Từ luồng Soài Rạp, lật lại hồ sơ dự án khu kinh tế biển Gò Gia (TP.HCM)


Tính khả thi của dự án Soài Rạp
Tiếng chuông từng được cảnh báo

         Mới đây, chính quyền Tp.HCM đã có Văn bản số 4452 kiến nghị Chính phủ cho phép Thành phố ứng trước 300 tỷ đồng từ ngân sách để duy tu, (tái) nạo vét luồng Soài Rạp nhằm tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của tàu biển đi qua luồng sông huyết mạch thứ 2 (sau luồng Lòng Tàu) này để đi vào KCN – cảng Hiệp Phước do quá trình sa bồi diễn ra quá nhanh, mà một năm trước đó vừa nạo vét xong với kinh phí gần 2.800 tỷ đồng. Các nhà khoa học từng cảnh báo về tính khả thi của dự án này, từ khi nó còn là… ý tưởng!

Xuân Thái



Dự án nạo vét luồng Soài Rạp có chiều dài 54 km từ phao số 0 (cửa biển) đến khu vực ngã 3 sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp thuộc huyện Nhà Bè. Sau khi hoàn thành nạo vét đến độ sâu 9,5 mét, luồng Soài Rạp đảm bảo cho tàu 30.000 tấn đầy tải và tàu 50.000 tấn giảm tải vào chở hàng tại các cảng ở KCN - cảng biển Hiệp Phước. Việc đón tàu lớn vào các cảng ở Hiệp Phước cũng nhằm mục đích giúp việc di dời các cảng biển ra khỏi khu vực nội thành Tp.HCM được thực hiện nhanh hơn.

Cảng Hiệp Phước và luồng Lòng Tàu

Việc khánh thành và đưa vào khai thác khu đô thị-cảng công nghiệp Hiệp Phước là một bước phát triển của Tp.HCM và Thành phố đã có thêm một khu đô thị mới tiến ra biển. 


Khi chưa có luồng Soài Rạp, luồng Lòng Tàu là luồng vận tải biển duy nhất lưu thông các tàu biển ra vào khu vực các cảng tại Tp.HCM gồm Cát Lái, cảng Sài Gòn… Theo quy hoạch, Hiệp Phước là trung tâm cảng biển trong cụm cảng số 5, ưu tiên phát triển công nghiệp tàu thủy, du lịch, dịch vụ logistics và vận tải biển mang tầm cỡ khu vực và quốc tế để phát triển Tp.HCM hướng ra biển Đông.

 Khi lập dự án khu cảng công công nghiệp Hiệp Phước, các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng, luồng vào cảng Hiệp Phước nếu theo Lòng Tàu qua mũi Nhà Bè thì chỉ có thể cho tàu trọng tải khoảng 20.000 – 30.000 tn và chạy một chiều mà thôi. Vì vậy, việc chọn Soài Rạp theo tính toán khi nạo vét với độ sâu 9,5 mét sẽ có thể đảm bảo cho tàu tải trọng từ 30.000 – 50.000 tấn ra vào. Sẽ không có gì để nói, nếu ngay từ đầu, việc tiến hành lập dự án đên khi khởi công xây dựng, nhiều nhà khoa học tâm huyết đã từng lên tiếng phản biện về tính khả thi của dự án.



Theo Khoa học gia về Động lực học biển và Công trình thềm lục địa, Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Nghiên cứu viên cao cấp TS. Trương Đình Hiển, khu đô thị cảng biển Hiệp Phước được xây dựng trên một vùng đất có độ cao rất thấp và kết cấu đất yếu hơn nhiều so với các vùng quy hoạch khác như Cát Lái, Thị Vải, Gò Gia. Đây là một khó khăn trường tồn mà chúng ta sẽ phải tốn kém lớn trong quá trình xây dựng.



Việc nạo vét một luồng tàu có độ sâu lớn qua một bãi cạn hàng trăm km2 ở cửa Soài Rạp là điều rất khó khả thi, bởi sự hình thành bãi cạn khổng lồ trước cửa Rạp là do các quy luật về điều kiện tự nhiên tạo nên, khi ta can thiệp bằng nạo vét nó có sẽ lập tức bồi lấp lại để thiết lập lại trạng thái cân bằng đã có (như các hiện tượng đã xảy ra ở cửa Định An và các cửa biển trên khắp thế giới). TS. Hiển đã từng cảnh báo về điều này rất nhiều năm về trước. Tuy nhiên, dự án vẫn được triển khai, luồng Soài Rạp vẫn được nạo vét và đến nay, lại chuẩn bị nạo vét, mà kinh phí cho mỗi lần nạo vét (tính theo năm) là trên 300 tỷ đồng.

Bài toán chi phí và việc lật lại dự án cảng biển Gò Gia

Nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Tuấn Hoa và TS. Bùi Quốc Nghĩa, 2 chuyên gia về kinh tế biển và logistics, từ nhiều năm trước đây cũng đã cảnh báo về nhìn tình hình ngập nước hiện tại của Tp.HCM và cái giá phải trả cho vấn đề này đối với Hiệp Phước, đặc biệt trong tình hình mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. TS. Nghĩa cũng cho rằng, việc nạo vét thường theo chu kỳ (ngắn hạn) luồng Soài Rạp sau khi đưa vào sử dụng vừa khó khả thi lại vừa lãng phí.


Một chuyên gia về giao thông, ThS. Phạm Sanh (ĐH GTVT Tp.HCM) phân tích: Nạo vét luồng lạch là một dự án quan trọng và phải cần tính tới hiệu quả trong lâu dài hàng thập kỷ chứ không phải một vài năm. Dự án nạo vét luồng Soài Rạp cũng không là một ngoại lệ. Mới chỉ trong vòng một năm mà đã bị bồi lắng tới 2,5 triệu m3 bùn đất, và mỗi năm Tp.HCM phải chi hơn 300 tỷ đồng cho việc nạo vét, thì đúng là điều không ổn rồi!


Tiến ra biển Đông, một bước đột phá trong hoạch định chiến lược phát triển của Tp.HCM. Song, dưới góc nhìn của một nhà khoa học hàng đầu với các công trình nghiên cứu về động lực học biển và thềm lục địa được lưu trữ và được xem là “sách giáo khoa” của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) từ thập niên 70 của thế kỷ trước, TS. Trương Đình Hiển cho rằng, về mặt liên kết vùng thì khu vực Hiệp Phước nằm tương đối tách biệt với các KCN lớn như Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Đồng Nai, Biên Hòa. Đó là những khó khăn lâu dài và cần có một lối thoát nhằm khắc phục để có một thành phố cảng biển to đẹp hơn.


“Hơn hai mươi năm về trước (từ năm1990), chúng tôi đã có các nghiên cứu về sự hình thành cảng Gò Gia và khu kinh tế ở đây. Cũng trong thời gian này, một số lãnh đạo của UBND Tp.HCM, Sở GTVT TP, Viện Kinh tế TP đã cùng chúng tôi tiến hành khảo sát khu vực Gò Gia - Giồng Chùa. Các năm tiếp theo đã có các nghiên cứu đầy đủ về các điều kiện tự nhiên và môi trường để hình thành một đặc khu kinh tế biển tầm cỡ quốc gia và khu vực. Những gì chúng tôi đã nêu ra là kết quả của một tổ hợp các công trình nghiên cứu nghiêm túc được tiến hành bởi một tập thể các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm. Và các kết quả nghiên cứu qua nhiều đợt đã được trình bày và báo cáo lên lãnh đạo Tp.HCM qua nhiều năm”. 
Gò Gia là “Dự án một phần tư thế kỷ” mà vừa qua, Lãnh đạo Tp.HCM đã có chủ trương tái khởi động. Theo đó, khu vực Gò Gia – Giồng Chùa có đầy đủ các yếu tố tự nhiên thích hợp để xây dựng một cụm kinh tế biển, một cảng biển nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế: độ sâu thấp nhất là 18 mét, tối đa 46 mét (độ sâu cực kỳ lý tưởng), chiều rộng trung bình từ 500 mét đến 1.500 mét, đạt chuẩn cho tàu 100.000 tấn lưu thông và cập cảng. Về vị trí địa lý, khu vực Gò Gia - Giồng Chùa nằm về phía đông bắc huyện Cần Giờ, có những yếu tố thuận lợi như: toàn khu vực có diện tích khoảng hơn 8.000 ha (gấp 10 lần khu Thủ Thiêm, Q.2); cách trung tâm Tp.HCM 40 km, trung tâm Tp. Vũng Tàu 79 km, cách (dự án) sân bay Long 40 km, có các tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây,… Kết quả nghiên cứu khảo sát về địa chất công trình của nhóm các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tp.HCM cho thấy, có nguồn nước ngầm tại đây (nước ngọt) và rất thuận lợi để xây dựng các công trình bến cảng, kho bãi quy mô lớn. Ngoài ra, khu vực này bão và áp thấp nhiệt đới cũng ít xảy ra, mức độ nguy hiểm của động đất, khả năng xảy ra sóng thần là rất thấp.  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước