Người đàn bà nghịch cát - 2007



             NGƯỜI ĐÀN BÀ NGHỊCH CÁT
                      Nghệ nhân Ý Lan – người vẽ cát nên tranh
                                                                                                          

Chị rất tự nhiên và cởi mở khi tiếp chuyện người đối diện như đã quen biết từ lâu rồi. Chị lại còn là một người đẹp theo đúng nghĩa, bởi đã từng ba lần đoạt giải người đẹp trong và ngoài nước. Nhưng điều hơn nữa mà tôi muốn nói đây, chính là những sản phẩm - đứa con tinh thần của chị. Chúng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, làm mê hoặc người thưởng ngoạn trong và ngoài nước như là những tuyệt tác có một không hai, lại được tạo thành từ những hạt cát li ti lấy từ khắp mọi miền đất nước, qua đôi bàn tay khéo léo, huyền hoặc của chị. Đó là chị Trần Thị Hoàng Lan, mà người ta quen gọi là nghệ nhân Ý Lan, gắn liền với những đứa con của chị - Tranh cát Ý Lan.

Xuân Thái 

 Chị đã từng đạt danh hiệu Á hậu thứ nhất trong cuộc thi hoa hậu Thái Lan Noppamas mang tên “Người đẹp dưới nước” với giải thưởng “Nàng tiên cá”. Lại từng là chuyên viên trang điểm nổi tiếng của 16 năm về trước với biệt danh “bàn tay phù thuỷ”, chị cũng từng là giáo viên và là hiệu trưởng của trường nữ công gia chánh nổi tiếng bấy giờ của Tp.HCM- Trường NCGC Nghệ Xá, sau đổi là Trường Dạy nghề Ý Lan. Năng khiếu và sự khéo léo của chị thì không ai phải bàn cải, nhưng niềm đam mê…cát của chị đã biến những hạt cát nhỏ bé xíu kia thành những bức tranh nghệ thuật độc đáo thì thật là đáng thán phục!


Tình cờ bén duyên với…cát
Trong một lần về thăm quê chồng ở vùng biển Phan Thiết cách nay sáu năm, Ý Lan bất ngờ được tận mắt chiêm ngưỡng những bãi cát ngút ngàn đến tận chân trời. Từ bỡ ngỡ đến choáng ngợp, rồi chị như đắm mình vào nó như muốn ôm hết đồi cát vào lòng. Rồi cũng thật tình cờ khi đem về những vốc cát thiên nhiên nhiều màu sắc ấy về làm “đồ chơi” kỷ niệm, chị mới cảm nhận được “hồn cát” ấy đẹp đẽ biết dường nào! Những hạt cát li ti đẹp óng ánh với ba màu sắc đầu tiên đem về, bỗng nhiên được chị thổi hồn vào khi đựng trong một chiếc ly thuỷ tinh trong suốt với bố cục khéo léo như cắm hoa, dành tặng sinh nhật chồng. Một ý nghĩ ngộ nghĩnh chợt thoáng qua rồi đọng lại trong ý nghĩ của Ý Lan: Hay là ta thử làm một cái gì đó từ cát, một ngôi nhà chẳng hạn! Trẻ con vẫn hay chẳng đắp cát làm nhà đó sao?
Nghĩ là làm ngay. Chị lặn lội trở ra Phan Thiết, đào bới xới tìm cho thêm nhiều màu hơn nữa trong bộ sưu tập cát. Khi đã được 7 màu, Ý Lan quyết định vẽ tranh từ cát; lúc đầu là những ngôi nhà ngộ nghĩnh trong những chiếc ly uống nước. Cứ vậy, những hình mẫu ngày càng lộ ra rõ nét hơn, giống hơn, xoay tròn trong những chiếc ly trong suốt xinh xắn kia. Chị mê cát rồi yêu nó lúc nào không hay. Cho đến một ngày đầu Xuân Ất Dậu, chị đã xác lập được Kỷ lục Guinness Việt Nam, với kỷ lục “Người tìm ra nhiều màu cát tự nhiên nhất Việt Nam”. Đó là ngày 2 tháng 2 năm 2005 với 33 màu cát. Có lẽ bước ngoặt cuộc đời nghệ thuật của Ý Lan chính thức bắt đầu từ đây.


