Nguyễn Huy Trinh

 Xuân Nhâm Dần viết về doanh nhân tuổi Nhâm Dần Nguyễn Huy Trinh

(Bài trên giai phẩm Xuân Nhâm Dần Thời báo Kinh tế Việt Nam, trang 116)

GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG "CÓ DUYÊN" VỚI NHÀ NÔNG

Anh hiện là Giám đốc Chi nhánh Agribank tại TP.HCM (Agribank Sài Gòn). Về phụ trách Aribank Sài Gòn chưa đầy một năm, nhưng đã gắn bó với Agribank Đồng Nai và vùng đất “tranh ngói nhuốm màu mây” suốt 30 năm (từ 1991 – 2021), nên anh vẫn thường kể chuyện về Đồng Nai và chỉ muốn coi mình là “Người Đồng Nai”. Anh là Nguyễn Huy Trinh.

Xuân Thái

Là người đàn ông bặt thiệp, phóng khoáng, dễ gần, có nước da chai sạm theo phong sương thời gian, Nguyễn Huy Trinh có lịch sử cuộc đời trải dài từ Bắc chí Nam, ấy vậy lại không dễ dàng chia sẻ một điều gì về cá nhân hay sự riêng tư về mình. Phải thuyết phục mãi, cuối cùng anh cũng đã thu xếp được một cuộc gặp…

 


Sinh Bắc lập nghiệp Nam, đâu cũng là quê hương

Sau khi tốt nghiệp, cậu sinh viên vừa ra trường nhận quyết định vào Nam công tác. Rời bỏ xứ sở, mái ấm gia đình, Trinh cứ đắn đo mãi, bởi Miền Nam quá xa lạ đối với một chàng trai vừa chập chững bước vào đời. Được cha mẹ là những nhà giáo mẫu mực, động viên, khích lệ: “Nếu con xem Việt Nam là quê hương, ở đâu cũng là quê hương thì con sẽ nhận ra làm việc ở đâu cũng vậy, miễn sao con làm việc tốt, cống hiến tốt nhất cho đất nước, cho Tổ quốc là được”,  cậu Trinh vui vẻ cầm quyết định vào Nam. Nơi Trinh dừng chân là một địa phương xa xôi tận Miền Tây sông nước, đó là tỉnh Cửu Long (sau này tách ra thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh).

Đó là vào một ngày đầu tháng 4/1984. Đó cũng là thời kỳ đất nước vô vàn khó khăn sau kết thúc chiến tranh. Làm ngân hàng nhưng Trinh vẫn như bao người, lãnh lương, lương thực thực phẩm theo chế độ phân phối thời bao cấp, chỉ khác một chỗ là khẩu phần thịt/người/tháng, Trinh may mắn nhận được 1,1 kg thịt thay vì 0,7 kg như tiêu chuẩn một công chức bình thường.



Một năm sau đó, Trinh được cất nhắc lên chức Trưởng phòng tín dụng Ngân hàng Nhà nước huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long, một vị trí khá vất vả với nhiệm vụ xúc tiến công tác tín dụng vào thời điểm lúc bấy giờ, nhưng lại rất oai, không chỉ đối với bạn bè đồng nghiệp mà còn đối với địa phương.

Năm 1988, khi Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (sau là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam – Agribank) ra đời, theo Nghị định số 53/NĐ-HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, Trinh chuyển qua làm tại Agribank. Bước ngoạt cuộc đời Nguyễn Huy Trinh có lẽ bắt đầu từ đây: Nhà là Agribank và vợ đẹp là cô gái nền nã đất Vĩnh Long.

Ba năm sau đó, ngày 01/9/1991, Trinh cùng gia đình chuyển đến tỉnh Đồng Nai làm việc tại Agribank Đồng Nai còn non trẻ, chưa đầy ba năm tuổi đời. Bấy giờ, số vốn ban đầu của Agribank Đồng Nai chỉ khoảng 10 tỷ đồng. Từ Trưởng phòng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước một huyện, chuyển qua làm nhân viên tín dụng của Agribank, rồi tiếp tục công việc ấy khi đi Đồng Nai, như là một “phép thử” năng lực và nghiệp vụ cùng các kỹ năng của mình. Quả đúng như những gì được kỳ vọng, Trinh đi lên rất nhanh và chinh phục niềm tin của các lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp bằng chính năng lực chuyên môn, phẩm chất người quản trị, kỹ năng nghiệp vụ cùng tài tháo vát, thao lược của chính mình. Ba mươi năm công tác tại Agribank Đồng Nai (từ 1991 – 2021), hết 20 năm làm Giám đốc (8 năm làm giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch Agribank tại các huyện và 12 năm làm giám đốc Agribank tỉnh), Nguyễn Huy Trinh cùng cộng sự đã đưa Agribank Đồng Nai trở thành doanh nghiệp ngàn tỷ nhiều năm liền; trong đó hai lần được công nhận là “Doanh nghiệp xuất sắc” và cá nhân là “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Đồng Nai.


Với tổng nguồn vốn 10 tỷ đồng khi mới thành lập, gần 30 năm sau, tức đến cuối năm 2017 tổng nguồn vốn Agribank Đồng Nai đã đạt xấp xỉ 25 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2.500 lần, là ngân hàng thương mại có nguồn vốn huy động cao nhất toàn hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đứng trong nhóm dẫn đầu toàn hệ thống Agribank Việt Nam. Tổng dư nợ cho vay đạt gần 15 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 561 lần so với thời điểm mới thành lập; trong đó hơn 92% là dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với khoảng 85.000 ngàn khách hàng còn dư nợ, là ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn cao nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 

Làm bạn nông dân, không để nông dân mất đất vì người đi vay

Xác định đầu tư cho “tam nông” là nhiệm vụ trọng tâm, Agribank Đồng Nai luôn triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương về đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trên cơ sở đó, cùng với việc xác định đối tượng phục vụ của ngân hàng là nông dân và nông thôn, Nguyễn Huy Trinh cùng các cộng sự của Agribank Đồng Nai đã triển khai gần 200 sản phẩm, đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của khách hàng với trên 80% khách hàng vay là nông dân, hội nông dân.

Anh Nguyễn Huy Trinh chia sẻ: “Chúng tôi không bỏ (hết) rủi ro vào trong một rổ trứng! Bởi khi trứng vỡ, doanh nghiệp ngân hàng sẽ phá sản. Phân tích thêm về mệnh đề “bỏ rủi ro vào trong một rổ trứng”, anh nói: Xác định làm bạn nông dân, đồng hành cùng nông dân, chúng tôi luôn muốn làm mọi điều gì tốt nhất có thể, cho người nông dân. Bởi một thực tế mang đầy tính thuyết phục và thực tiễn của chúng tôi, đó là người nông dân không bỏ nợ vay bao giờ. Họ có thể ly nông nhưng không ly hương. Đất đai, nhà cửa, đồng ruộng, vườn tược của họ vẫn còn đó. Họ có thể chậm trả và chúng tôi có cơ chế hỗ trợ nông dân trả chậm, nhưng họ không bao giờ “trốn” nợ vay. Người nông dân không có phá sản, không bao giờ “tự phá sản”. Nói nói suy nghĩ của mình mà như đang khẳng định một “chân lý” hay triết lý nào vậy!



Rồi như chợt nghĩ ra một điều gì đó, anh thoáng chút suy tư. Như đọc được tâm trạng người đối diện, tôi giục: “Chẳng lẽ anh chỉ cho vay đối với những nông dân thôi sao? Thế, con số gần 20% khách hàng còn lại?”. Như “gãi đúng chỗ ngứa”, anh tự tin một cách dễ chịu: Tôi vẫn luôn quan niệm, và chia sẻ điều này cho các cộng sự rằng: Hãy cố gắng giúp người nghèo khi người ta cần, còn hơn là giúp một người giàu khi họ cần chúng ta. Thấy tôi có vẻ như khó hiểu với điều anh vừa nói, anh từ tốn giải thích: “Tôi thường nói với nhiều doanh nghiệp thế này. Nếu các ngân hàng khác hỗ trợ được các bạn hiệu quả hơn, hãy đến với họ. Còn tôi, chúng tôi làm bạn cùng nông dân!

Đất Đồng Nai trong nhiều năm trở lại dây là “vùng đất mới” đối với các nhà đầu tư bất động sản từ khắp nới đổ về, với hàng loạt các dự án hạ tầng đô thị, nhà ở, trong quy có mà chưa (hay không) có trong quy hoạch cũng có, nghĩa là nhiều dự án “chui”: phân lô, bán nền. Anh Trinh nói thẳng: Nếu biết được một doanh nghiệp vây tiền ở ngân hàng chúng tôi để làm dự án liên quan đến nhà ở, bất động sản, giải phóng mặt bằng, chúng tôi nhất định từ chối. Vì sao lại như vậy? Tôi lấy làm ngạc nhiên. Anh cười đầy ý nhị, rồi nói lảng đi: “Đừng bao giờ để nông dân mất đất vì những người đi vay! Chúng tôi giúp người thật, không giúp các “con nghiện” (nghiện đầu tư đầu cơ nhà đất, bất động sản – người viết giải thích).



Tôi khá ấn tượng vì suy nghĩ này của anh. Nhưng rồi anh bất ngờ quay phắt lại: “Hay là chỗ này, nhà báo đừng nói gì, viết gì cả. Coi như tôi tâm sự riêng với nhà báo thôi!”. Tôi phá lên: “Thì đã sao đâu?”. Rồi cả hai cũng cười. Nhưng tôi hiểu, chính suy nghĩ “Người nông dân và nông nghiệp là trên hết”, Agribank Đồng Nai dưới thời lãnh đạo, điều hành của Nguyễn Huy Trinh đã tăng trưởng trên tất cả mọi hoạt động, góp phần định hướng thị trường tài chính tiền tệ tại địa phương.

 

Góp phần định hướng thị trường tài chính, tiền tệ tại địa phương

Điều gì để lại ấn tượng nhất đối với anh trong suốt quá trình 30 năm ở Agribank Đồng Nai với 20 năm làm giám đốc? Tôi bắt sang chuyện khác. Mắt anh sáng lên, không giấu chút tự hào: Bên cạnh việc liên tục cập nhật đổi mới công nghệ, đó còn là văn hóa doanh nghiệp hình thành và được gầy dựng, tạo nên sự khác biệt với các tổ chức tín dụng khác.

Nó đã góp phần tạo điều kiện củng cố vị thế và uy tín của sản phẩm Agribank trên thị trường, động lực thúc đẩy quá trình đổi mới, tạo nên sức hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng. Quỹ thu nhập ổn định và tăng trưởng đều qua từng năm, đời sống cán bộ, viên chức được bảo đảm và không ngừng nâng cao, tạo động lực để cán bộ, viên chức cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Được biết, năm 2007 Agribank đã được Ngân hàng  Nhà nước chọn là ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai dự án hiện đại hóa công nghệ ngân hàng do Ngân hàng Thế  giới (WB) tài trợ. Năm 2008, Agribank Đồng Nai hoàn thành triển khai dự án này, với chương trình “Thanh toán nội bộ và kế toán khách hàng” (IPCAS). Với việc triển khai thành công hệ thống IPCAS, Agribank Đồng  Nai chính thức kết nối trực tuyến với hơn 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc.



Kết quả kinh doanh 10 năm liền 2010 – 2020 của Agribank Đồng Nai dưới thời giám đốc Nguyễn Huy Trinh, có ba năm liên tục (2015, 2016 và 2017) đạt con số tổng vốn huy động trên 20 ngàn tỷ đồng, so với năm 2010 là 10.110 tỷ đồng. Lấy ví dụ,  năm 2015 đạt tổng vốn huy động 20.513 tỷ đồng (tăng 207%); năm 2016 đạt 23.530 tỷ đồng (tăng 237%); năm 2017 đạt tổng vốn huy động 24.990 tỷ đồng (tăng 250%). Tổng dư nợ: 2015 là 10.073; năm 2016 là 12.058 và 2017 là 14.954 tỷ đồng. Lợi nhuận lần lượt là: 516 tỷ đồng, 544 tỷ đồng và 614 tỷ đồng. Cột mốc 2016 là năm Agribank Đồng Nai đạt danh hiệu “Doanh nghiệp Xuất sắc” của tỉnh Đồng Nai và tiếp tục giữ vững danh hiệu đó ở lần thứ hai kế tiếp 2019 (tỉnh Đồng Nai mỗi 3 năm tổ chức tôn vinh doanh nghiệp và doanh nhân xuất sắc một lần). Cùng với danh hiệu và cột mốc này, Giám đốc Nguyễn Huy Trinh đã được Uỷ ban nhân tỉnh tỉnh Đồng Nai tôn vinh là danh hiệu “Doanh nhân Xuất sắc” của tỉnh hai lần liên tiếp. Ngoài ra, Agribank Đồng Nai nhiều năm liền đạt “Tập thể xuất sắc” toàn hệ thống Agribank Việt Nam.



Chuyện về Agribank Đồng Nai thì nhiều lắm. Chuyện về người Giám đốc thao lược Nguyễn Huy Trinh nhiều lắm. Nhưng dấu ấn và dư âm đọng lại mãi trong anh, theo anh suốt chặng đường dài vừa qua và còn lại trong sắp tới, của người đàn ông đất Bắc, lập nghiệp Phương Nam, cưới vợ Miền Tây và thành đạt thành danh ở Đồng Nai, đó là những gì? Tôi cắt đứt câu chuyện hàn huyên giữa hai chúng tôi bằng một câu hỏi kết lại như như vậy. Anh cũng vắn gọn luôn: “Giờ nhìn lại, nhớ lại những người nông dân nghèo ngày xưa mình quyết định hỗ trợ vay gọi là “xóa đói giảm nghèo”, thật không hối hận chút nào. Họ bây giờ là những chủ trang trại lớn ở Đồng Nai, có người trong số đó rất giàu nữa. Chúng tôi đã là bạn của nhau”.

Sau 30 năm gắn bó với mảnh đất Đồng Nai và Agribank Đồng Nai, ngày 26/01/2021, Nguyễn Huy Trinh nhận quyết định làm Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh TP.HCM (Agribank Sài Gòn). Đến đầu tháng 02/2021 anh chính thức nhận bàn giao công việc tại Agribank Sài Gòn. Thời gian còn quá ngắn ngủi để anh nói về mình trong cương vị mới. Anh chỉ nói một câu khi tôi hỏi về suy nghĩ, cảm xúc của anh. “Đất Sài Gòn không phải là đất của người nông dân và nông thôn. Tôi hiểu điều này nhưng không có nghĩa là tôi làm lại từ đầu. Ngày xưa người nông dân yêu tôi; bây giờ người Sài Gòn cũng sẽ yêu tôi!”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài