Tết Tân Mão 2011, phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng - Cần chính sách cầu hiền cho đất nước

 

Cần chính sách ngoại giao khéo léo

để “cầu hiền” cho đất nước

 

Trần Xuân Thái

-Thưa GS, GS từng nói: Càng có đông người đi du học càng là một dịp may cho đất nước mình; việc họ chưa về kịp, lại là công việc của ta ở bên nhà. Là người từng sống và tham gia giảng dạy tại châu Âu gần nửa thế kỷ qua, GS trải nghiệm điều này như thế nào khi đưa ra nhận xét như vậy?

GS Nguyễn Đăng Hưng:

Trong điều kiện hiện tại của trình độ KH&CN Việt Nam, việc đi du học ở các nước tiên tiến là điều cần thiết cho công cuộc HĐH và CNH đất nước. Việc ngày càng đông người Việt đi du học nói lên thu nhập của người Việt Nam đã tăng, cũng như quan tâm của chính phủ trong việc nâng cao trình độ của các tầng lớp lãnh đạo trong xí nghiệp, cơ sở hành chính, trường ĐH. Đây là cơ may cho đất nước vì người dân cũng như chính quyền đã có ý thức rõ về yêu cầu của tri thức trên bước đường phát triển và canh tân đất nước. Việc du học sinh có điều kiện kéo dài công tác ở nước ngoài, thu thập thêm kiến thức, kiện toàn tay nghề qua thực tập tại các trung tâm nghiên cứu hay xí nghiệp tiên tiến là điều rất tốt, thậm chí nên khuyến khích. Thật vậy, sau khi tốt nghiệp đại học hay cao học, học viên chỉ đạt trình độ chứ chưa chắc đã có tay nghề, đã thâm nhập chuyên sâu. Huống nữa, về nước ngay trong khi điều kiện làm việc chưa có chuẩn bị, lắm khi là một phí phạm đáng tiếc.

 


Trần Xuân Thái

- Đâu là phương án tối ưu cho việc đào tạo chất xám chất lượng quốc tế và đồng thời giảm được tình trạng chảy máu chất xám?

GS Nguyễn Đăng Hưng:

Để giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám, tôi đề nghị nên triển khai mô hình mà tôi đã thực hiện qua 2 chương trình đào tạo các lớp cao học hợp tác với các đại học Bỉ và châu Âu tại ĐHBK Tp.HCM (1995-2008) và ĐHBK Hà Nội (1998-2008). Thật vậy, mô hình du học thạc sỹ tại chỗ ít tốn ngân sách, gắn bó học viên với những công trình xây xựng đất nước, giảm thiểu thời gian lưu trú tại nước ngoài đó là những ưu điểm tiết kiệm ngân sách cùng một lúc không gây thất thoát chất xám. Loại dự án này cần liên kết với các ĐH tiên tiến qua trung gian của các giáo sư tâm huyết với Việt Nam, đặc biệt các giáo sư Việt kiều đang hành nghề hay đang nghĩ hưu tại hải ngoại. Dĩ nhiên là phải cảnh giác với giới lừa đảo và có kiểm tra nghiêm túc ngay từ đầu thông qua các chuyên gia có tầm cỡ quốc tế. Những liên kết đào tạo phát hiện gần đây có nhiều tiêu cực vì ta thả lỏng cơ chế kiểm tra. Mà ban kiểm tra phải là thành phần ĐH có chất lượng, khách quan vô tư…

Trần Xuân Thái

- Nghĩa là, để “cầu hiền” cho đất nước, ta cần phải có các chính sách “ngoại giao khéo léo”?

GS Nguyễn Đăng Hưng:

Đúng vậy! Vấn đề là chính phủ phải tích cực xây dựng cho được tại Việt Nam một môi trường làm việc thân thiện, hấp dẫn, dân chủ, cởi mở, chuẩn bị cơ chế lương tiền hợp lý, xây dựng những kênh thông tin qua lại thường trực với cựu du học sinh để tối ưu hóa hành trình trở về phục vụ của họ… Có được như vậy phần đông họ sẽ trở về thôi. Người Việt nào mà chẳng muốn dành tài sức của mình cho đất nước. Tôi nghĩ Việt Nam nên tìm hiểu những chính sách mà Singapore đã triển khai trong những năm 70 của thế kỷ trước, hay những biện pháp mà Trung Quốc đã  áp dụng ngày họ bắt đầu mở cửa.