Cuộc “tìm kiếm nghệ thuật” và trở thành “Nữ hoàng Cát”
“Gian nan nhưng thú vị, nhất là hành trình đi săn lùng cát. Có những loại cát dễ dàng tìm thấy như cát nâu, cát vàng, đỏ. Có loại phải lên tận núi cao mới lấy được như cát trắng bạc; có loại phải đào sâu dưới lòng đất như cát đen, hay như màu vàng nghệ phải lên đỉnh đồi mới tìm thấy”. Ý Lan chia sẻ cảm xúc như vậy. Bây giờ thì không phải là 33 mà đã là 81 màu cát tự nhiên trong bộ sưu tập “Màu của cát” của chị. Hơn phân nửa trong số đó là từ Phan Thiết, còn lại ở khắp mọi miền đất nước. Nơi nào Ý Lan đặt chân đến, nơi đó cát bị bắt phải lên tiếng. Chị còn cho biết thêm, nơi vốn được mệnh danh là thiên đường của cát là Ai Cập, cũng chỉ tìm được 6 màu cát thôi.
Thiên nhiên là nguồn tạo cảm hứng nghệ thuật của chị. Nơi chị cất tiếng khóc chào đời là Sóc Trăng, một vùng đồng bằng Nam bộ xinh đẹp hiền hòa, thiên nhiên quyến rũ, lại là nơi giao thoa của 3 nền văn hóa: Kinh – Hoa – Khmer, nó là chiếc nôi, là dòng sữa mẹ, chăm chút cho cái năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh nơi chị. Rồi chị lớn lên và học tập ở DakLak, nơi mà chị thường trốn học, ra suối đuổi bướm, lắng nghe tiếng suối róc rách như viết từng kỷ niệm vào dòng ký ức của chị. Rồi “tiếng sét ái tình” từ Phan Thiết, đã khiến chị như ôm trọn cát vào lòng, gầy dựng và xây đắp cả một cơ đồ từ cát và bằng cát, để đến với thiên nhiên và nghệ thuật. Thế mới biết thiên nhiên đã cho con người những tặng vật xinh đẹp và kỳ diệu biết bao nhiêu. Chị tự hào “Là người đầu tiên tìm ra những hạt ngọc quý tiềm ẩn trong thiên nhiên. Tranh cát chỉ là cách đưa những tặng vật kỳ diệu ấy của thiên nhiên đến với mọi người”.

Nghệ thuật đã trở thành nghiệp dĩ
Ý Lan vẽ tranh cát như thở. Chị vẽ một cách say mê. Chị không còn là một giáo viên dạy nấu ăn hay dạy “make up” của ngày nào. Bàn tay khéo léo vốn có của chị đã dành hết cho việc “yêu cát”. Chị dành toàn bộ thời gian và tâm lực cho những đứa con tinh thần, sắp xếp những “hạt ngọc” lấp lánh li ti sao cho thành những lưu ức thiên nhiên có hồn. Mỗi tranh cát Ý Lan là một cõi riêng của thiên nhiên, con người, sinh vật cùng những tĩnh vật đầy hàm ý. Một ngôi nhà xưa gợi lại ký ức quê hương Sóc Trăng nơi chị cất tiếng khóc chào đời. Một lão nông hiền lành chất phác. Một người mẹ quê đầy lam lũ gợi nhớ đấng đã cưu mang chính mình. Một chiếc xuồng nhỏ 3 lá rẻ nước lướt nhanh. Hay là chỉ mỗi chữ Tâm được viết theo lối thư pháp,vv và vv…Tất cả đã tạo nên tranh cát Ý Lan đầy màu sắc thiên nhiên hữu tình.
Lúc đầu, tranh cát của chị chỉ là những đường nét đơn sơ, vẽ mà như là mô phỏng hay phác thảo, và cũng có thể thực hiện từ việc chép lại những bức tranh đã có sẵn. Không ai “tố cáo” chị “đạo tranh”, lại còn ngạc nhiên và khuyến khích. Rồi chị như được nước tiến lên, rót cát thành những bức tranh phức tạp hơn và ngày càng trau chuốt hơn. Chị đã hóa thân cho cát có một sức sống mãnh liệt. Chị bắt đầu nghĩ tới việc vẽ những bức chân dung. Chị đã thành công lần đầu tiên trong bộ sưu tập tranh cát về Bác Hồ, qua 22 chân dung khác nhau của vị lãnh tụ dân tộc. Rồi sau đó là Bảo tàng Tôn Đức Thắng đến nhờ chị “chấp cọ”. Tranh chân dung đã khẳng định bản lĩnh, đẳng cấp và tay nghề của chị. Chị đã hoàn chỉnh về phong cách nghệ thuật sáng tác, bởi phải tập trung cao độ với một sự cần mẫn và tinh tế siêu việt mới có thể thể hiện hay lột tả được cái hồn của một nhân vật qua bức chân dung bằng…cát. Chị không học ngành nghệ thuật hay mỹ thuật một ngày nào ở giảng đường, đã trở thành…mẹ đẻ của một ngành nghệ thuật mới toanh, chỉ có ở Việt Nam – tranh cát; và hằng ngày, chị vẫn đào tạo nhiều sinh viên mỹ thuật tìm đến chị. Giới mỹ thuật cũng phải thầm thán phục chị. Chị kể, có một lần, một nhà báo tìm đến chị và không giấu diếm rằng rất hoài nghi về những bức tranh cát chị đã làm ra. Chị liền lập tức đổ bỏ bức tranh cát, trước sự ngỡ ngàng của mọi người; rồi khi được đề nghị thực hiện lại, chị từ từ đổ cát thành 2 con chim xinh đẹp trước mặt quan khách. Đó là một kỷ niệm vui mà chị không bao giờ quên được.



Vẫn còn một thao thức
Tranh cát Ý Lan nhanh chóng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, như là một ngành nghệ thuật mới mẻ đầy hấp dẫn.
Khi còn đang tiếp chuyện với tôi tại ngôi biệt thự Hải Lan nhà riêng xinh đẹp đến mê hồn, đã có những hai đoàn khách một trong nước một nước ngoài tìm đến để xin được quay phim. Chị đã phải trở thành một diễn viên bất đắc dĩ bận bịu suốt ngày với những người như họ. Chị cho biết, đã có một số tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc, Nhật Bản,…vì không tin những “thông tin vịt” về người đàn bà vẽ cát nên tranh, đã tìm đến mục kích và quay phim toàn bộ thao tác hóa cát thành tranh của chị. Họ rất kinh ngạc và không thể tin nổi vào mắt mình một người phụ nữ Việt Nam kỳ lạ như thế. Rồi họ loan truyền. Tiếng lành đồn xa, nhiều tập đoàn kinh tế của Singapore, Đài Loan, Canada,… đã đặt vấn đề mua chị, nhưng không phải là mua sản phẩm mà là công nghệ. Họ sẵn sàng trả thù lao cho chị vài chục đến vài trăm ngàn đôla cho sáu tháng xuất ngoại và truyền nghề của chị cho họ. “Nếu vì đồng tiền, tôi đã bán đứt công nghệ cho họ từ lâu rồi. Họ sẵn sàng chờ và sẵn sàng mua cả đôi bàn tay của tôi”. Chị đã nói như vậy, khi biết họ đang có ý định đăng ký sở hữu bản quyền đứa con tinh thần và đôi bàn tay nghịch cát của chị, nếu chị hợp tác với họ và bán đứt cho họ. Vậy mà chị có đồng ý đâu, khi nghĩ rằng tranh cát không phải là của riêng chị mà là của công chúng yêu chị, là quà tặng của thiên nhiên cho đất nước Việt Nam của chị. Chị thầm nghĩ, nếu nó có được xuất ngoại, nó phải có chủ ở Việt Nam trước. Vậy là chị tiến hành làm đề nghị xin “đăng ký khai sinh” cho môn nghệ thuật mới mẻ này. Đến nay, đã 3 lần chị làm hồ sơ xin đăng ký sở hữu trí tuệ, đều nhận được sự im lặng khó hiểu từ những người có trách nhiệm. Có thể nó chưa từng có trong danh mục ngành nghệ thuật nào của thế giới nên không biết gọi nó là gì, cũng có thể sở hữu trí tuệ hay bản quyền tác giả chỉ được cấp cho những ngành thuộc về kỹ thuật hay công nghệ? Vậy thì nên giải quyết thế nào đây cho hợp tình hợp lý, khi cách nay không lâu, trường hợp Võng xếp Duy Lợi phải khăn gói sang nước ngoài kiện cáo rùm beng, may mà ta đã thắng kẻ “đạo chất xám”.
Công bằng mà nói, tranh cát Ý Lan không phải chỉ của Ý Lan, mà nó vì được thực hiện từ ý tưởng và chất xám của người Việt Nam, nguyên liệu cát hoàn toàn từ Việt Nam, do bàn tay khéo léo và tinh tế của người Việt Nam, và sản xuất tại Việt Nam, nên việc đặt tên và khai sinh chủ quyền cho nó là điều hoàn toàn hợp lý và có thể.


Thay lời kết
Sau khi rất thành công trong việc thực hiện 21 bức chân dung của 21 vị nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị APEC Việt Nam 2006, làm quà tặng như một gửi gắm về một đất nước Việt Nam đổi mới; sau khi đồng ý cho UBND Tp.HCM phối hợp Sở VHTT mượn những bức tranh cát triển lãm cho du khách APEC tại Tp.HCM, như là những sản phẩm kinh tế - nghệ thuật của thành phố; cũng như sau khi Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư Việt Nam đem tranh cát của chị đi “ra mắt” tại Trung Quốc vừa qua; nghệ nhân Ý Lan đã quyết định thành lập Công ty Tranh Cát Ý Lan, với mong muốn đem tranh cát đến với các nước trên thế giới. Mặc dù theo như chị nói, chỉ có thể làm ra tối đa 600 sản phẩm một tháng, một vài công ty của Đức, của Ý, Nhật lại muốn nhập từ trên 1000 sản phẩm (cho mỗi quốc gia) cho mỗi tháng. Một ngành xuất khẩu mới có thể là không nhỏ cho chị và cho đất nước. Vậy mà chị vẫn hoài một ưu tư như thể đã mệt mỏi rồi: Ngộ nhỡ họ bảo ta xuất tranh của họ cho họ thì sao?



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Gặp những người phong miền sơn cước