Xuân Đinh Hợi 2006, viết về cây sâm Ngọc Linh - PGS.TSKH Nguyễn Thới Nhâm






Một đời người một loài cây
PGS.TSKH Nguyễn Thới Nhâm và cây sâm Ngọc Linh
                                                                      

Có một loài cây cực kỳ quý hiếm, mà sự tồn tại và phát triển của nó, luôn gắn chặt với tên tuổi một con người. Và cũng có một người mà cuộc đời và sự nghiệp luôn gắn chặt với một loài cây, đến độ, ăn cũng nó, uống cũng nó, thao thức về nó, yêu và trăn trở với nó, và gần như dành trọn sự nghiệp khoa học cho nó. Đó là cây sâm Ngọc Linh (sâm K5) Việt Nam và PGS. TSKH Nguyễn Thới Nhâm, người khai sinh ra tên tuổi của loài sâm cực hiếm này, và đem nó vượt khỏi không gian quốc gia đến với bạn bè quốc tế với cái tên rất Việt Nam: Panax vietnamensis Ha et Grushv. – Araliaceae.
                                                                                             Xuân Thái

Không khó lắm để tôi có thể tìm được nhà riêng của nhà khoa học lão thành 75 tuổi, PGS.TSKH Nguyễn Thới Nhâm, giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm NCT – NACATI FOOD Inc. Nhưng lúc tìm được nhà của ông, tôi mới thấy thật không dễ  chút nào, nếu trước đó không chịu khó lấy giấy bút ra ghi theo sự chỉ dẫn - gần như là điều kiện “bắt buộc” - của vị giám đốc già, nhà khoa học quá kỹ tính này, nếu không muốn lạc đường như nhiều người khác từng tìm đến ông. Đó là một ngôi biệt thự cổ kính thuộc phường An Phú Đông, quận 12, Tp.HCM.


Một phát hiện bất ngờ gây bàng hoàng giới khoa học
Năm 1973, dược sĩ Đào Kim Long tình cờ phát hiện ra một cây dược liệu quý hiếm ở một vùng rừng núi thuộc Liên khu 5 ( gồm 9 tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hoà) – vùng núi Ngọc Linh, huyện ĐăkTô, tỉnh KonTum, ở độ cao 1.800m so với mực nước biển; qua quan sát, ông Long xác định đây là một cây thuộc chi sâm, họ nhân sâm, ông liền đặt cho nó một cái tên tạm thời là sâm đốt trúc (có đốt như cây trúc), với tên khoa học là Panax Articulatus. Với 85g thu được đầu tiên, ông liền gửi ngay ra Bộ Y tế, đề nghị cho nghiên cứu về cây sâm quý này. Sau đó, Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế phản hồi rằng, ở miền Bắc cũng mới phát hiện được một cây Panax nhưng chưa đặt tên, vì không có nhiều tác dụng, vậy là không cho nghiên cứu. Cây Panax của DS Long cũng cùng chung số phận với nó.


Về sau, bác sĩ Võ Tố, Vụ trưởng Vụ miền Nam, Bộ Y tế cho gọi dược sĩ quân dược Nguyễn Thới Nhâm, lúc bấy giờ đang là giám đốc Xưởng dược Trung – Trung bộ (tức liên khu 5) lên trao “sứ mệnh” nghiên cứu cây sâm Panax, vốn dĩ là thổ mộc của quê hương ông Nhâm (Đức Phổ, Quảng Nam). Ông Nhâm lập tức cho nghiên cứu tại Viện Dược liệu và sơ bộ phân tích về thành phần dược chất của loài cây mà theo ông, “vừa thấy là mê như điếu đổ” này. Đó là năm 1974. Sau khi có kết quả ban đầu về dược tính và dược chất, ông Nhâm lập tức làm bản đề nghị 4 điểm gửi lên ông Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Liên khu 5: Một là, khẳng định đây là cây thuốc rất quý, phải cho triển khai bảo vệ ngay. Hai là, lập tức đổi tên gọi, không được gọi là cây sâm, vì sợ dân địa phương, bộ đội, dân công đi B đào bới, phá sạch. Việc làm này nhằm đánh lừa dư luận. Ba là, phải đổi công dụng cho phù hợp với tên gọi mới. Sau đó được gọi là cây thuốc ngủ, mà dân đi rừng thì chẳng ai “thèm” thuốc ngủ! Bốn là, chỉ có Xưởng dược Trung – Trung bộ mới được phép khai thác bí mật để làm thuốc cho Khu ủy.


Tháng 3/1975, quân dược sĩ Nguyễn Thới Nhâm được cử sang Ba Lan làm NCS với đề tài nghiên cứu về cây sâm Việt Nam. Cả một trọng trách nặng nề mà Bộ Y tế giao phó cho ông Nhâm, chỉ vỏn vẹn có 85g sâm Ngọc Linh vắt vai này. Làm gì chỉ với số lượng ít ỏi này cho mấy năm nghiên cứu luận án tiến sĩ? Có lẽ vị giáo sư người Ba Lan cũng hiểu được ưu tư của NCS Nguyễn Thới Nhâm nên đã cho sử dụng một loại sâm quý hiếm của Liên Xô (sâm Aramongsolica - cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu), số lượng lên đến vài chục kg, làm đề tài NCS tiến sĩ của ông. Ông Nhâm ngay lập tức tranh thủ thời cơ vàng này để làm đề tài phụ về cây sâm của mình. Báo cáo khoa học, cũng là bài báo đầu tiên tiến sĩ Nhâm công bố trước toàn thể hội đồng khoa học Ba Lan, Liên Xô và quốc tế, vào năm 1976, gây chấn động trong giới khoa học nước ngoài “Sơ bộ phân tích thành phần hoá học một cây Panax của Việt Nam: Panax K5VN Araliaceae”. Theo đó, đây là cây thứ 20 trong tổng số 20 cây Panax còn lại quý hiếm trên toàn thế giới, và là một trong bốn loài cực hiếm: nhân sâm Triều Tiên, nhân sâm Trung Quốc, sâm Bắc Mỹ và Panax Việt Nam. Một phát hiện bất ngờ về cây sâm Ngọc Linh này là nó có đầy đủ (khoảng 50 hoạt chất) và giống hệt về cấu trúc với nhân sâm Triều Tiên và sâm Bắc Mỹ, nhưng có thêm 16 hoạt chất quý hiếm nữa mà chưa có một loài sâm nào trên thế giới từng có. “Vậy là Việt Nam mình có báu vật rồi!”. Tiến sĩ Nhâm thầm thốt lên như vậy.

Hành trình đi tìm một tên gọi
Tên gọi khoa học của một loài cây nói chung, cây dược liệu nói riêng, thường gắn chặt với đặc tính và thành phần hoạt chất của nó. Tiến sĩ Nhâm đã không đồng ý với cái tên ban đầu của nó; trong giới khoa học cũng nhiều người đứng về phía ông. Như đã có nói, trong bài báo đầu tiên công bố về loài sâm quý hiếm này, ông Nhâm đã một lần nữa đã phải “khai sinh” lại tên gọi cho nó, nhưng là lần đầu đối với giới khoa học nước ngoài. Đó là sâm K5VN; cái tên này cũng có nhiều trắc trở. Do chưa tìm được tên gọi mới cho phù hợp, mặc dù đã sơ bộ biết, cây sân này chưa từng có trong danh mục “thực vật học - dược liệu” (NV). Lúc đầu, cây được gọi là sâm Ngọc Linh, vì nó được phát hiện và tồn tại trên vùng núi này. Không xong, một cán bộ cao cấp của Nhà nước bấy giờ, do tính an ninh của loài cây quý, đã không đồng tình với cái tên gọi “đích thị” này. Rồi tiến sĩ Nhâm gọi cho nó là sâm Khu 5. Cũng không xong. Lại không nhận được sự đồng tình. Người ấy chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khoa học. Vậy là tiến sĩ Nhâm gọi trại ra thành sâm K5(VN). Cái tên “không làm hại ai” đó đã một thời gian dài được đặt cho loài sâm quý hiếm này.


Nhà khoa học đi đặt tên cho một loài cây mới phát hiện xem ra cũng không ép phê với chính nó và chính người đã trăn trở, cưu mang nó. Vậy là năm 1985, nhà thực vật học kỳ cựu Hà Thị Dụng lãnh nhận trọng trách khăn gói sang Liên Xô, để cùng với các nhà khoa học ở đây đi tìm tên gọi cho cây sâm quá ư khó tính này! Kết quả cuối cùng, dưới sự cộng tác của một giáo sư người Nga, bản khai sinh chính thức của loài cực hiếm này đã được công bố trên toàn thế giới: Panax vietnamensis Ha et Grushv. (Araliaceae).

Nâng cao giá trị kinh tế sâm Ngọc Linh
Ngay sau khi về nước, năm 1978, tiến sĩ Nhâm, lúc đó đã là Phó chủ nhiệm bộ môn Dược liệu Đại học Y khoa Tp.HCM, kiêm Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sâm Việt Nam đã lập tức cho thành lập một hội đồng nghiên cứu về sâm Ngọc Linh với nhiệm vụ khoanh vùng điều tra trữ lượng, xác định biên độ và giới hạn địa lý sống của nó. Sau ba năm lên núi vào rừng, vòng qua 13 xã thuộc 4 huyện của 2 tỉnh KonTum và Quảng Nam với bao gian nan chất chồng cộng với niềm say mê khoa học đến tột cùng, năm 1980, đoàn của tiến sĩ Nhâm đã sơ bộ xác định trữ lượng “mở” của sâm K5 này là khoảng 2 tấn. Đây là con số thuộc loại “bí mật quốc gia”, chưa từng được công bố vào thời điểm bấy giờ, và suốt một gian dài. Người đầu tiên nghe và tiếp nhận báo cáo ấy, không ai khác, chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch HĐBT.
Tiếng lành đồn xa, cây sâm Ngọc Linh đã được giới khoa học quốc tế biệt đến nhiều qua hàng loạt các hợp tác nghiên cứu và phát triển sau đó mà tiến sĩ Nhâm là người đại diện. Đó là các quốc gia: Ba Lan – nghiên cứu khoa học và giảng dạy, Liên Xô - hợp tác dược lý, Nhật Bản - về hoá học.


Ưu tư lón nhất của con người “khai sinh” ra nó, làm “bà đỡ” cho loài sâm quý hiếm này, là không có kinh phí hoặc kinh phí quá ít ỏi. PGS. TSKH Dược Ba Lan Nguyễn Thới Nhâm (ông đỗ tiến sĩ khoa học dược Ba Lan năm 1990 và được phong PGS trường Đại học Dược Vacsava), đã nhiều lần đề nghị nên hợp tác với nước ngoài để phát triển kinh tế, làm giàu đất nước, nâng cao giá trị đích thực của sâm Ngọc Linh trên trường quốc tế. Bởi theo ông Nhâm thì 2 nguồn làm giàu vô giá của đất nước là dầu lửa và sâm, mà ta đã có  cả hai, nếu không biết phát huy, mất mát sẽ khôn lường, mà còn “có tội” với đời sau. Với tư cách là giám đốc Trung tâm Sâm Việt Nam, TSKH Nhâm đã chủ trương “lấy khoa học nuôi khoa học”, nghiên cứu sản xuất đến đâu, tái đầu tư đến đó, điều mà trước giờ, trong nền kinh tế bao cấp đã chưa từng có và được chấp nhận: khoa học không được phép làm kinh tế, đơn vị nghiên cứu khoa học không được làm kinh tế. Nhà khoa học ấy vẫn đi theo cách làm của mình, với tham vọng phát triển và nâng tầm giá trị đáng phải có của loài loài sâm cực hiếm thứ tư trong bốn loài cực hiếm này. Được biên chế cho đơn vị 25 người, ông Nhâm “cả gan” cho 60 người. Không cấp lương cho “biên chế thừa”, ông quyết định “chống càn” tự nuôi. Vậy là bên cạnh cái cơ sở nghiên cứu- làm ăn nhỏ bé do nhà nước cấp, tiến sĩ Nhâm đã quyết định mở thêm 3 đơn vị sản xuất vệ tinh, lấy đó nuôi nó. Đó là các cơ sở sản xuất Berberin dược liệu, Terpin hydrat dược liệu, Cao xương, cao rắn các loại dươc liệu. Hiệu quả kinh tế mà đơn vị nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh mang lại cao gấp 10 – 50 lần nghiên cứu chỉ riêng cho cây sâm Ngọc Linh. Vậy là về lâu dài, cây sâm quý hiếm này đã có thể vươn ra thế giới bên ngoài với một thương hiệu Việt Nam hẳn hòi, sánh vai với sâm Triều Tiên , sâm Trung Quốc,vv…Những người sống chết cùng nó, trong đó có PGS.TSKH Nguyễn Thới Nhâm, đã luôn thao thức như vậy. Và trên thực tế, sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đã được xuất sang nhiều nước châu Âu bấy giờ, tuy chưa nhiều. Tuy nhiên, khó khăn thì chất chồng, do chưa một lần, việc làm “lấy khoa học nuôi khoa học” này được thừa nhận, mà còn chịu nhiều áp lực từ đồng nghiệp và cấp trên.
Mãi đến khi, trong một chuyến công tác vào Tp.HCM, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi nghe báo cáo và mục kích toàn bộ quy trình làm kinh tế, sản xuất sâm Ngọc Linh, mới đặt bút phê phá rào: Tôi đồng ý cho Trung tâm sâm Việt Nam của TS Nhâm lấy khoa học (làm kinh tế) nuôi khoa học. Sau này, quyết định đó đã trở thành chủ trương chung của Nhà nước cho các đơn vị khoa học làm kinh tế.


Vậy là danh đã chính ngôn đã thuận, cây sâm Ngọc Linh được xem như một tài sản quốc gia cần phải được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ. Năm 1995, Nhà nước quyết định lần đầu tiên cấp kinh phí một tỷ rưỡi đồng cho việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và sản phẩm của nó. Con người suốt đời đam mê với sâm- nói theo cách của GSTS Nguyễn Minh Đức, cũng là học trò của ông, là “bà đỡ” sâm Ngọc Linh- đã không được chứng kiến ngày hoàng kim của loài sâm cực quý này; khi cùng năm ấy, PGS.TSKH Nguyễn Thới Nhâm, vì tuối cao sức yếu, đã xin về hưu. Nguồn vốn 1,5 tỷ đồng được cấp cho cây sâm, cũng bị rút lại. Nhâm ra đi thì sâm đâu còn, có người bạn cán bộ cấp cao của TS Nhâm đã nói vui với ông như vậy.
Bây giờ, bác Nhâm vẫn nghiên cứu và sản xuất kinh tế về sâm, nhưng không phải là sâm Ngọc Linh quý giá của Việt Nam. Bác ấy là tác giả của rất nhiều sản phẩm được điều chế từ sâm, và hầu hết dành cho thị trường nước ngoài, như trà sâm, nước uống từ sâm,vv… nhưng là làm từ sâm Triều Tiên, nhập từ Triều Tiên. Thật là một nghịch cảnh trớ trêu, cho một dược liệu quý giá và cũng là cho một con người, một nhà khoa học với hơn 30 công trình khoa học nghiên cứu về sâm Việt Nam, được giới khoa học trong và ngoài nước biết đến.


Thì ra, sau khi bác về hưu, việc phát triển sâm Ngọc Linh được trả về hai địa phương nơi đã có diễm phúc sở hữu nó, chính quyền địa phương đã không có những biện pháp hữu hiệu bảo vệ nó. Khu rừng nguyên sinh có rất nhiều gỗ quý của miền Trung đất nước, cũng là nơi vì thế loài sâm này tồn tại, đã bị người ta khai thác gỗ kinh tế, lấy đâu loài cây cực hiếm này, sống ở độ cao 1.800m tồn tại? Ưu tư và day dứt đó của một người luôn tận tuỵ, cưu mang, “bà đỡ” khai sinh cho nó, cũng là vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta. Nếu chúng ta không hành động, những người khác sẽ tác động lên môi trương của chúng ta.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xuân Quý Tỵ 2013, viết về doanh nhân Trần Quí Thanh

Tp.HCM bắt tay xây hồ chống ngập

Tết Tân Sửu 2021, viết về doanh nhân trẻ Tô Lý Tài