Xuân Mậu Tý 2007 - Món ngon "Tý rôty"






            Kẻ thù của nhà nông và món ngon “Tý rôti”

Ở miền Tây, gần như chợ đồng hay chợ phố nào gần vùng đồng ruộng cũng có bày bán “kẻ thù của nhà nông” – đó là thịt chuột, nhất là vào mùa nước nổi hay mùa thu hoạch lúa, như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, vùng bán đảo Cà Mau,…Chuột không chỉ hiện diện “xôm tụ” dưới ruộng, những cậu Tý khó ưa này còn làm mưa làm gió trên tận khoảng không...có đất. Chuột dừa vùng Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long…đúng là nổi như cồn!

                                                                                                        Xuân Phương

Dân miền Tây mà nghe nói đến chuột thì ghét lắm, bởi chúng phá hoại hoa màu, mùa màng. Ruộng nào mà có chuột coi như lúa gãy rụng đầy đồng, vườn dừa nào có tý thì cả vườn bội thu…dừa chuột khoét. Có dạo người ta treo giá mỗi cái đuôi chuột 400 – 500 đồng. Vậy là phong trào săn chuột bỗng chốc nở như hoa. Ấy thế mà thịt chuột thì gần như không…chê vào đâu được. Và vì vậy, dân săn chuột cùng lúc được 2 cái lợi: bán đuôi chuột và bán cả thịt chuột!


Kẻ thù thứ thiệt!
Vì là dân miền Tây, người viết bài này đã từng không dưới một lần tham gia đi săn chuột, chuột dừa và chuột đồng. Có lần mãi mê “dậm cù” và “chọc ngách” mà sơ ý để chuột “đớp” cho một phát. Lần đó đau đến phát khóc, đến bây giờ mỗi lần nhớ lại vẫn rùng mình vì cái đau bị chuột cắn.
…Hơn một phần tư thế kỷ về trước. Mỗi sáng theo ông cụ ra ruộng thăm lúa, ông đều thốt lên: “Tiêu rồi! Chuột cắn gãy gốc lúa hết trơn trọi”. Tôi nêu thắc mắc thì ông cụ bình thản giải thích: “Nó không cắn gãy cây lúa xuống đất, lấy gì gặm được hột. Chuột phá cây lúa là vì nó mê hột lúa”. Thì ra là vậy. Rồi không biết tự lúc nào, cũng giống như bao người khác ở xứ sở này, tôi ghét cay ghét đắng lũ chuột. Cho đến một lúc, tôi bắt đầu biết đến hương vị của chuột.


Ai có về Bến Tre vào bất kỳ mùa nào trong năm, đi ngang qua các vườn dừa thì gần như đều thấy trên khoảng giữa thân dừa có áp một miếng kim loại, thường là nhôm, bao quanh thân cây như thể đóng dấu niêm phong hay như một ký hiệu đếm số cho cây cây dừa. Không phải vậy và tôi chắc rằng không phải dân gốc miền Tây thì không ai biết nó là gì. Đó là “vùng đệm” có bề mặt trơn láng không cho chuột vượt qua để có thể leo tiếp lên ngọn dừa mà xơi quả. Bởi chuột mà vượt qua được vùng cấm ấy, coi như đêm ngủ cứ nghe tiếng dừa rụng lộp độp. Khổ nổi chúng lại chỉ xơi trái dừa non. Người dân xứ này, đến nay dù có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật diệt chuột hữu hiệu, vẫn chưa thể loại trừ được chuột dừa. Bởi chuột dừa thì không ăn “mồi” dưới đất, mà đã leo lên được ngọn, chúng chỉ xơi quả. Vì vậy mà dùng phương pháp thủ công trên, cộng với lực lượng “bắt” chuột dừa chuyên nghiệp mới mong trị được chuột. Chủ vườn nào thuê thợ bắt chuột, phải trả cho thợ số tiền kha khá vào mỗi sáng. Thế này: vào mỗi chập tối, người thợ sát chuột vác những chiếc bẫy chuột đem treo lên đầy các ngọn dừa. Sáng ra, họ chỉ việc đi gom lại các bẫy ấy, chủ vườn đếm con mà trả tiền, mỗi con 10.000 đồng, không kể lớn hay nhỏ, vì con chuột nào ăn phải dừa cũng béo như nhau và béo hơn cả chuột đồng. Chủ vườn muốn thưởng thức thịt chuột thì phải mua lại của thợ săn chuột, 8.000 – 10.000 đ/kg; bởi vậy người dân ở đây mới bảo sướng như dân…săn chuột dừa! Làm nghề này, mỗi ngày dân bắt chuột kiếm ngoài trăm ngàn như chơi. Và, có một cảm giác rất đỗi bình thường của người miền Tây Nam bộ khi đối diện với “kẻ thù”: diệt chuột nhưng không gớm chuột.


Lai rai thịt chuột và nét văn hóa “giải trí chuột” của dân miền Tây
Một lần, tôi dẫn một nhóm bạn từ Sài Gòn và Việt kiều làm một chuyến du ngoạn miền Tây, Vĩnh Long và Cần Thơ. Cả nhóm đề cử tôi làm “hướng dẫn viên ẩm thực”. Vào một nhà hàng đặc sản sông nước ở Cần Thơ, tôi gọi đúng 2 món: chuột rôti và khắc tinh của chúng, lẩu rắn và rắn bằm xào bắp chuối. Cả nhóm nhâm nhi xoay vòng với mỗi cái ly “mắt trâu”. Lai rai xong, mấy anh bạn Sài Gòn cứ tấm tắc cái khẩu vị của món rắn; còn anh bạn Việt kiều phán một câu: “Đúng là thịt chuột!”. Rồi cả bọn phá lên: “Ẩm thực thổ địa có khác”. Lần đó, trở về Sài Gòn đứa nào cũng xách theo những chùm thịt chuột tươi rói ướp nước đá, làm quà khoe với bạn bè như là đặc sản miền Tây mùa nước nổi. Nói thiệt, món chuột sống không mần lông ở miền Tây, chỉ có…trăn nó ưa. Nhiều chợ chuột ở miền Tây, vì thế mà cung ứng thức ăn cho nghề nuôi trăn cũng khá phát đạt, nhất là vùng Cà Mau. Người ta bảo, cầy 7 hay 8 món, chứ thịt chuột ở miền Tây có nơi có đến những 10 món: nào là chuột xé phay, chuột nhồi khổ qua, chuột nướng gia vị, rồi là chuột lăn bột, khô chuột,…nhưng “độc chiêu” vẫn là chuột rôti. Một đĩa 3 chú chuột chiên rôti tại một quán nhậu bình dân, có giá trung bình 10.000 – 12.000 đồng. Tại nhà hàng thì đắt hơn nhiều, khoảng 30.000 – 40.000 đồng cho 5 cậu tý xếp hàng ngang. Một người bạn ở Cần Thơ cho biết, mỗi ngày tại Cần Thơ tiêu thụ không dưới vài ngàn con chuột thịt. Còn một người bạn khác ở Cà Mau thì bật mí: Chợ chuột Cà Mau mỗi ngày “cướp đi” trên 10.000 con tý.


Ngồi nhâm nhi đế miền Tây cùng thịt chuột, chuột rôti, nơi một quán nhậu bình dân cạnh bờ sông Hậu, sông Tiền, nhìn ra những con đò, những chiếc ghe cào, ghe chài thấp thoáng lúc chập choạng sau hoàng hôn, lắng nghe tiếng rì rào của sóng vỗ cùng tiếng cúm núm hay cú mèo gọi đàn khi màn đêm dần buông; hay lai rai dưới mái chòi trong vườn dừa mà lắng nghe tiếng gió nhè nhẹ xé lá tàu dừa tạo nên những âm thanh trầm bỗng lạ tai, giao hưởng cùng những câu vọng cổ, những ca-nhạc sĩ đờn ca tài tử-rượu vào lời ra; không thể không nghĩ đến những trò bắt chuột tập thể, như một nét văn hóa riêng của người dân miền Tây.
Có một lần, tôi theo một nhóm lục chuột dừa. Trong nhóm chỉ một hoặc hai người gọi là sóc dừa, tức dân leo dừa thứ thiệt, leo lên cây nào khả nghi có tý (khi đi bắt chuột, dân săn kỵ gọi tiếng “chuột”), lục lọi khắp các bẹ dừa, làm báo động ổ chuột dừa. Ở dưới đất, cả nhóm cứ vỗ tay hò hét, dậm chân đùng đùng khiến chúng khủng hoảng tinh thần mà…bay xuống đất. Vậy là cả bọn có một bữa nhậu chuột. Anh bạn tôi ở Cà Mau, kể về những trò bắt chuột đồng, nghe càng thấy đây là một nét văn hóa sinh hoạt, nét văn hóa ẩm thực, văn hóa “giải trí chuột” của người dân vùng đất Chín Rồng này. Tỷ như trò “bịt ngách bắt chuột”, hay trò “dậm cù”. Dậm cù, cả nhóm thường có từ hơn chục người. Vùng Đồng Tháp Mười hay ở U Minh, Cà Mau…không khó tìm thấy những gò năn hay gò cỏ tay lông nằm giữa đồng. Khi con nước lên hoặc mùa nước nổi, chuột rút vào trong đó cố thủ. Cả nhóm nắm tay quây cù quanh những gò này, và đặc biệt không được quay mặt vào vòng tròn mà phải quay lưng lại vào nhau, trong tư thế sẵn sàng ứng phó. Dùng gót chân dậm thật đều đặn, vòng tròn khép chặt lại từ từ. Đám cỏ ngụy trang cho tý cũng bẹp dúm dần, bít kín các “đường máu” ra vào của đối phương, khiến chuột cứ rút dần vào sát bên trong cù. Lúc này đã có thể nghe tiếng “cười rúc rích” của chuột trong năn. Chúng chạy loanh quanh tìm đường thoát - bịt kín tất cả - đành rục đầu vào nhau như thể chờ lệnh chết; đúng hơn, giống như cá bống, cá kèo rộng trong khạp. Lúc này chỉ còn nước chụp đầu từng con, bẻ răng bỏ vào giỏ và…ôm bụng mà cười. Tôi một lần bị chuột đớp chính là do chưa có kinh nghiệm mà “tày khôn” đòi bẻ răng chuột, ai ngờ bị nó xử luôn…


Người dân miền Tây và vùng đồng bằng sông Cửu Long sợ chuột là vì khi chúng phá hoại hoa màu, mùa màng. Nhưng thịt chuột là một món ngon, nên họ đã biết khai thác thịt chuột làm nguồn lợi ẩm thực, lại vừa phục vụ khách du lịch thập phương, như muốn chia sẻ và giới thiệu cho thực khách một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân vùng sông nước Chín Rồng này.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài