Chung tay bảo vệ sông Đồng Nai




Cùng chung tay bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai
Cần tiếng nói chính thức từ các cơ quan trung ương

Việc cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai đồng thời đặt tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông của Việt Nam.

Xuân Thái

Trong một thông cáo phát đi hôm 23/3/2015 vừa qua, Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Vietnam River Network – VRN) đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ việc tỉnh Đồng Nai đã cấp phép cho một dự án lấp sông như vậy.

Từ một dự án cải tạo phát triển đô thị!
Sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn thứ nhì ở phía Nam và là sông nội địa dài nhất Việt Nam. Lưu vực rộng lớn sông Đồng Nai gần như nằm trọn trong địa phận Việt Nam, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An, với chiều dài 586 km, và lưu vực rộng 38.600 km². Sông chỉ có một phần nhỏ nằm ở lãnh thổ Campuchia, và là con sông chính của hệ thống sông Đồng Nai.
Hệ thống sông Đồng Nai chịu ảnh hưởng mạnh của nhiều nguồn tác động trên toàn lưu vực của nó. Trong đó, yếu tố dòng chảy là cực kỳ quan trọng, bởi ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái, môi trường sống cũng như cuộc sống của hàng ngàn, hàng chục ngàn người dân vốn sinh sống hai bên ven sông, từ hàng nhiều thập kỷ nay.
Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai quy mô 8,4 ha, tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai”, đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch 1/500 và chấp thuận đầu tư  tại Quyết định số 2230/-UBND ngày 21/7/2014. Công ty CP Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư dự án Khu đô thị Pegasus Residence nằm hoàn toàn trên phần diện tích 8,4 ha này. Song điều đặc biệt gây bức xúc dư luận cả nước thời gian qua là có đến 72.200 m2 là san lấp mặt sông Đồng Nai để triển khai dự án. 

(Sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa)
Trước phản ứng của giới chuyên gia, nhà khoa học cùng với sức ép của dư luận, ngày 24/3/2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã phát đi thông cáo báo chí thể hiện quan điểm chính thức của lãnh đạo tỉnh về vấn đề này. Trong thông cáo báo chí (TCBC) do Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí ký, Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết: “Việc hình thành dự án cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hình thành từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực, được sự nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan khoa học chuyên ngành có chức năng, và được tiến hành thực hiện, phê duyệt theo đúng thẩm quyền. Việc phát triển như định hướng trên giúp giảm vốn đầu tư của ngân sách, góp phần an dân do hạn chế tối đa bồi thường giải tỏa; đồng thời góp phần cải tạo và bảo vệ bờ sông Đồng Nai, cải tạo cảnh quan, không gian kiến trúc, nâng cao môi trường sống, tăng mảng cây xanh và tiếp cận mặt nước cho đô thị, góp phần phát triển thương mại dịch vụ, tạo điểm nhấn cho Tp.Biên Hòa”.
TCBC nói thêm: Trước đó, “tỉnh Đồng Nai đã cho lập dự án một số đoạn bờ kè và công viên ven sông theo quy hoạch tại khu vực trên, tuy nhiên chỉ với 2 dự án thành phần đã phải giải tỏa hơn 120 hộ dân với chi phí bồi thường chiếm hơn 67% tổng chi phí”. PCT Nguyễn Thành Trí cũng cho biết, từ năm 2008, tỉnh đã giao Sở NN&PTNT ký hợp đồng thuê Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR) để đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông Đồng Nai. Trong Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh, do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện, được UBND tỉnh trích lại, có đoạn viết: “Việc xây dựng các công trình lấn sông ở khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh theo các phương án lấn sông 50m, 75m, 100m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không làm ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận”. Từ đó, Phó chủ tịch Nguyễn Thành Trí khẳng định: “Vị trí kè lấn sông đã được phê duyệt trong điều chỉnh quy hoạch phường Quyết Thắng vào năm 2009, và được thực hiện công khai theo đúng quy định. Việc UBND tỉnh thỏa thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện dự án là đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền theo quy định. Đến nay, dự án thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và đang được thực hiện đúng tiến độ được duyệt” (hết trích).

Đến phản ứng đa chiều từ giới chuyên môn
Các nhà khoa học, các tổ chức chuyên ngành… đã tỏ ra không hài lòng với cách giải thích của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Theo họ, việc con người can thiệp vào dòng chảy tự nhiên của một dòng sông, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến dòng chảy, hệ sinh thái, môi trường thiên nhiên trên toàn bộ lưu vực sông, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống, chất lượng cuộc sống của hàng ngàn, hàng triệu cư dân sinh sống ở hai bên lưu vực sông trải dài qua nhiều địa phương từ hàng trăm năm qua.


(Một đoạn bờ sông đang được san lấp)
Bà Nguyễn Thi Hồng Vân, Điều phối viên của VRN cho biết: “Chúng tôi đánh giá rằng, chỉnh trang cảnh quan đô thị là việc phải làm, và rất cần làm, tuy nhiên những quy hoạch phát triển có liên quan đến sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước ven sông và nước mặt không chỉ nhằm mục đích khai thác sử dụng, kinh doanh để đáp ứng các nhu cầu trước mắt mà còn phải nhằm bảo đảm môi trường trong sạch, giữ gìn được tài nguyên nước của con sông ổn định cho phát triển trong tương lai là một trong những vấn đề hết sức cần thiết, và rất cấp bách cho khu vực”. Trên cơ sở đó, Tổ chức VRN đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự á n“Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, đồng thời đề nghị Công ty Toàn Thịnh Phát dừng mọi hoạt động xây dựng cho đến khi các nghiên cứu về tác động được thực hiện một cách thấu đáo và có sự tham vấn rộng rãi ý kiến của đầy đủ các bên liên quan trong đó có các bộ ngành liên quan ở TƯ, địa phương, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội.
Nhiều nhà khoa học, các cơ quan chức năng TƯ, các cơ quan chuyên môn,… cho rằng họ chưa được tham vấn, tham khảo ý kiến về vấn đề này. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNN cho hay, dự án lấp diện tích sông quá lớn, lên đến 7,7 ha, sẽ gây tác động dòng chảy và lòng dẫn. Việc thu hẹp dòng chảy cũng gây nhiều ảnh hưởng khi mùa lũ về. Ông Hùng đề nghị: “Tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư phải lấy ý kiến Bộ NN&PTNT mà cụ thể là Tổng cục Thủy lợi nhưng Tổng cục Thủy lợi chưa hề nhận được thông tin nào về dự án. Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai nên dừng dự án để rà soát, tính toán lại thật kỹ các tác động tích lũy của nó”.
Một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp, GS.VS. Võ Tòng Xuân, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Australia, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, thì chia sẻ: “Nếu lấp sông để làm một dự án, điều kiện tiên quyết là phải xem xét hạ nguồn vùng cửa sông có bị tác động làm mặn hóa nguồn nước hay không. Bởi nếu người dân, nhất là nông dân nơi đây được chuẩn bị để chuyển canh tác theo hướng mặn hóa từ hoặc ngay trước khi dự án được triển khai, thì tác hại đối với họ sẽ có thể khống chế được, bà con có thể chấp nhận được. Còn ngược lại, hậu quả khôn lường sẽ xảy đến”. 




(Sông Đa Dưng - Lâm Hà, Lâm Đồng, thượng nguồn sông Đồng Nai)

Trong khi đó, KTS. Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, lại có quan điểm khác. Theo ông, đây không phải là dự án lấp sông, thật ra chủ yếu là trả lại phần đất mà trước đây bờ sông bị lở mà không tác động về dòng chảy. KTS. Khương Văn Mười chia sẻ:Biên Hòa là đô thị sông nước, nên khi phát triển cần phải thể hiện được bản sắc sông nước. Khu vực sông Đồng Nai rất lớn nhưng phát triển đô thị ven bờ sông vẫn chưa có công trình kiến trúc nào tạo được diện mạo, ấn tượng cho thành phố. “Để thực hiện một công trình như dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, tôi nghĩ không phải ai cũng đồng thuận, nhưng phải nghĩ đến cái chung lớn hơn. Nếu ngân sách tỉnh có đủ để làm bờ kè và công viên ở đây thì quá tốt, nhưng vấn đề về vốn đầu tư eo hẹp nên việc thực hiện xã hội hóa cũng đang là một xu hướng phù hợp với tốc độ phát triển của địa phương”. Tương tự quan điểm với ông Mười, KTS. Nguyễn Văn Tất, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế TAD cho rằng: “Về dự án này, tôi không nói là nên đứng về nhà đầu tư, nên đứng về phía tỉnh hay dư luận đang phản đối. Điều tôi muốn nói là không nên dùng cảm tính để thay đổi bài tính về mặt khoa học. Hãy để khoa học, hãy để chuyên môn lên tiếng, hãy bình tĩnh và cân nhắc, xác định giá trị lớn nhất dành cho cộng đồng là mục tiêu quan trọng nhất”.
Dư luận, phản ứng trong xã hội về dự án “lấp sông” ở Đồng Nai đang có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều, song đều nhắm đên một mục tiêu là phục vụ cộng đồng sao cho được tối ưu. Các cơ quan TƯ cần có tiếng nói chính thức về vấn đề này, và các tỉnh có liên quan (sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, trong đó có tỉnh Đồng Nai) cũng cần được tham vấn chung, bởi sông Đồng Nai là tài nguyên chung của các địa phương thuộc lưu vực. Chậm một chút mà tạo được sự đồng thuận, thiết nghĩ thật cần thiết đối với một dự án có quá nhiều ý kiến này!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước