Xuân Kỷ Sửu 2008, viết về một trí thức Việt kiều GS Nguyễn Đăng Hưng





Người “tiếp thị” chất xám cho Tổ quốc
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng – một cuộc đời một thao thức


Nguyễn Đăng Hưng là một nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng. Ông có bộ óc lớn và một trái tim rộng mở, luôn thao thức và biết chia sẻ những tri thức mình tích lũy được cho thế hệ trẻ trong nước bằng một tấm lòng cầu thị cho dân tộc. Với ông, nếu không làm được việc đó là “có tội với tiền nhân!”. Rồi ông trở thành đối tác thân thuộc và đầy tín nhiệm của những hãng xe hơi lừng danh thế giới: Mercedes, BMW, Audi, Porsche,…và Airbus, ESA (Cơ quan Hàng không và Không gian châu Âu) khi quyết định chuyển sang hoạt động nghiên cứu và kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
                                                                                                  XUÂN THÁI

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941, tại làng Bồ Mưng, phủ Thanh Quít, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam) trong một gia đình nông dân tương đối khá giả, cha đi học Quốc học Huế, sau đi kháng chiến ở Liên khu V, mẹ tử thương trong một đợt càn quét của lính đánh thuê trong quân đội thực dân Pháp lúc ông vừa tròn 11 tuổi.


Năm 1954, chiến tranh tạm lắng, thân sinh của Hưng đã đưa gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp trong cảnh “gà trống nuôi con”. Rồi ông cụ cũng ra đi trong một cơn bạo bệnh. Hưng phải “nuốt” hết chương trình tiểu học trong vòng 2 năm để có thể theo kịp chúng bạn, vì gián đoạn liên tục ở những lớp bình dân học vụ khi còn ở vùng quê bom đạn. Lên trung học, cậu Hưng đã phải “học nhảy” một năm hai lớp, để rồi 3 năm sau, năm 18 tuổi Nguyễn Đăng Hưng đã đỗ Tú tài hạng xuất sắc, và đoạt được học bổng du học Hoàng gia Bỉ, một trong 3 suất học bổng duy nhất thời bấy giờ. Sau 6 năm miệt mài kinh sử nơi đất khách quê người, năm 1966, Nguyễn Đăng Hưng tốt nghiệp Kỹ sư Vậy lý-Hàng không và Không gian tại Đại học lừng danh Liège, Bỉ quốc, rồi trở thành TSKH ngành Cơ học phá hủy năm 1984, Giáo sư trưởng, Chủ nhiệm bộ môn Cơ học phá hủy, Khoa Hàng không và Không gian ĐH Liège (1991 – 2006). Bước ngoặt cuộc đời của Hưng có lẽ đã bắt đầu từ đây.

Về với Tổ quốc
40 năm giảng dạy tại tại nhiều đại học nổi tiếng trên thế giới (Bỉ, Pháp, Đức, Mỹ, Canada,...), GS Nguyễn Đăng Hưng luôn tâm niệm phải làm điều gì đó cho đất nước, cho tiền đồ của dân tộc. Một số nước phát triển hiện nay có ngân sách hỗ trợ cho việc đào tạo ở các quốc gia đang phát triển. Việt Nam lúc bấy giờ, có nhu cầu rất lớn trong việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực chất xám.
Năm 1976, GS Hưng là một trong những người Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên về nước thăm quê hương. Đến năm 1977, thông qua Ủy ban KHKT Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ bấy giờ là Phạm Văn Đồng đã có thư mời GS Hưng về nước tổ chức chương trình Hội thảo khóa thỉnh giảng Hè về Khoa học máy tính, mô hình tính toán các cấu trúc phức tạp bằng phương pháp phần tử hữu hạn, một lĩnh vực nghiên cứu của GS. Khoá thỉnh giảng được tổ chức tại trường Đại học GTVT Hà Nội với đông đảo các trường khác và Viện Cơ học tham gia trong thời gian 2 tuần. Đây là ngành nghiên cứu hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam thời bấy giờ. Khóa học đã gặt hái được thành công bước đầu. Từ đây, GS Hưng ôm ấp hoài bão chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cho thế hệ trẻ của đất nước, những mong họ có thể tiếp nối cha anh mà đuổi kịp các quốc gia phương Tây. Nhưng kế hoạch bị gián đoạn do tình hình kinh tế và xã hội đất nước vào năm 1979 – kinh tế kiệt quệ, đất nước bị cấm vận, chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Tất cả đã “nhấn chìm” hoài bão và lòng nhiệt huyết của GS Hưng. Lần đó, ông trở về Bỉ và gia nhập quốc tịch Bỉ, sau gần 20 năm sống ở nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam.


Mười năm sau, năm 1989, GS Hưng trở lại Việt Nam, và thông qua hơn 10 dự án con (ước khoảng 100 nghìn USD) nhằm chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ giảng viên cho Việt Nam. Một tiến sĩ và 6 thạc sĩ tốt nghiệp tại Bỉ trong giai đoạn 1990 – 1995 là những thành quả khiêm tốn bước đầu của ông.
Là một người đầy tâm huyết, GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng đã nhìn ra yêu cầu khẩn thiết của việc đào tạo đông đảo cán bộ giảng dạy cao cấp tại Việt Nam. Năm 1995, ông quyết định làm bước đột phá viết đề án xin Chính phủ Hoàng gia Bỉ tài trợ 350.000 USD để thực hiện dự án đào tạo thạc sĩ kỹ sư cho Việt Nam. Dự án được cho là “không theo thông lệ các DA của Chính phủ Bỉ” nên ban đầu bị khước từ. Song, nhờ mối quan hệ thân hữu “cùng là thế hệ ủng hộ Việt Nam và chống chiến tranh tại Việt Nam”, với những người bạn cũ thời đại học, đang làm việc trong Chính phủ Hoàng gia Bỉ, DA đã được xét đợt 2 và cấp kinh phí. Mặc dù vậy, nếu không nhờ cuộc “vận động hành lang chính đáng” tại Việt Nam, Chương trình đào tạo cao học Bỉ-Việt về ngành xây dựng tại ĐHBK Tp.HCM (EMMC) và Chương trình đào tạo cao học Bỉ-Việt về Tính mô phỏng các chương trình liên tục (MCMC) tại ĐHBK Hà Nội, đã khó có thể trở thành hiện thực. “Các chương trình EMMC và MCMC được thành lập và vận hành trong giai đoạn nhá nhem của thập kỷ 90 tại Việt Nam, lòng người còn ly tán, bóng tối vẫn còn rình rập và vật cản không phải chỉ đến từ một phía!”. GS Hưng đã trải nỗi lòng mình như vậy.
Và ông chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng, cách thức du học tại chỗ này có nhiều ưu điểm không thể chối cãi. Về kinh tế, nó ít tốn kém (chỉ bằng 1/10 du học tại Thái Lan). Về phương diện xã hội, cho phép tránh được việc làm chảy máu chất xám sang các nước phát triển. Và về thực tiễn, làm hiệu quả hơn sự tham gia của nghiên cứu khoa học ở các trường đại học về những đề tài kỹ thuật gắn liền với thực tế ở các nước đang phát triển nhất là Việt Nam”.
Đến nay, sau 12 năm triển khai thực hiện (10/1995 – 9/2007), Chương trình đào tạo Cao học Bỉ-Việt đã gặt hái được những thành quả rất tích cực. Tổng kết Chương trình EMMC và MCMC tại Tp.HCM và Hà Nội vào đầu tháng cuối cùng của năm 2008 vừa qua, đã đào tạo được 318 thạc sĩ khoa học, trong đó có 19 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, cùng gần 60 học viên khác đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ, tại những trường danh tiếng bậc nhất thế giới như Bỉ, Canada, Anh, Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Áo, Nhật Bản, Hà Lan,... Học trò của thầy Hưng ngày nay, có người đã trở thành những nhà khoa khoa học nổi tiếng, tham gia nghiên cứu và giảng dạy trong nước và nước ngoài.

 Trở thành một DN công nghệ hàng đầu
Sau bao tháng ngày xuôi ngược con thoi trong và ngoài nước cho DA được hoạt động thuận buồm xuôi gió; và để có được một “cơ ngơi” cho hoạt động nghiên cứu thực tiễn, vừa tạo điều kiện cho các học trò của mình có dịp ứng dụng kiến thức tại Việt Nam, trong lĩnh vực Cơ học ứng dụng còn non trẻ, GS. Nguyễn Đăng Hưng quyết định sáng lập Công ty Công nghệ quốc tế Hưng Việt (Hung Viet Technology – HVT) vào tháng 11/2005.


Việc ra đời của HVT còn là một cái duyên. Số là, GS. Hưng trước đây từng có quen biết với một số công ty công nghệ cao ở Đức và châu Âu, do lĩnh vực hoạt động của mình. Những năm đầu của thế kỷ XXI này, một số trong số họ muốn sang Việt Nam tìm cơ hội làm ăn và hợp tác. Họ đã “tìm ra” (cách nói của ông - NV) GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng, và đặt vấn đề yêu cầu GS giúp họ mở mang tại Việt Nam; theo đó các tập đoàn này sẽ hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các hoạt động. Đầu năm 2006, GS. Hưng nghỉ hưu và về sống tại Tp.HCM, cùng lúc với 2 Chương trình EMMC và MCMC sắp chấm dứt. “Tôi đã chấm dứt đúng lúc và trao lại những gì cần thiết cho các cơ quan chức năng đôi bên”. GS. Hưng tâm sự. Tháng 3/2006, HVT chính thức đi vào hoạt động, với đội ngũ nhân sự là những môn đệ tài giỏi và có tâm huyết. Hiện tại, HVT sử dụng những phần mềm có kỹ năng cao, tạo dựng những gói dữ liệu thiết kế kỹ thuật điều khiển các robot chế tạo xe hơi.
Sau 3 năm hoạt động, từ 3 kỹ sư ban đầu, đến nay HVT đã có được 29 kỹ sư chuyên nghiệp, với 5 kỹ sư hàng đầu là những học trò có tâm huyết. Đối tác của HVT là những khách hàng cực kỳ khó tính trên thế giới: Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche,.. Một chuyên gia của Đức là đối tác của HVT đã phải thừa nhận: “Ba năm tại Việt Nam bằng chúng tôi đầu tư một thập kỷ vừa qua tại Ấn Độ!”. GS. Hưng cũng  “bật mí” cho biết, vì được tín nhiệm cao trên trường quốc tế, HVT vừa nhận được lời mời của các công ty châu Âu xây dựng hợp doanh về thiết kế, mô phỏng các mô hình về Cơ học rạn nứt phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt các trang thiết bị máy bay, tàu vũ trụ...
Đó là nhà giáo, nhà khoa học lão thành bậc thầy, Giám đốc Công ty Hưng Việt Technology International (HVTI), GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, người được mệnh danh “tiếp thị” chất xám về Việt Nam.










Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài