhiêu mơ ước, hoài
bão rất đời thường. Một bài toán hóc búa, nhức nhối đang từng giờ từng phút làm
đau thêm vết thương của xã hội, làm thao thức lương tri của mọi người; và còn
hơn một bài toán khó, nó như trở thành một thách thức trong thời buổi kinh tế
chợ búa này.
Vì thế, hạn chế
và giảm dần được con số hơn 50.000 trẻ em đang tự kiếm sống ở thành phố Sài Gòn
này là một điều cấp thiết, không chỉ riêng của các cấp lãnh đạo, mà còn của mỗi
chúng ta, trước khi nghĩ đến chuyện “tất cả trẻ con đều có quyền được đi học,
được chăm sóc và được bảo vệ”.
Nhận xét
Đăng nhận xét