Trần Xuân Thái

-Là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, GS đã thường nói đào tạo người có trình độ khoa bảng chưa đủ mà còn phải có không gian môi trường làm việc thoả đáng cho chuyên gia và trí thức? Vậy vấn đề của nó là gì?

GS Nguyễn Đăng Hưng:

Như tôi nói ở trên và gần đây GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học Việt Nam đầu tiên đoạt giải Fields năm nay, đã nhiều lần nhắc nhở là khoa học cần một không gian tự do, một môi trường dân chủ cởi mở thông thoáng. Khoa học phát triển không ngừng, mà phát triển chính là bác bỏ cái cũ, phát huy cái mới, công khai công bố những thành quả ra diễn đàn quốc tế cho mọi người biết đến để kiểm nghiệm, xác tín. Nhà nước trong điều kiện cho phép phải đầu tư cho việc tạo dựng hình thành môi trường mở này, cung cấp kinh phí để xây dựng phòng thí nghiệm, để các nhà khoa học tham gia hội nghị, tổ chức hội thảo, xuất bản và tán phát sách báo. Dĩ nhiên một nước trên đường phát triển như Việt Nam ta không thể có hết một sớm một chiều, nhưng việc khởi đầu một tư duy mới là cần thiết. Tư duy khép kín chung quanh cái ao làng phải dành chỗ cho tư duy mới tự do và dân chủ…

Trần Xuân Thái

- Ở các quốc gia tiên tiến, việc lựa chọn nhân tài như thế nào, thưa GS?

GS Nguyễn Đăng Hưng:

Trước hết người ta xác định trường học là nơi trau dồi kiến thức, hình thành nhân cách rồi sau đó mới là nơi đào tạo chuyên môn. Mọi khả năng dùng trường học làm nơi tuyên truyền cho phe phái chính trị hay các nhóm lợi ích phải được xóa bỏ. Bậc mẫu giáo và bậc THPT được mở rộng cho mọi tầng lớp nhân dân và mọi chi phí là do nhà nước đảm trách. Chi phí bậc CĐ và ĐH không được quá cao, vì nguyên tắc là phải tạo cơ may cho mọi từng lớp nhân dân vào ĐH. Những gia đình có thu nhập thấp được chiếu cố đặc biệt với chính sách học bổng cho con em với những tiêu chí ưu tiên cho người học trò giỏi.

Việc đào tạo người thầy được coi trọng để đảm bảo chất lượng chung cho giáo dục. Lương bổng cũng được tính sao cho hợp lý để giữ chân thầy giỏi và cuộc sống trung bình của giới giáo chức phải khả quan trong mặt bằng xã hội. Trong môi trường giáo dục lành mạnh và thông thoáng như vậy, nhân tài sẽ được thoát ra từ các cuộc thi tuyển, thi cuối năm, thi tốt nghiệp. Thí dụ như ở Mỹ, các trường ĐH lớn không nhận vào làm giáo sư các tiến sỹ do chính trường mình đào tạo mà sẽ chọn nhân sự đến từ các trường ĐH khác. Những năm đầu làm trợ giáo tại ĐH Liège, tôi đã từng thay thế thầy tôi chấm thi cho con thầy vì thông lệ không cho phép cha chấm bài thi của con.

Trần Xuân Thái

- Vậy, làm thế nào để ta có thể tranh thủ được thật tốt chất xám của trí thức Việt kiều về nước tham gia đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng đất nước?

GS Nguyễn Đăng Hưng:

Đây là đề tài lớn, tôi chỉ đề nghị được trả lời ngắn gọn 3 điểm chính yếu.

Trước hết, phải xây dựng cho được một môi trường xã hội công bằng minh bạch, một môi trường ĐH hay viện nghiên cứu tự do dân chủ thông thoáng và thân thiện. Công bằng minh bạch có nghĩa là người đứng đầu phải có thực tài và đức độ. Thông thoáng và thân thiện có nghĩa là không gò bó, không quan liêu mệnh lệnh, không kỳ thị lý lịch phiền hà.

 


Kế đến, muốn có trí thức Việt kiều đông đảo về giúp nước, trước hết phải đối đãi tốt với trí thức trong nước, tạo điều kiện thông thoáng cho họ phát huy như tự do phản biện, tự do thành lập các hội chuyên ngành, bảo đảm tính độc lập khách quan của sinh hoạt trí thức… Sau hết, phải có chính sách lương tiền, điều kiện ăn ở đi lại hợp lý không quá xa với điều kiện thông thường ở các nước mà người Việt kiều đang công tác. Làm sao tập hợp được số đông người này để có thể sử dụng được thứ chất xám quý giá ấy? Tôi cho là, rất cần quyết tâm chính trị, trình độ và nghệ thuật lãnh đạo. Ở đây yếu tố Việt kiều là rất cần thiết: ai là người có kinh nghiệm lâu năm cọ xát với nghiên cứu khoa học, cạnh tranh công nghệ quốc tế? Tất cả những việc này không có gì mới, nhiều nước đã làm rồi, gần ta nhất là Singapore và Trung Quốc.

Trần Xuân Thái

- Sau nửa thế kỷ sinh sống và giảng dạy ở nước ngoài, trong đó có mười mấy năm lăn lộn con thoi đi – về trong nước và nước ngoài, GS cảm nhận và chia sẻ được điều gì?

GS Nguyễn Đăng Hưng:

Trong nửa thế kỷ sinh sống và làm việc tại Bỉ, tôi đã có 40 năm giảng dạy tại ĐH lừng danh Liège, đi thỉnh giảng dài hạn tại nhiều nước trên thế giới. Tôi thâu thập được nhiều bài học về các chính sách giáo dục, về các phương thức quản lý ĐH của nhiều nước.

 


Lăn lộn tại Việt Nam đã hơn 20 năm tôi cũng nắm bắt được tình hình cụ thể của nền giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Phải nói rằng, nền giáo dục Việt Nam có nhiều vấn đề có tính hệ thống mà việc khắc phục, cải tiến lại quá chậm chạp. Tôi thấy trên lĩnh vực ĐH, nạn “di tản” du học đã phát triển trên bình diện quy mô. Ai có chút tiền cũng muốn gởi con ra ngoại quốc. Ra các nước tiên tiến là chuyện thường tình, song họ sẵn sàng gởi sang các nước trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn, miễn là ra khỏi Việt Nam! Đây thực sự là “triệu chứng” mất lòng tin trầm trọng của dân chúng vào nền giáo dục của chính nước mình. Rồi mấy năm gần đây việc gia tăng học phí ở cấp phổ thông lại kéo theo một hậu quả đương nhiên là tình trạng bỏ học ngày càng rõ nét, đặc biệt ở vùng xa vùng sâu. Tình trạng chạy theo thành tích lại tái phát hiện ở nhiều nơi, nếu ta xem kỹ kết quả của những kỳ thi trung học vừa qua. Việc phát động phong trào nâng cao chất lượng các trường đại học là một điểm tốt nhưng cơ quan kiểm định lại chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan vô tư và nạn vừa đá bóng vừa thổi còi là phổ biến. Tôi cảm thấy rất lo lắng cho tương lai. Bộ trưởng mới Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận sẽ có nhiều việc phải làm vì công cuộc cải tổ nền giáo dục vẫn còn bề bộn ở phía trước. Tuy nhiên tôi hy vọng sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, sẽ có một sự khởi đầu quyết liệt cho những chính sách làm thay đổi sâu đậm nền giáo dục nước ta.

Trần Xuân Thái

-Xin cảm ơn GS, và xin được chúc mừng GS vừa được Nhà vua Bỉ trao tặng Huân chương Đại thần Vương quốc Bỉ vào năm 2010.



 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước